Sản xuất vụ đông ở tỉnh ta đã trở thành vụ sản xuất chính với tổng diện tích từ 7.500-9.000 ha mỗi vụ, cung cấp nhiều loại sản phẩm cây trồng và mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân.
Năm 2018, mặc dù đối mặt với diễn biến thời tiết khó lường nhưng chúng ta đã giành thắng lợi cả về diện tích, năng suất cũng như sản lượng và giá trị. Tổng diện tích gieo trồng đạt gần 9.264 ha, tăng 262 ha so với vụ đông 2017.
Tổng giá trị sản xuất các cây trồng chính ước đạt trên 858,3 tỷ đồng; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác ước đạt 92,65 triệu đồng. Bước đầu, đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với sản phẩm hàng hóa đa dạng hóa có giá trị kinh tế cao, có sự liên doanh liên kết "4 nhà" từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh những hình thức sản xuất truyền thống có hiệu quả, các địa phương đã chủ động xây dựng các mô hình mới, điển hình về giống cây trồng, về liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn để tuyên truyền khuyến cáo người dân tiếp thu áp dụng vào sản xuất.
Một số các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình đã chú trọng đến đầu tư sản xuất an toàn, xây dựng nhãn mác, bao gói, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, cũng phải thẳng thắn thừa nhận là sản xuất vụ đông ở tỉnh ta hiện nay vẫn còn không ít những hạn chế: Sự liên kết giữa hộ nông dân với hộ nông dân, hộ nông dân với HTX và doanh nghiệp còn thiếu và chưa bền vững, đặc biệt một số sản phẩm đầu ra không ổn định, giá bán luôn biến động không có lợi cho người sản xuất. Diện tích sản xuất vụ đông đa phần còn manh mún, chi phí sản xuất tăng, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định dẫn đến hiệu quả sản xuất của một số cây trồng chưa cao.
Về tình hình vụ đông 2019, theo dự kiến kế hoạch của Sở Nông nghiệp &PTNT, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 8 nghìn ha cây trồng các loại. Trong đó diện tích một số cây trồng chính là 7.784 ha, cụ thể: ngô 1.592 ha, lạc 179 ha, khoai tây 456 ha, khoai lang 725 ha, khoai sọ 152 ha, bí xanh + đỏ 487 ha, cà chua 104 ha, rau các loại và cây khác 3.834 ha. Kế hoạch là như vậy, nhưng để đạt được chỉ tiêu kế hoạch ấy không phải là chuyện dễ.
Ông Lã Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Sản xuất vụ đông chịu ảnh hưởng rất lớn về thời tiết và cả thời vụ gieo trồng.
Đặc biệt, mùa mưa bão, lũ năm 2019 khả năng sẽ xảy ra những diễn biến phức tạp, khó lường. Nếu gieo trồng sớm thì dễ mất trắng do mưa lớn gây ra lũ lụt và thậm chí có cả gió bão, nhất là vùng đất 2 lúa. Nếu gieo trồng muộn thì ảnh hưởng đến thời vụ vụ xuân kế tiếp sau đó.
Bên cạnh đó, sản xuất vụ đông năm nay được dự báo thời tiết ấm vì vậy sẽ có nhiều sâu bệnh gây hại. Ngoài ra, hiện các địa phương đang lo lắng về tình trạng thiếu hụt lao động nông thôn trẻ, khỏe. Chưa kể giá vật tư đầu vào thiếu ổn định, đang có xu hướng tăng dần sau từng vụ.
Trên tinh thần đó, Sở Nông nghiệp -PTNT định hướng phát triển vụ đông 2019 theo định hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung thâm canh các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có đầu ra, dễ bảo quản, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bố trí hợp lý cơ cấu giữa nhóm cây ưa ấm, nhóm cây ưa lạnh; đa dạng hóa cây trồng, mở rộng diện tích sản xuất các loại rau đậu áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt…
Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương cần rà soát, điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch các vùng sản xuất vụ đông phù hợp với tình hình thực tế của sản xuất vụ mùa 2019, nhất là đối với những diện tích cây ưa ấm yêu cầu thời vụ khắt khe.
Tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn lúa và cây màu vụ mùa, giải phóng đất sớm để triển khai sản xuất vụ đông kịp thời vụ. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân cho mượn đất, thuê đất để liên kết, đầu tư sản xuất thành vùng tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Về kỹ thuật, nên tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất để tranh thủ thời vụ và mở rộng diện tích sản xuất. Đối với những diện tích sản xuất trên đất 2 lúa tiêu thoát nước chủ động có thể áp dụng các biện pháp làm đất tối thiểu để đảm bảo thời vụ, giảm công lao động.
Đối với nhóm cây ưa ấm như ngô, lạc, bí xanh, dưa chuột... cần lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn, thời vụ gieo trồng xong trước 30/9. Đối với các loại cây có điều kiện bô cần làm bô to, bô sớm trước khi có đất trồng 7 - 10 ngày để tranh thủ thời vụ. Riêng nhóm các cây trồng ưa lạnh, thời vụ gieo trồng tập trung từ 10/10 đến 20/11.
Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại trong sản xuất, rút ra bài học kinh nghiệm và cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, tin rằng Ninh Bình sẽ thực hiện thắng lợi sản xuất vụ đông năm 2019.
Hà Phương