Phong trào trồng cây vụ đông ở Gia Viễn đang chững lại - đó là thực tế như nhận xét của nhiều người. ở các vụ trước, cây đậu tương là cây trồng chiếm diện tích nhiều nhất và là cây chủ lực, tuy nhiên từ vụ đông năm 2011 trở lại đây, điều kiện thổ nhưỡng (là vùng trũng), yêu cầu điều kiện khắt khe về thời vụ nên việc canh tác cây đậu tương trở nên khó khăn, diện tích cũng như năng suất giảm mạnh.
Vụ đông vừa qua, cây đậu tương chỉ được trồng ở HTX nông nghiệp Đô Lương (xã Gia Hưng). Cây khoai lang vẫn là cây truyền thống, chủ lực, vừa dễ trồng, thời vụ rộng, cho hiệu quả kinh tế khá nên được nông dân tích cực mở rộng diện tích và trồng nhiều ở các xã Gia Hưng và Liên Sơn.
Đi tìm nguyên nhân, chúng tôi được biết, ở Gia Viễn khi bước vào đầu vụ đông, thời tiết diễn biến phức tạp, có khi diện tích đậu tương vừa xuống giống thì gặp mưa đầu vụ nên ngập úng, hạt giống thối phải xuống lại giống, hoặc phải chuyển đổi trồng cây khác… Bên cạnh đó, khi có sản phẩm nông sản thì lại rớt giá… hoặc chẳng biết bán cho ai vì sự liên kết giữa các hộ nông dân, HTX với các doanh nghiệp, thương lái còn hạn chế… Lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ không mặn mà với đồng ruộng, chuyển sang làm nghề khác, đi xa làm ăn… nên dẫn đến tình trạng ở nhiều vùng nông thôn "khủng hoảng về lao động lúc đông vụ chí kỳ".
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương chưa quyết liệt, vẫn còn những đơn vị quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại cây trồng chưa hợp lý, đặc biệt là trong ý thức của một số nông dân chưa thực sự mặn mà với sản xuất vụ đông, hoặc có tham gia nhưng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đã sống ở nông thôn thì đồng ruộng luôn gắn liền với người nông dân. Việc đồng áng là nghề của nhà nông. Sinh ra từ ruộng đồng thì không thể để đất cho cỏ mọc, hay đồng trắng, nước trong được. Chẳng thế mà người nông dân từ xưa đã có câu "tấc đất, tấc vàng".
Điển hình như vụ đông năm trước, có một hộ xã viên ở HTX nông nghiệp Gia Trấn đã mạnh dạn đầu tư trồng cây dưa bao tử với 4,5 ha, đem lại năng suất 5 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 22,5 tấn. Đây là kết quả bước đầu và rất đáng khích lệ đối với việc đưa giống cây trồng mới trên đồng đất chiêm trũng như ở Gia Viễn.
Qua tìm hiểu được biết, các cấp, ngành và lãnh đạo huyện Gia Viễn cũng rất quyết tâm phát triển cây vụ đông với phương châm "không cho đất nghỉ". Trên cơ sở kế hoạch sản xuất, các cấp, ngành tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn các HTX nông nghiệp, các xã, thị trấn lập kế hoạch chi tiết, báo cáo diện tích thời vụ, cơ cấu cây trồng hợp lý. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu mô hình sản xuất có hiệu quả, giống mới, kỹ thuật thâm canh, thông tin thị trường, kể cả thông tin diễn biến thời tiết… Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc áp dụng giống mới cho năng suất, chất lượng cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới thân thiện với môi trường…
Được biết, lịch kế hoạch sản xuất vụ đông được huyện chỉ đạo các địa phương xây dựng ngay từ vụ lúa mùa. Vùng nào, cấy giống lúa gì thì cho gặt sớm để có thể làm vụ đông ngay sau đó. Công tác thủy lợi nội đồng trong vùng sản xuất vụ đông được đôn đốc thực hiện. Bên cạnh đó là việc rà soát, duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa dịch vụ thủy nông với nông dân và có phương án đảm bảo kịp thời khi tưới, tiêu. Diện tích lúa mùa sớm ở Gia Viễn dự kiến cho thu hoạch trước ngày 5-10 với diện tích gần 2.500 ha để trồng cây vụ đông. Kế hoạch vụ đông năm nay, Gia Viễn phấn đấu trồng 1.350 ha, trong đó trên 1.000 ha trên đất 2 lúa và 1 lúa.
Với quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng những giải pháp để khắc phục hạn chế được rút ra trong sản xuất vụ đông những năm gần đây, hy vọng huyện chiêm trũng Gia Viễn vẫn có thêm một vụ - vụ thứ 3 trong năm có năng suất khá, mặt hàng nông sản đem lại giá trị kinh tế cao, phần nào động viên, khích lệ người nông dân một nắng, hai sương trên ruộng đồng.
Minh Đường