Vừa thu hoạch xong hơn 4 sào lúa đông xuân, bà Bùi Thị Lan (thôn Vân Tiến, xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh) hồ hởi: "Bây giờ nông dân nhàn hơn trước nhiều rồi, cái gì cũng đã có máy móc làm thay. Cắt lúa chỉ cần hẹn ngày với chủ máy gặt là cứ việc ngồi đếm bao thóc chuyển lên bờ thôi. Năm nay gia đình tôi cấy giống Khang dân, Bắc thơm, thời tiết thuận lợi, hầu như không có sâu bệnh, chi phí giảm, lúa được mùa, cả nhà vui lắm. Cùng với không khí phấn khởi ở xã Khánh Vân, tại xã Khánh Nhạc nơi có 70 ha lúa thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung, cơ giới hóa, liên kết bao tiêu sản phẩm, ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Hợp Tiến nói: "Vụ này, bà con chủ yếu gieo cấy các giống lúa mới như Đài thơm, nếp… các giống lúa cũ mẫn cảm với sâu bệnh như LT2, Bắc thơm đã dần bị loại bỏ.
Nhìn chung, lúa toàn vùng được mùa, độ đồng đều cao, năng suất ước đạt khoảng 64 tạ/ha. Riêng 70 ha lúa tập trung, HTX đã ký kết với Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tường Lân cấy giống lúa của Nhật với diện tích 50 ha, với giá bao tiêu tươi là 8 nghìn đồng/1kg; sản xuất 15 ha lúa giống với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang, giá thu mua bằng giá lúa Bắc thơm trên thị trường nhưng năng suất giống lúa này rất cao 2,6-2,7 tạ/sào. Bình quân nông dân lãi khoảng 10-15 triệu đồng/ha, có hộ lãi khoảng 20 triệu đồng/ha.
Tương tự, tại huyện Hoa Lư, bà con nông dân cũng đã bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân và đến nay về cơ bản đã hoàn tất. Nông dân xã Ninh An chia sẻ: Thời tiết thuận lợi nên cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư nhẹ mà hầu hết các ruộng đều được mùa, bông đều tăm tắp. Có người còn nói vui "lúa năm nay khỏi phải rê vì chẳng có một hạt lép nào".
Vụ đông xuân 2017-2018, huyện Hoa Lư gieo cấy trên 3.000 ha lúa tập trung ở trà xuân muộn, đạt 101,37% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa lai chiếm khoảng 21%, còn lại là các giống lúa thuần, lúa chất lượng cao. Năm nay diện tích cánh đồng mẫu lớn của huyện tiếp tục được duy trì với khoảng 849 ha, tăng 61 ha so với vụ đông xuân 2016-2017.
Vừa qua, huyện đã tổ chức hội nghị đánh giá về năng suất, sản lượng lúa vụ đông xuân 2017-2018. Qua khảo sát thực địa đồng ruộng của các địa phương, lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh và đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT đều đánh giá vụ sản xuất này huyện Hoa Lư được mùa; năng suất lúa bình quân chung ước đạt khoảng 67,8 tạ/ha.
Đồng chí Lã Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng Trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho hay, vụ này nông dân 8 huyện, thành phố của tỉnh cấy tổng cộng 40,6 nghìn ha lúa, trong đó có trên 17 nghìn ha gieo thẳng, chiếm gần 42% diện tích, tăng 2 nghìn ha so với vụ năm trước.
Nhìn chung, cơ cấu giống, lịch thời vụ do ngành chuyên môn đưa ra được các cấp chính quyền, hợp tác xã nông nghiệp, đội ngũ khuyến nông viên cơ sở và đặc biệt là nông dân tuân thủ nghiêm.
Khâu làm đất, điều tiết nước đều đảm bảo; diện tích nhiễm sâu bệnh hại đều được phát hiện và chủ động phòng trừ có hiệu quả. Bên cạnh đó, nhờ yếu tố thời tiết thuận lợi do vậy cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, độ đồng đều cao; bộ lá đẹp, bền, hạt lúa sáng mẩy, chắc, tỷ lệ lép rất thấp.
Đặc biệt, giai đoạn thu hoạch hiện nay, thời tiết nắng đẹp, việc phơi sấy diễn ra thuận lợi nên chất lượng hạt thóc cũng tăng lên rất nhiều. Đồng chí Lã Quốc Tuấn cho biết, toàn tỉnh về cơ bản đã thu hoạch xong 40,6 nghìn ha lúa.
Theo báo cáo của các địa phương và kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, vụ đông xuân năm nay được đánh giá là được mùa với năng suất lúa bình quân toàn tỉnh ước đạt 66,4 tạ/ha, cao hơn so với vụ đông xuân 2016 - 2017 khoảng 0,3 tạ/ha, sản lượng đạt gần 27 vạn tấn.
Ngoài cây lúa, vụ đông xuân 2017 - 2018, các cây trồng khác như ngô, lạc, rau đều có năng suất cao hơn so với cùng vụ sản xuất năm trước. Như vậy, vụ đông xuân năm nay, hàng vạn nông dân Ninh Bình có chung một niềm vui bởi được mùa, ít sâu bệnh, năng suất cao, chi phí đầu tư thấp, thị trường đầu ra thuận lợi.
Hà Phương