Phóng viên (P.V): Đã từ lâu vụ đông được coi là vụ sản xuất chính, đem lại giá trị kinh tế cao nhưng cũng lại là vụ sản xuất nhiều khó khăn và rủi ro. Ông nhận định thế nào về những khó khăn của vụ đông 2012-2013?
Ông Nguyễn Hữu Vinh: Thời tiết trong vụ đông thường rất thất thường, mưa lớn đầu vụ, mưa dầm kéo dài khi thu hoạch. Cùng với đó là vấn đề thiếu hụt lực lượng lao động và giá vật tư, phân bón, giống đầu vào ở mức cao. Đặc biệt, năm nay giống đậu tương, khoai tây khan hiếm. Giá đậu tương giống tăng 4-5 nghìn đồng/ kg.
Cuối cùng là việc tổ chức thị trường, định hướng cho sản xuất của nông dân vẫn chưa thực hiện một cách bài bản. Các cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp còn ít, quy mô hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu bao tiêu sản phẩm, nhất là sản phẩm vụ đông.
P.V: Theo ông có "điểm sáng" nào làm đòn bẩy cho vụ đông này không?
Ông Nguyễn Hữu Vinh: Năm nay, có những nhân tố thuận lợi hơn năm 2011, mặc dù lúa đông xuân 2012 có thu hoạch chậm nhưng nhìn chung tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu làm đất gieo cấy, thu hoạch đã được cải thiện nên lúa mùa ở các địa phương gieo cấy nhanh trong khung thời vụ khuyến cáo, đến 25-7 toàn tỉnh đã gieo cấy xong, tỷ lệ trà mùa sớm cao. Có gần 8.400 ha lúa mùa thu hoạch trước 1-10 và 17.500 ha thu hoạch trước 10-10. Vì vậy quỹ đất cho nhóm cây vụ đông ưa ấm là khá thoải mái.
Về thời tiết, mưa đều và thuận lợi cả năm. Đến thời điểm này bà con đã và đang gieo trồng cây vụ đông trong thời tiết rất thuận, nắng nhẹ xen kẽ những trận mưa nhỏ vừa đủ ẩm cho cây trồng phát triển. Giá các mặt hàng nông sản cũng đang nhích lên và có thể đạt giá cao vào cuối năm và đầu năm tới.
Vụ đông năm nay, Sở Nông nghiệp cùng các địa phương cũng đã kêu gọi được khá nhiều các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng rau quả vụ đông họp bàn cùng với nông dân để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt có một số mô hình sản xuất cho giá trị kinh tế cao và ổn định như: mô hình ngô ngọt tại các huyện Hoa Lư, Yên Mô, Gia Viễn, giá trị bình quân 55 triệu đồng/ha; mô hình trồng ớt xuất khẩu ở Nho Quan, Gia Viễn, giá trị bình quân đạt 57 triệu đồng/ha; mô hình bí xanh ở Yên Khánh đạt giá trị 80 triệu đồng/ha. Ngoài ra một số công ty còn xây dựng mô hình sản xuất mới như: đậu tương rau, cà chua nhót.
P.V: Vậy mục tiêu của vụ đông 2012-2013 là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Vinh: Kế hoạch diện tích cây vụ đông 2012-2013 của tỉnh ta là 15.000-16.000 ha. Trong đó có trên 10.000 ha gieo trồng trên đất hai lúa và lúa màu. Cụ thể: đậu tương 5.000 ha, ngô 3.000 ha, khoai tây 700-1.000 ha, lạc 300 ha, khoai sọ 200 ha, khoai lang 1.500 ha, bí xanh 200 ha, ớt 100 ha, rau các loại là 5.000 ha. Để đảm bảo diện tích các cây vụ đông cần mở rộng diện tích các cây ưa ấm như khoai tây.
Vấn đề căn bản nhất mà Sở đề ra là nâng mức thu nhập bình quân từ cây vụ đông lên trên 30 triệu đồng/ha.
PV : Sở Nông nghiệp &PTNT có những chỉ đạo và giải pháp gì để đạt được mục tiêu trên?
Ông Nguyễn Hữu Vinh: Tư tưởng chỉ đạo vụ đông 2012 - 2013 là tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, né tránh thiên tai; lựa chọn cây trồng, giống cây trồng đáp ứng thị trường, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, mở rộng cơ giới hóa, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo phương thức "cánh đồng mẫu lớn".
Chúng tôi khuyến cáo các địa phương cần đa dạng hóa nhóm cây trồng vụ đông, trên cơ sở xác định cây chủ lực ở từng nhóm với diện tích hợp lý để hạn chế rủi ro của thị trường lẫn khí hậu, thời tiết. Mở rộng dồn điền đổi thửa, cho thuê, mượn đất để hình thành những vùng sản xuất vụ đông tập trung, đưa cơ giới hóa vào. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, có phương án tưới tiêu cho diện tích cây vụ đông đặc biệt là tiêu úng đầu vụ
Về thời vụ và kỹ thuật: Cây ngô, đậu tương, Cây bí xanh, dưa chuột, khoai lang trên đất hai lúa cần gieo trồng trước 10-10, cần áp dụng kỹ thuật làm bầu đối với cây ngô để tranh thủ thời vụ. Cây khoai tây thời vụ tốt nhất 25-10 đến 15-11. Riêng cây rau đậu, hoa các loại cần đa dạng hóa chủng loại, giống, trồng rải vụ, nhiều trà phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh ứ thừa làm giảm giá.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Lựu (Thực hiện)