Ông Vũ Xuân Năng, sinh năm 1952, ở xóm Nam Thành, xã Yên Phong, huyện Yên Mô. Dù sinh ra trong gia đình nông dân, cả nhà không ai theo đường nghệ thuật nhưng ngay từ nhỏ cậu bé Vũ Xuân Năng đã thể hiện niềm yêu thích sinh hoạt văn nghệ, đặc biệt là các làn điệu chèo cổ.
Cũng vì vậy mà ngay từ thời còn rất trẻ tuổi, ông Năng đã biết đánh các điệu trống Chèo, trống hát Văn, trống Xẩm...Năm 13 tuổi, chàng trai Vũ Xuân Năng đã bắt đầu tham gia hoạt động văn nghệ tại thôn xóm, từ năm 15 tuổi đã có thể đệm trống thành thạo cho các tiết mục hát văn nghệ.
Điểm đặc biệt ở ông Vũ Xuân Năng ở chỗ, dù không qua một trường lớp đào tạo về nhạc cụ nào bài bản nhưng với "linh giác đặc biệt" nên chỉ vài lần nghe các diễn viên ca, ngân các làn điệu là Vũ Xuân Năng có thể nương theo đó mà đánh trống ăn nhập một cách thần tình.
Chính năng khiếu độc đáo, hiếm có này đã khiến ông Vũ Xuân Năng có mặt hầu hết các sự kiện văn nghệ tại địa phương, đặc biệt là các các tiết mục biểu diễn chèo, hát xẩm, hát văn. Không chỉ có năng khiếu, mà với sự yêu thích đặc biệt với âm nhạc truyền thống, ông Vũ Xuân Năng còn không ngừng, giao lưu, học hỏi, tinh luyện ngón nghề trống nhạc tài hoa của mình qua hàng trăm chuyến lưu diễn văn nghệ quần chúng tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Chính tài điểm trống thành thục và tài hoa của ông đã khiến những nhà chuyên môn tại đoàn chèo Sông Vân chú ý. Ông Vũ Xuân Năng tham gia thi tuyển làm nhạc công cho đoàn chèo vào khoảng đầu những năm 1970. Tuy nhiên, do vai trò đặc biệt của ông với hoạt động văn nghệ địa phương lúc bấy giờ mà ông Năng được yêu cầu ở lại phục vụ nhân dân xã nhà.
Không may mắn đến được với nghệ thuật chuyên nghiệp, song ngọn lửa nhiệt tình của ông với âm nhạc thì không những không vơi đi mà càng bùng cháy. Điều đó hâm nóng sự nhiệt tình của ông với âm nhạc cổ truyền, giúp cho ông có được sự kiên trì, bền bỉ để song hành cùng hoạt động văn nghệ quần chúng suốt hơn 60 năm qua. Đối với hoạt động văn nghệ quần chúng tại địa phương, ít ai có quá trình hoạt động lâu dài và bền bỉ như ông Vũ Xuân Năng.
Nếu như xã Yên Phong, huyện Yên Mô tự hào vì có "báu vật nhân văn" Hà Thị Cầu thì cá nhân nhạc công Vũ Xuân Năng cũng có thể tự hào khi là một trong những người sát cánh cùng nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu trong nhiều chương trình biểu diễn.
Thuở sinh thời của cụ Cầu, khi nghệ nhân Hà Thị Cầu hát Xẩm, thì ông Vũ Xuân Năng chính là người đệm trống Xẩm ăn ý và tài hoa nhất. Nói về vinh dự của người hoạt động văn nghệ quần chúng, nhạc công chia sẻ: "Tôi từng cùng nghệ nhân Hà Thị Cầu được mời biểu diễn hát Xẩm tại Phủ Chủ tịch, cũng như biểu diễn chào mừng thành công Quốc hội khóa IV tại Hà Nội. Là một nhạc công nghiệp dư, việc được chơi nhạc tại những sự kiện quan trọng như vậy là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đờii".
Điều khiến người viết hết sức khâm phục là sự yêu thích âm nhạc truyền thống của cụ Năng vẫn thủy chung như ngày nào dù nay ông đã 68 tuổi. Thậm chí ngón trống nhạc của ông ngày càng điêu luyện, tài hoa hơn bao giờ hết. Không chỉ chơi nhạc giỏi, ông Năng còn tích cực truyền dạy cách sử dụng các nhạc cụ dân tộc cho nhiều bạn trẻ.
Từ lớp học của nhạc sư Vũ Xuân Năng, đã giúp lan tỏa niềm đam mê cổ nhạc đến nhiều bạn trẻ. Với kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật quần chúng phong phú của mình, ông Năng còn giúp truyền thụ nhiều làn điệu Chèo, Xẩm, hát Văn.. tới các bạn trẻ. Chính từ lớp học đó đã nhóm lên trong tâm hồn lớp trẻ niềm yêu mến các giá trị văn hóa cổ truyền, niềm tự hào về truyền thống quê hương.
Với sự cống hiến của mình, vừa qua, nhạc công Vũ Xuân Năng đã được Hội đồng xét tặng danh hiệu "nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Ninh Bình lần thứ 3 thống nhất lựa chọn là hồ sơ đủ tiêu chuẩn, điều kiện trình Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xem xét việc phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú".
Bài, ảnh: Mai Phương