Phóng viên: Ông có thể cho biết về vai trò của sản xuất vụ đông nói chung và những kết quả nổi bật của vụ đông 2019 vừa qua?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Vụ đông là một vụ sản xuất đặc thù và lợi thế của các tỉnh phía Bắc. 3, 4 tháng mùa đông lạnh, với chuyển tiếp nền nhiệt đầu vụ và cuối vụ tạo nên sự phong phú đa dạng về chủng loại đối với cây trồng, ở vụ sản xuất này chúng ta có thể gieo trồng cả nhóm rau màu ưa ấm, nhóm ưa lạnh và nhóm trung tính.
Đặc biệt, cây vụ đông có thị trường tiêu thụ rất tiềm năng, nhiều loại có thể đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu như: dưa bao tử, ngô ngọt, đậu tương rau, cải bó xôi… Không ít vùng, nông dân có truyền thống và trình độ thâm canh cao, chỉ cần làm vụ đông trên dưới 3 tháng đã có khoản thu nhập gấp 3-5 lần cả năm làm lúa. Chính vì vậy, nhiều năm nay, vụ đông ở tỉnh ta đã được coi là vụ sản xuất chính và giá trị vụ đông không ngừng gia tăng qua các năm.
Vụ đông năm 2019, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 8.900 ha cây trồng các loại. Tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 890 tỷ đồng (tăng hơn 65 tỷ đồng so với vụ đông 2018), giá trị bình quân trên 1 ha đạt gần 100 triệu đồng.
Phóng viên: Thực tế sản xuất đã khẳng định vụ đông cho hiệu quả kinh tế rất tốt. Tuy nhiên, theo đánh giá, những năm gầy đây vụ đông ở Ninh Bình có vẻ đang chững lại về diện tích. Ông có thể lý giải tại sao?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Đúng là những năm gần đây, diện tích vụ đông có xu hướng giảm dần qua các năm, một số cây trồng sụt giảm đáng kể như ngô, bí xanh, khoai tây, khoai sọ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đầu tiên phải kể đến tình trạng biến đổi khí hậu với những hiện tượng khí hậu cực đoan như: Bão muộn, mưa trái vụ, sương muối, nóng bất thường, hạn hán...
Ngoài yếu tố thời tiết, sản xuất vụ đông còn đối mặt với nhiều khó khăn khác như lực lượng lao động ngày càng thiếu hụt, già hóa; quy mô sản xuất vụ đông còn nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến chi phí sản xuất tăng; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, còn ít các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi với sự tham gia của doanh nghiệp; vấn đề chế biến, bảo quản sau thu hoạch sơ sài, làm giảm giá trị, hiệu quả kinh tế.
Phóng viên: Trước những khó khăn nêu trên, ngành Nông nghiệp đã có kế hoạch và tính toán như thế nào để vụ đông 2020 đạt kết quả cao nhất?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Quan điểm sản xuất vụ đông năm nay của ngành là không nặng về diện tích. Chỉ sản xuất ở những vùng có hệ thống thủy lợi đảm bảo, tập trung vào các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định, dễ bảo quản, có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, các sản phẩm phục vụ du lịch để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 8 nghìn ha cây trồng các loại (tương đương với diện tích vụ đông năm 2019). Trong đó, cây ngô khoảng 1.700 ha, lạc gần 200 ha, khoai tây hơn 300 ha, khoai lang 700 ha, bí xanh và bí đỏ là hơn 500 ha, còn lại là rau đậu các loại khoảng 3.800 ha.
Theo dự báo, khả năng mùa đông năm 2020 đến sớm và sẽ có nhiều đợt không khí lạnh, gây khó khăn cho việc bố trí gieo trồng các loại cây ưa ấm. Ngoài ra, mưa lớn cũng có khả năng xảy ra vào cuối tháng 9, đúng vào thời kỳ gieo trồng cây vụ đông sớm làm ảnh hưởng đến sản xuất.
Do vậy, để ứng phó linh hoạt với thời tiết cực đoan, các huyện, thành phố cần rà soát, điều chỉnh kế hoạch, lịch gieo trồng cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương mình. Tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn lúa mùa, giải phóng đất sớm để triển khai sản xuất kịp thời vụ.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân cho mượn đất, thuê đất để liên kết, đầu tư sản xuất thành vùng tập trung, đưa cơ giới hóa vào nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác làm thủy lợi nội đồng, đảm bảo tiêu thoát nước tốt, nhằm khắc phục tình trạng cây vụ đông bị ngập úng khi có mưa lớn xảy ra.
Về giải pháp kỹ thuật: cần đảm bảo đúng cơ cấu thời vụ và cơ cấu giống, nhóm cây ưa ấm phải trồng xong trước ngày 30/9, lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn; nhóm cây ưa lạnh trồng tập trung từ trung tuần tháng 10 đến trung tuần tháng 11.
Các loại cây như bí xanh, bí ngô, dưa chuột, ớt, cà chua… áp dụng kỹ thuật làm bầu, trồng gối trên ruộng lúa trước khi thu hoạch lúa. Ngoài ra, bà con nên sử dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác trong nhà lưới, nhà vòm, dùng màng phủ nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện quy trình sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt. Tăng cường sử dụng phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hữu cơ, sinh học…
Các cấp, các ngành tăng cường kêu gọi, thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm vụ đông cho bà con nông dân.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nguyễn Lựu (Thực hiện)