PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật mà huyện Gia Viễn đã đạt được trong vụ mùa 2017? Đ/c Bùi An Khang: Tổng diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2017 toàn huyện là 5.732 ha, cơ bản đạt kế hoạch đề ra, trong đó: cây lúa 5.226 ha, cây màu 506 ha. Đặc biệt năm nay, diện tích trà mùa sớm, diện tích các giống có thời gian sinh trưởng ngắn tiếp tục được mở rộng để tạo quỹ đất sản xuất vụ đông, đồng thời là yếu tố giảm diện tích lúa bị nhiễm sâu đục thân lứa 5.
Ngoài ra, tỷ lệ lúa thuần, chất lượng cao vụ này của huyện đã chiếm tới trên 86% so với tổng diện tích. Nhiều mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm cũng đã được triển khai ở các HTX, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1 đơn vị canh tác. Cụ thể như: Mô hình liên kết sản xuất giống lúa HN6 giữa Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Quang Minh và HTX nông nghiệp Đô Lương, xã Gia Hưng. …
Cây màu, vụ mùa 2017 toàn huyện gieo trồng được 506 ha, tập trung chủ yếu vào các cây trồng như ngô thu bắp tươi, khoai lang và rau các loại; trong đó chú trọng đến 2 loại cây trồng trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao đó là cây cà chua và cây dưa các loại (dưa bở, dưa lê, dưa chuột). Năng suất các cây trồng đều bằng hoặc tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chú trọng chuyển đổi những vùng cấy lúa năng suất thấp sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hoặc nuôi trồng thủy sản. Vụ mùa 2017, toàn huyện đã chuyển đổi được 470,9 ha, trong đó chuyển đổi sang mô hình lúa - cá với diện tích 411,8 ha, chuyển sang trồng cây màu với diện tích 59,1 ha. Các mô hình chuyển đổi chủ yếu đó là: Trồng cây ăn quả ở xã Gia Phương, chuyển đổi sang trồng cây rau màu (cà chua, dưa các loại) ở các xã Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Phương, thị trấn Me.
Nông dân mạnh dạn tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, sản phẩm phân bón mới... Tập trung thâm canh để đảm bảo năng suất và sản lượng lương thực trên địa bàn: áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ (tăng tỷ lệ trà sớm, giảm diện tích ở trà trung và trà muộn), kỹ thuật thâm canh cũng được nông dân cải tiến (tăng cường bón lót, bón phân cân đối tỷ lệ N - P - K), sử dụng giống ngắn ngày để đẩy nhanh tiến độ có quỹ đất cho sản xuất vụ đông, đã mời các nhà khoa học có uy tín tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam về trực tiếp khảo nghiệm và chuyển giao kỹ thuật cho người dân trong thâm canh cây màu, việc liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp cũng được huyện quan tâm…
Tính đến ngày 02/10/2017, toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 750 ha lúa mùa, đạt 14,4%, dự kiến thu hoạch xong toàn bộ diện tích trước 25/10/2017. Năng suất ước đạt 48,06 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với vụ mùa 2016.
PV: Vậy theo đồng chí nguyên nhân nào để Gia Viễn đạt được những kết quả đáng khích lệ trên?
Đ/c Bùi An Khang: Ngay từ đầu vụ mùa năm 2017, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị sớm triển khai Kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2017, xây dựng lịch thời vụ, chỉ đạo, điều hành sản xuất, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây trồng vụ mùa; chủ động gieo cấy lúa mùa đúng thời vụ, đảm bảo cơ cấu các trà lúa, các cây màu.
Bên cạnh đó, xác định cơ cấu giống có vai trò quan trọng, tiền đề cho giá trị, năng suất cao, những năm qua, ngành Nông nghiệp &PTNT huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp &PTNT tổ chức khảo nghiệm, lựa chọn các giống lúa có năng suất, chất lượng cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
Hiện nay, các giống lúa chất lượng được duy trì và mở rộng với diện tích khoảng trên 600 ha, chiếm trên 15% so với diện tích tổng diện tích gieo trồng lúa toàn huyện. Các giống lúa truyền thống có năng suất, chất lượng thấp như: Khang dân 18, Q5 đã giảm đáng kể.
Song song với đó là việc cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi ngày càng được hoàn thiện; công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng cơ bản đã được thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào đồng ruộng.
Bước vào quá trình sản xuất, riêng đối với cây lúa, giai đoạn mạ nền nhiệt độ tương đối thuận lợi, nắng kèm mưa rải rác thuận lợi cho mạ sinh trưởng và phát triển tốt. Khi cây trồng bị ảnh hưởng do thời tiết, sâu bệnh, Phòng Nông nghiệp &PTNT đã kịp thời tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp tiếp tục sử dụng mạ dự phòng hoặc chủ động các giống ngắn ngày để gieo cấy lại trên những diện tích lúa gieo thẳng bị ảnh hưởng nặng và tỉa dặm đối với toàn bộ diện tích bị ảnh hưởng do bệnh nghẹt rễ gây ra.
Về công tác BVTV, Phòng Nông nghiệp &PTNT đã phối hợp với Trạm Trồng trọt và BVTV huyện để làm tốt công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh hại, triển khai đồng loạt các đợt đánh chuột, cấp phát thuốc diệt chuột miễn phí cho các xã trọng điểm vì vậy các điểm phát sinh, ổ dịch sâu bệnh gây hại được phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời, qua đó phần nào giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra, bảo vệ an toàn sản xuất.
PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đồng chí bài học nào được rút ra từ vụ sản xuất này?
Đ/c Bùi An Khang: Vụ mùa năm 2017 là vụ có thời tiết diễn biến khác biệt so với mọi năm. Giai đoạn cấy, do ảnh hưởng của bão số 1, bão số 2, trên địa bàn huyện đã có mưa vừa, mưa to ảnh hưởng tới toàn bộ diện tích lúa gieo thẳng; lúa cấy đang trong giai đoạn đẻ nhánh ở các vùng chua trũng xuất hiện bệnh nghẹt rễ, ảnh hưởng tới khả năng đẻ nhánh ở giai đoạn đầu và giai đoạn sau của cây lúa.
Ngoài ra, chưa năm nào, chuột hại lại phát sinh và phát triển mạnh như vụ mùa năm nay, mật độ chuột tăng gấp 6-7 lần so với cùng kỳ.
Cùng với đó các đối tượng sâu bệnh hại phát sinh phát triển nhanh nhất là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đã ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Song song với vấn đề này đó là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân Gia Viễn còn ở mức khiêm tốn.
Từ kết quả sản xuất vụ mùa 2017, cho thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm, kiên quyết thì sản xuất vụ mùa ở nơi đó mang lại hiệu quả rõ rệt. Phải có sự quan tâm, chỉ đạo tập trung, kiên quyết của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể quần chúng trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, khắc phục những khó khăn do thời tiết để khôi phục sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, tổ chức cung ứng vật tư đầy đủ và ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân.
Bên cạnh đó, cần tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người nông dân về tầm quan trọng và hiệu quả của sản xuất, thì mới khuyến khích các hộ nông dân chủ động trong việc lựa chọn cây trồng, bố trí thời vụ sản xuất phù hợp, tạo ra được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Hà Phương (thực hiện)