"May nhờ, rủi chịu" Điểm qua tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vụ đông trên địa bàn tỉnh những năm qua cho thấy vụ đông tuy là vụ sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích nhưng hiệu quả này lại không bền vững, thiếu tính ổn định dẫn đến diện tích sản xuất vụ đông có xu hướng giảm, đặc biệt là trên diện tích 2 lúa. Nguyên nhân một phần là do những năm gần đây khí hậu biến đổi thất thường, mưa lũ không theo quy luật gây khó khăn lớn cho quá trình sản xuất.
Đặc biệt, việc tổ chức thị trường, định hướng cho sản xuất của nông dân vẫn chưa thực hiện một cách bài bản; các cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp còn ít, quy mô hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu bao tiêu sản phẩm, dẫn đến hiệu quả còn thấp. Điệp khúc được mùa rớt giá vẫn thường xuyên diễn ra. Điển hình như năm 2010, giá 1 kg khoai tây vụ đông lên tới 12-15 nghìn đồng/kg, bà con vô cùng phấn khởi bởi 1 sào trồng khoai tây khi đó thu lãi từ 4-5 triệu đồng.
Nhưng ngay sau đó, vụ đông năm 2011, giá khoai tây sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn 3-4 nghìn đồng/kg mà còn không bán nổi, thối hỏng, nhiều nhà phải bỏ làm thức ăn cho lợn. Tiếp theo, năm 2013 là câu chuyện buồn về giá rau xanh, su hào, bắp cải "rớt giá" thảm hại, một cây bắp cải giá chỉ 2 nghìn đồng, còn su hào loại to cũng chỉ 1 nghìn đồng/củ.
Đầu tư trồng 1 sào bắp cải mất khoảng 1,5 triệu đồng bao gồm tiền giống, phân tro, nước, thuốc BVTV nhưng đến lúc thu hoạch người dân chỉ thu về khoảng 700-800 nghìn đồng/sào, lỗ gần 800 nghìn đồng.
Còn với cây dưa chuột bao tử, qua nhiều năm sản xuất, tưởng đã khẳng định được giá trị kinh tế bởi khả năng thích ứng rộng với đồng đất ở nhiều địa phương và đặc biệt sản phẩm được các công ty chế biến ký hợp đồng bao tiêu.
Tuy nhiên, đến vụ đông năm 2014, cùng với khó khăn trong xuất khẩu, giá dưa chuột bao tử từ 7 nghìn đồng/kg rớt xuống trên dưới 1 nghìn đồng/kg. Vì vậy, trước vụ đông 2015, tâm lý nông dân đang rất băn khoăn trong việc lựa chọn cây trồng.
Hiệu quả nhìn từ "điểm"
Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn là vấn đề "nóng" và dĩ nhiên, việc đẩy mạnh vụ đông cũng phụ thuộc nhiều vào vấn đề này. Tuy nhiên, trong khó khăn, vẫn có một số địa phương kiên trì bám vụ đông bằng sự năng động trong cách làm.
Rau màu là cây trồng hiệu quả trong vụ đông, vừa quay vòng nhanh, vừa cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, hầu hết các huyện trong tỉnh đều cơ cấu diện tích rau màu trong vụ đông nhưng do đưa vào sản xuất ồ ạt, trong khi chưa định hình được đầu ra cho sản phẩm, nên nhiều nơi đã thất bại.
Tuy nhiên, ở xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh), với sự nhạy bén trong tư duy sản xuất, nhiều nông dân đã có cách làm khá hay đó là gối vụ liên tục. Các loại rau củ có sự ổn định về thị trường, dễ làm, có thể để được lâu, vận chuyển dễ dàng như đậu cô ve, bí xanh, lặc lày, mướp đắng, dưa chuột… được bà con đưa vào thâm canh.
Anh Hoàng Trọng Tuyến, xóm 13 (Khánh Thành) tính toán: 5 sào ruộng, luân canh các loại rau, hái vừa hết lứa đậu thì dưa chuột cũng đủ lớn, dưa chuột bán xong thì thu hoạch mướp đắng, lặc lày rồi lại ớt cay… cứ thế, nhà có sản phẩm thu hoạch hàng ngày, lại đáp ứng yêu cầu của các tiểu thương.
Anh Tuyến cho hay: Bà con ở đây hầu hết đều gối "thu hoạch" liên tục để cây này hết vụ còn có cây kia bù lại. Hiện nay, nhiều địa phương như Thượng Kiệm (Kim Sơn), Gia Phương (Gia Viễn), Khánh Mậu (Yên Khánh)… cũng đẩy mạnh sản xuất rau vụ đông.
Tuy nhiên để đón được đợt giá cao, nông dân đã chuyển đổi theo hướng trồng những cây trồng có giá trị hoặc canh tác trái vụ, trồng cà chua sớm, bắp cải, su hào sớm, tránh lúc thu hoạch rộ, đem lại thu nhập cao.
Còn tại xã Yên Thái (huyện Yên Mô), mô hình liên kết không còn xa lạ với người dân. Là một trong những địa phương có diện tích cây vụ đông nhiều và có hiệu quả nhất của huyện Yên Mô, sự cần cù, chịu khó cùng khả năng tiếp thu KHKT, kỹ thuật canh tác cây vụ đông của nông dân nơi đây là địa chỉ tin cậy để Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đậu đỗ (Viện Cây lương thực và cây thực phẩm) lựa chọn, ký hợp đồng sản xuất, nhân giống đậu tương, lạc đông và ngô đông với diện tích khoảng 30 ha. Lãnh đạo xã Yên Thái cho biết: Vụ đông trên đất 2 lúa ở Yên Thái luôn được xem là vụ thứ ba trong năm, mang lại giá trị kinh tế cao ở xã thuần nông không có nghề phụ như Yên Thái.
Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm vụ đông, xã đã chỉ đạo các HTX nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Trên cơ sở trao đổi, thỏa thuận với doanh nghiệp, người dân sẽ quyết định hình thức và quy mô liên kết, còn chính quyền các cấp đóng vai trò tham gia chỉ đạo, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và tiếp sức bằng các chính sách khuyến khích khác.
Mạnh dạn đổi mới
Vai trò của vụ đông 2015 là hết sức quan trọng trong việc đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành trồng trọt năm 2015 và cả năm 2016. Vì vậy, chủ trương của Sở Nông nghiệp & PTNT tiếp tục coi đây là vụ sản xuất chính, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 12.300 ha cây trồng các loại.
Trong đó, nhóm cây chủ lực được xác định là: đậu tương 440 ha, ngô trên 3.000 ha, khoai tây 750 ha, khoai lang trên 1.400 ha, rau các loại 4.500 ha.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2015, lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Diện tích vụ đông của Ninh Bình từng rất lớn, nhưng gần đây chỉ khoảng 11-12 nghìn ha. Sở xác định không chú trọng mở rộng diện tích mà trước hết phải tập trung tăng giá trị và lợi nhuận cho nông dân tại các diện tích đã có bằng các giải pháp đồng bộ.
Trong điều kiện khó khăn về đầu ra cho nông sản, khi xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông, các địa phương cần đặc biệt quan tâm tới yếu tố giá trị sản xuất của các đối tượng cây trồng và thị trường tiêu thụ để cân đối sản xuất linh hoạt. Một số đối tượng cây vụ đông như ớt, rau đậu có giá trị rất cao, nhưng lại giới hạn về thị trường, nên cùng một lúc khó chuyển ngay hàng loạt sang trồng được.
Ngược lại, ngô hay đậu tương chẳng hạn, mặc dù chưa tạo ra giá trị gia tăng cao, chỉ dưới 30 triệu đồng/sào, tuy nhiên thị trường lại rất sẵn, không bao giờ là thừa.
Vì vậy, vấn đề là làm sao có cách tiếp cận bằng các gói kỹ thuật nhằm giảm giá thành, giảm đầu tư cho các cây trồng giá trị thấp này để cân bằng sản xuất n
Bài, ảnh: Hà Phương