Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá sơ bộ về những kết quả nổi bật của vụ đông xuân 2018-2019? Ông Lã Quốc Tuấn: Vụ đông xuân 2018-2019, toàn tỉnh gieo trồng được 48.800 ha cây trồng hàng năm, trong đó diện tích lúa là 40.597 ha (tăng 234 ha so với kế hoạch). Thời tiết vụ đông xuân năm nay tương đối thuận lợi, tình hình sâu bệnh hại được kiểm soát, phòng trừ kịp thời nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Dự kiến, năng suất hầu hết các loại cây trồng đều tăng. Riêng cây lúa, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng qua tham quan, đánh giá bước đầu cho thấy các ruộng lúa khá đồng đều, số bông/dảnh, số hạt/bông cao, hạt to, chắc, sáng, tỷ lệ hạt lép thấp nên năng suất dự tính sẽ tăng nhẹ so với vụ đông xuân năm ngoái.
Phóng viên: Vậy theo đồng chí, nhân tố nào quyết định thắng lợi vụ đông xuân 2018 - 2019?
Ông Lã Quốc Tuấn: Có nhiều yếu tố giúp vụ đông xuân năm nay giành thắng lợi:
Thứ nhất: Dù tiếp tục là vụ đông xuân ấm nhưng các điều kiện thời tiết của năm nay lại rất thuận lợi cho các cây trồng sinh trưởng và phát triển, lượng nước đảm bảo, không xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt, xác định là một vụ đông xuân ấm nên Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, chỉ đạo tập trung từ tỉnh đến cơ sở để đảm bảo kế hoạch sản xuất, nhất là thực hiện đúng lịch thời vụ, cơ cấu trà lúa, giống lúa các biện pháp kỹ thuật ứng phó với diễn biến thất thường của thời tiết, dịch hại.
Đã có sự chuyển dịch rất tích cực về cơ cấu giống lúa cũng như thời vụ. Giống dài ngày chỉ còn gieo cấy với tỷ lệ rất thấp, giống ngắn ngày gieo cấy ở trà xuân muộn tăng bởi nhóm giống ngắn ngày ít bị chịu tác động của điều kiện thời tiết ấm so với nhóm dài ngày.
Thứ hai, xác định giống có vai trò quan trọng, tạo tiền đề cho năng suất cao, những năm qua, ngành NN&PTNT đều chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức khảo nghiệm, lựa chọn các giống lúa có tiềm năng năng suất, chất lượng cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, các giống lúa chất lượng được duy trì và mở rộng với diện tích khoảng gần 19 nghìn ha, chiếm 46% tổng diện tích gieo cấy, đây là nhóm giống có chất lượng cơm gạo ngon đáp ứng nhu cầu của thị trường, nên giá bán cũng khá cao, tạo điều kiện cho các hộ nông dân đầu tư chăm bón, tăng năng suất. Riêng nhóm giống lúa lai một số huyện như Nho Quan, Gia Viễn vẫn đang duy trì và nhân rộng vì thế năng suất lúa các vùng này cũng khá cao.
Thứ ba, ngay từ đầu vụ, Chi cục Trồng trọt&BVTV tỉnh đã làm tốt công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh hại; vì vậy các điểm phát sinh, ổ dịch sâu bệnh gây hại được phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời, qua đó đã giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra, bảo vệ an toàn sản xuất.
Phóng viên: Xin ông cho biết thêm về một số kết quả trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến và các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa trong vụ đông xuân này?
Ông Lã Quốc Tuấn: Những năm trở lại đây, để giảm chi phí sản xuất và giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trẻ trong nông nghiệp, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được các cấp, các ngành và người dân quan tâm. Nhiều khâu trong sản xuất lúa có tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa cao như máy làm đất, sử dụng máy phun thuốc BVTV, máy phun phân bón khi chăm sóc lúa, máy gặt đập liên hoàn, máy cuốn rơm rạ.
Đặc biệt việc sử dụng máy sấy lúa ở một số đơn vị đã bước đầu khẳng định hiệu quả từ đó tiết kiệm được công lao động, tăng phẩm cấp, chất lượng, giá trị hạt gạo. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ngoài việc áp dụng cơ giới hóa thì vấn đề liên kết, tiêu thụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng được người dân chú trọng phát triển. Nhiều HTX đã chủ động liên kết với một số doanh nghiệp để triển khai sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm.
Đặc biệt, năm nay, Công ty Bảo Minh đã ký kết với một số địa phương để sản xuất, thu mua 1000 tấn gạo (chủ yếu là nhóm lúa chất lượng như Bắc thơm số 7 và Nếp), trong đó Chi cục có tham gia hướng dẫn bà con về các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thí điểm hình thức gieo cấy hàng rộng, hàng hẹp, sử dụng phân bón nhả chậm… để đảm bảo chất lượng lúa gạo theo yêu cầu.
Phóng viên: Như vậy đến thời điểm này có thể khẳng định vụ đông xuân 2018-2019 tiếp tục là một vụ sản xuất được mùa. Tuy nhiên từ nay đến cuối vụ thời tiết sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. Vậy ông có khuyến cáo gì đối với các địa phương và bà con nông dân để bảo vệ thành quả này?
Ông Lã Quốc Tuấn: Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đã trỗ xong và đang trong thời kỳ vào hạt, chuẩn bị chín. Một số diện tích lúa xuân sớm ở các huyện: Nho Quan, Gia Viễn đã được thu hoạch. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong thời gian tới, tình hình thời tiết diễn biến thất thường, có nơi xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to, có thể có hiện tượng gió lốc... do vậy với phương châm "Xanh nhà hơn già đồng", bà con nông dân trên địa bàn tỉnh cần nhanh chóng thu hoạch các diện tích lúa đông xuân đã chín, phấn đấu thu hoạch xong trước 15/6 (sớm hơn vụ đông xuân năm ngoái khoảng 10 ngày).
Ngay sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân bà con cần tranh thủ làm đất sớm để các tàn dư phụ phẩm cây trồng trên đồng ruộng phân hủy hết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai sản xuất vụ mùa.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà Phương (thực hiện)