Trong những ngày giữa tháng 10, trời tiếp tục mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 11 làm cho nhiều diện tích cây đông đã trồng bị ảnh hưởng. Khó khăn hơn khi tình trạng ngập úng tại một số địa phương đang gây không ít trở ngại cho việc đảm bảo khung thời vụ và kế hoạch đặt ra cho diện tích trồng cây vụ đông.
Nhiều vụ đông qua, bà con nông dân HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) đã đưa vào trồng các cây màu vụ đông, bởi qua kết quả sản xuất, vụ đông đã đem lại hiệu quả cao. Với thời gian chỉ trong vòng 3 tháng, giá trị từ sản xuất vụ đông đã cho thu nhập cao hơn vụ lúa so với cùng diện tích.
Do đó, ngay khi gặt xong vụ mùa, cố gắng tranh thủ thời vụ cho phép, bà con nông dân tập trung gieo trồng cây đông nhằm tăng thêm thu nhập. Song, hiện nay, thời tiết không thuận lợi, nhiều ngày qua trời liên tục mưa đã gây khó khăn cho bà con, người nông dân phải vừa trồng bổ sung vừa tháo nước cho cây đã trồng phát triển.
Đầu vụ, cũng do mưa nhiều nên các cây đã trồng vụ đông sớm như đậu tương, ngô không đảm bảo diện tích, nay lại gặp khó khăn do mưa úng. Trước thực tế đó, nhiều giải pháp đã và đang được cán bộ, kỹ thuật và nông dân sớm triển khai đối phó với mưa, úng để sản xuất cây vụ đông đảm bảo thời vụ, diện tích.
Chị Trần Thị Hà, xã viên HTX Hợp Tiến cho biết: Có truyền thống sản xuất vụ đông rồi nên khi vào vụ sản xuất nhà tôi trồng gần một mẫu các loại cây màu. Các cây đậu tương, ngô đang phát triển xanh tốt nhưng gặp mưa đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển.
Trước tình trạng ngập úng, gia đình tôi đã phải cắt cử nhau khơi thông dòng chảy, tiếp đất nâng đỡ những cây đổ ngã…, duy trì đến khi hết mưa để chăm bón cho cây phát triển trở lại, chẳng biết có cho năng suất không. Cũng may có vài sào rau mầu trồng sớm đã được thu hoạch tiêu thụ dần, nay còn lại một ít do bị mưa úng nên dập nát hết, phải thu hoạch gấp bán với giá rất rẻ…
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm HTX Hợp Tiến cho biết: Do ảnh hưởng của mưa bão nên hàng chục ha diện tích trồng ngô, đậu tương và các loại rau màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, chúng tôi vận động bà con bám đồng ruộng, huy động máy bơm tiêu, khơi thông dòng chảy, chủ động tháo nước cho những diện tích cây đông đã trồng đang gặp mưa úng. Đồng thời, tranh thủ những lúc trời tạnh, nếu còn thời vụ, đưa các cây đông còn thời vụ vào trồng dặm hoặc trồng thay thế để đảm bảo kế hoạch và diện tích cây vụ đông…
HTX cũng chỉ đạo bà con, ngay sau khi mưa tạnh, bố trí thời gian, công lao động ra đồng vun gốc, bón đạm cho các loại cây trồng nhằm tăng sức đề kháng. Đồng thời tích cực kiểm tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh thường gây hại cho cây trồng sau mưa úng.
Riêng đối với những diện tích đã trồng rau màu ngắn ngày, sau mưa cần xáo xới để đất nhanh khô, tiếp tục trồng mới các lứa rau khác, đảm bảo giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác…
Huyện Yên Khánh được coi là địa phương tiêu biểu, đi đầu trong sản xuất vụ đông, thường xuyên có diện tích cây đông lớn nhất tỉnh. Nhưng năm nay, do gặp nhiều đợt mưa dài ngày ngay từ đầu vụ đã làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng các loại cây vụ đông ở nơi đây.
Và không chỉ riêng huyện Yên Khánh, hiện nay, sản xuất vụ đông ở tỉnh ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông năm 2013, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 15.000ha. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới trồng được trên 7.600ha cây đông, đạt hơn 50% kế hoạch.
Nhiều cây màu ưa ấm trồng ở vụ đông sớm như lạc, ngô, bí xanh, đậu tương… đã không đảm bảo kế hoạch đề ra. Trước thực tế đó, nhiều địa phương đã vận động bà con nông dân chuyển sang trồng các cây đông ưa lạnh nhằm đảm bảo đạt kế hoạch về diện tích và tăng thu nhập trên đơn vị canh tác.
Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của các cơn bão số 10, 11, những ngày qua liên tục có mưa, nhiều diện tích cây đông sớm đã trồng gặp mưa úng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sinh trưởng và phát triển, đối với những cây đông muộn cũng không tiến hành gieo trồng mới được, do đó tiến độ sản xuất vụ đông càng gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế đó, ngành NN&PTNT đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị tăng cường xuống các địa phương kiểm tra, nắm bắt địa bàn, đánh giá đúng tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp khắc phục, hướng dẫn các địa phương đối phó với thiên tai nhằm đảm bảo kế hoạch gieo trồng cây vụ đông, phấn đấu đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính, cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Bùi Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh cho biết: So với mọi năm, mùa mưa năm nay đến sớm hơn. Lượng mưa lại tập trung vào tháng 9 và tháng 10, trùng vào thời điểm gieo trồng các loại cây vụ đông, khiến vụ đông khó lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, cũng theo dự báo, mưa sẽ kết thúc sớm, bà con nên sử dụng các loại giống ngắn ngày và rau ăn lá để không ảnh hưởng đến thời vụ.
Trước tình trạng mưa úng kéo dài, các giải pháp đưa ra là, đối với diện tích cây đông mới trồng chú ý thoát úng bằng khơi thông rãnh nước trong luống càng sớm càng tốt. Đối với các loại cây như đậu tương, ngô, bí xanh đã trồng, tăng cường chăm bón bằng xới sáo, bổ sung các loại phân bón phù hợp ngay khi tạnh ráo để cây sinh trưởng và phát triển kịp thời vụ. Đồng thời tiếp tục trồng các loại cây đông muộn như khoai lang, khoai tây, rau đậu…., vì đây là những loại cây trồng ít khắt khe về thời vụ nhưng cho lại thu nhập cao.
Cùng với việc hướng dẫn các biện pháp kĩ thuật, ngành NN&PTNT cũng đã có kế hoạch cung ứng đủ các loại giống, bám sát tình hình thực tế sản xuất để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục thông tin kịp thời diễn biến của thời tiết, các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất để có biện pháp khắc phục hiệu quả, phấn đấu giành một vụ đông thắng lợi.
Huy Hoàng