Do thời điểm gieo cấy tập trung đã xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, có ngày nhiệt độ xuống tới 6oC, nhiệt độ trung bình trong tháng 2 thấp (16oC) đã làm ảnh hưởng đến một số diện tích mạ mới gieo, diện tích lúa cấy và lúa gieo vãi của huyện Yên Mô sinh trưởng, phát triển chậm.
Tuy nhiên khi nắng ấm, nông dân đã nhanh chóng xuống đồng cấy đủ diện tích lúa đông xuân theo kế hoạch. Nhờ thực hiện chăm bón gọn, tập trung, nên thời điểm này, toàn huyện đã có 2.000 ha trong tổng số hơn 6.500 ha lúa đông xuân trỗ bông.
Bà Lê Thị Linh, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô cho biết: Nhìn chung, các trà lúa của huyện đều đang sinh trưởng, phát triển tốt; lúa có độ đồng đều tương đối cao, diện tích lúa cấy đã cơ bản trỗ xong trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Diện tích lúa gieo sạ cũng sẽ trỗ tập trung từ nay đến ngoài 20-5. Nhiều khả năng lúa đông xuân năm nay sẽ cho năng suất khá.
Hiện nay, huyện đang chỉ đạo các xã, HTX đảm bảo mực nước hợp lý để lúa trỗ bông, phơi màu thuận lợi, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của sâu bệnh, đặc biệt là rầy lứa 3 để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi đến ngưỡng, đảm bảo thắng lợi sản xuất vụ đông xuân.
So với các địa phương khác, yếu tố thời vụ sản xuất ở Gia Viễn rất quan trọng, vì nơi đây có hơn 1.000 ha hàng năm luôn chịu ảnh hưởng của lũ tiểu mãn... Các xã, HTX phải lên kế hoạch lịch thời vụ cấy, chăm bón cụ thể để lúa chín, cho thu hoạch trước khi lũ tiểu mãn tràn về.
Ông H ở xóm Đê xã Gia Tiến cho biết: Năm nay, đầu vụ rét đậm rét hại, nhiều nhà cấy sớm lúa bị chết nhưng nhà tôi nhờ che phủ nilon, giữ mạ đến tận ra giêng mới cấy nên 5 sào lúa ngoài đê hiện đã vào mẩy, chắc chắn thu hoạch trước khi lũ tiểu mãn về. Tuy mạ già, đẻ nhánh kém nhưng bù lại bông to, nhiều hạt, khả năng cho năng suất cao.
Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp huyện Gia Viễn khuyến cáo người dân thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa chín nhằm giảm thiểu tác hại do thời tiết gây ra; các địa phương có kế hoạch giải phóng đất chân mạ, đảm bảo đủ nước chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa.
Tổng diện tích gieo cấy lúa đông xuân của tỉnh vụ này đạt 41.000 ha. Nhìn chung, lúa đông xuân đang sinh trưởng và phát triển khá tốt.
Hiện, phần lớn diện tích đang trong thời kỳ trỗ bông. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra diễn biến dịch hại trên đồng ruộng cho thấy một số đối tượng dịch hại đang phát sinh và có khả năng gây hại nặng trên các trà lúa.
Rày nâu, rày lưng trắng đã và đang gây hại rải rác trên các trà lúa, cá biệt có nơi mật độ lên tới hàng nghìn con/m2, nếu không thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời sẽ gây hại, làm cháy nhiều diện tích lúa vào thời điểm cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6.
Ngoài ra, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn... tiếp tục phát sinh ở những ruộng cấy dày, bón nặng đạm, nhất là sau những trận mưa giông; sâu đục thân 2 chấm gây hại cục bộ trên diện tích lúa trỗ muộn; chuột tiếp tục phát sinh và hại mạnh.
Nhận thức tầm quan trọng của việc phòng, trừ sâu, bệnh hại lúa cuối vụ, cán bộ, kỹ thuật viên từ tỉnh đến cơ sở đang bám sát đồng ruộng, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt diễn biến tình hình sâu bệnh, trên cơ sở đó, tham mưu cho các địa phương ra thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn các HTX và bà con nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục kịp thời ảnh hưởng của sâu bệnh, thời tiết đến sinh trưởng phát triển của cây lúa, đảm bảo thắng lợi vụ sản xuất đông xuân.
Bài, ảnh: Hà Phương