"Tuy mới bắt đầu thu hoạch nhưng có thể thấy chưa năm nào vụ đông dễ làm như năm nay". Đó là khẳng định của hầu hết những người nông dân chúng tôi có dịp gặp gỡ khi theo chân cán bộ Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Yên Khánh tới thăm các xứ đồng vào những ngày đầu tháng 12. Hiện các loại cây, rau màu vụ đông đã và đang bắt đầu cho thu hoạch. Không chỉ đạt năng suất, sản lượng mà giá bán các sản phẩm cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái nên nông dân hết sức phấn khởi.
Vài năm trở lại đây, được xã tạo điều kiện về tưới tiêu, bảo vệ đồng điền… cộng thêm có cơ chế mở cho những người gắn bó với đồng ruộng thuê lại đất của hộ dân khác để mở rộng diện tích, sản xuất vụ đông ở xã Khánh Mậu đã có nhiều thay đổi.
Sản xuất tập trung hơn, tỷ lệ sản phẩm hàng hóa nhiều hơn, do đó giá trị cũng được nâng lên một bước. Như vụ đông này, tại cánh đồng màu thuộc các xóm 1, 2, 3, 10, 11 hơn 80 hộ dân đã tổ chức sản xuất gọn vùng 8 ha rau cải bó xôi cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao.
Đang nhặt cỏ cho luống rau cải bó xôi mới trồng, chị Phạm Thị Tính, xóm 1, xã Khánh Mậu cho biết: "Giống cải bó xôi dễ làm, sản phẩm lại được công ty ký hợp đồng bao tiêu nên tôi rất yên tâm. Cứ trồng 1 sào rau này là cầm chắc 2 triệu đồng. Nhà tôi làm ít chứ nhiều hộ làm lớn, luân canh, trong vụ đông đã thu cả trăm triệu đồng".
Tại xã Khánh Hải, chúng tôi cảm nhận rõ sự gắn bó của những người nông dân nơi đây với đồng ruộng bởi hầu như toàn xã không có một khoảnh ruộng nào bị bỏ hoang trong vụ đông. Người dân nơi đây đã thực sự coi "tấc đất là tấc vàng". Những ngày này, bà con đang tranh thủ ra đồng để thu hoạch bí xanh, rau các loại trong niềm vui được mùa, được giá.
Theo nhẩm tính của ông Đỗ Văn Hoạt, xóm Hà Đông, xã Khánh Hải: Với 9 sào bí xanh, năng suất đạt khoảng 1 tấn/sào, giá bán lúc rẻ, lúc đắt cộng trung bình khoảng 5 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí vụ này gia đình thu lãi trên 40 triệu đồng. Ông Hoạt còn cho biết: "Với những gia đình có lao động, trồng được các loại rau sớm hoặc cà chua còn thu lãi nhiều hơn. Làm 1 vụ đông thu nhập bằng 5-6 lần vụ lúa nên bà con ở đây không cần ai bảo cũng tự làm".
Được biết, nhiều năm nay, xã Khánh Hải đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật gieo sạ trong sản xuất lúa nhưng do năm nay thời tiết bất thuận, thu hoạch vụ đông xuân muộn nên để sản xuất được vụ đông, chính quyền xã đã linh hoạt trong việc vận động người dân chuyển toàn bộ từ gieo sạ sang gieo mạ, cấy lúa trong vụ mùa. Nhờ vậy, vụ đông này Khánh Hải vẫn duy trì gieo trồng hơn 200 ha cây vụ đông, tổng giá trị ước đạt trên 12 tỷ đồng.
Bước vào sản xuất vụ đông 2016 trong điều kiện hết sức khó khăn: ảnh hưởng của mưa bão khiến thời vụ thu hoạch lúa mùa chậm 7-10 ngày so với mọi năm kéo theo thời vụ gieo trồng vụ đông, nhất là các cây ưa ấm như ngô, đậu tương, lạc, khoai lang… cũng bị chậm lại. Đầu ra cho sản phẩm vụ đông không ổn định, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp thấp khiến cho nhiều nông dân không "mặn mà" với đồng ruộng.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch lao động sang các lĩnh vực khác đang diễn ra mạnh mẽ khiến cho nông nghiệp thiếu hụt một lượng lao động lớn, nhất là những lao động trẻ khỏe. Song, toàn huyện Yên Khánh vẫn gieo trồng được trên 3.000 ha cây trồng các loại, vượt kế hoạch đề ra.
Trong đó cây trồng chủ lực vẫn là bí xanh, ngô, khoai lang, rau các loại… Những ngày đầu tháng 12, nhiều loại cây trồng đã bắt đầu cho thu hoạch.
Theo đánh giá sơ bộ của Phòng Nông nghiệp huyện, mặc dù vụ đông năm nay thời tiết khô hanh, ít mưa nhưng nhìn chung khá thuận lợi cho cây trồng phát triển nên năng suất tăng so với vụ trước.
Đặc biệt, một số loại cây trồng vụ đông sớm như su hào, bắp cải, bí xanh, rau dưa, cà chua… được thương lái thu mua tại đầu ruộng với giá khá cao.
Các cây trồng khác như rau cải bó xôi, ngô ngọt, trạch tả… được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Có thể đánh giá vụ đông 2016 tiếp tục là vụ đông thắng lợi toàn diện về năng suất, diện tích cũng như giá trị của huyện Yên Khánh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Vụ đông chỉ diễn ra trong khoảng 3 tháng nhưng lại cho giá trị thu hoạch bằng 3-4 lần cả năm làm lúa. Giá trị sản xuất mà vụ đông mang lại cho huyện ước tính khoảng 150-160 tỷ đồng mỗi năm.
Do vậy, mặc dù những năm gần đây, vụ đông ở một số nơi có dấu hiệu chững lại về diện tích, một số cây trồng sụt giảm đáng kể bởi những khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu, tiêu thụ, thiếu hụt lao động… nhưng Yên Khánh vẫn xác định phải giữ vững diện tích cây vụ đông.
Từng bước đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất hàng hóa chính, gắn với tái cơ cấu ngành trồng trọt. Nhiều giải pháp đã được huyện triển khai, trong đó có việc quy hoạch lại sản xuất, chỉ phát triển những cây thế mạnh, có đầu ra, dễ tiêu thụ, dễ bảo quản.
Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên doanh, liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để mở rộng diện tích. Yêu cầu các đơn vị chuyên môn kịp thời hướng dẫn, khuyến cáo bà con nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh để bảo vệ an toàn cho sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nguyễn Lựu