cặp đấu được nhắc đến suốt tuần qua và chắc chắn sẽ còn tiếp tục.
HA.GL đã chính thức trở lại cuộc đua vô địch với 2 chiến thắng liên tiếp (nếu tính cả cúp QG thì là 3), bất luận họ vẫn còn vô khối vấn đề cần giải quyết. Xi măng Hải Phòng dù thua cay đắng nhưng cũng đã cho thấy nỗ lực tái thiết dưới thời tướng trẻ Đinh Thế .
Điều khiến bầu Đức có thể nở nụ cười không phải chỉ là 3 điểm. Với ông chủ họ Đoàn, chiến thắng không chưa đủ, cái chính là những ngôi sao trong tay ông đã bắt đầu phát huy hiệu quả.
Lần lượt Thonglao và Lee Nguyễn đã ghi bàn, đều là những bàn thắng đầu tiên của họ tại V-League 2009 sau cơn khát kéo dài. Họ là đại diện cho sức mạnh và tham vọng mới của "Gỗ", và việc họ giải tỏa được những ức chế từ đầu mùa cho thấy cỗ máy HA.GL đã có chiều hướng đi đúng lộ trình.
Mặc dù vậy, HA.GL không thể giành chiến thắng nếu chỉ nhờ vào bộ đôi này. Khi Evaldo sút tung lưới Tuấn Điệp ở những giây bù giờ, cả Thonglao lẫn Lee Nguyễn đều không còn ở trên sân. Thonglao bị thay ra vì đã đuối sức, còn Lee Nguyễn bị thẻ đỏ sau pha ăn mừng quá trớn.
Hãy nhớ, Evaldo cũng chính là người hạ gục Đà Nẵng tuần trước, giữ HA.GL "phanh" lại ngay trước đà tuột dốc.
Thế mà súyt nữa Evaldo đã không ở lại Pleiku, bởi khi đó, Agostinho vẫn đang còn là một công thần. Nếu không kịp nhập tịch cho Sakda và Nirut, chắc chắn phố núi chẳng còn chỗ cho Evaldo!
HA.GL thắng, nhưng cách thắng của họ không phải là cách thắng của một "dream team" thời Kiatisuk. Hàng thủ của Gỗ vẫn "lủng liểng" y như các trận thua trước đó và may mắn là nguyên nhân duy nhất giúp họ chỉ phải chịu 2 bàn thua.
Chiều 8/3, người thầy đầu tiên của Lee Nguyễn (lúc 12 tuổi)
là Steve Morron đã có mặt ở sân Pleiku theo dõi cậu học trò thi đấu.
2. Nếu bầu Đức vui một thì bầu Hiển phải vui gấp đôi trong buổi chiều mà Đà Nẵng và T&T HN cùng thắng.
3 điểm mà hai đứa con bầu Hiển giành được quả thật rất giống nhau, từ thế trận cho đến kết quả. Giới chuyên môn đồng loạt nhận định: thắng may!
Ở Chi Lăng, Đà Nẵng không tài nào áp đặt được lối chơi lên TP.HCM, nhưng lại có bàn thắng vào phút 87 nhờ công một cầu thủ bị đánh giá là... kém nhất trên sân (Võ Hoàng Quãng - năm ngoái còn khoác áo T&T HN).
Cũng vào khoảng thời gian ấy, ở Hàng Đẫy, T&T HN chọc thủng lưới Thanh Hóa từ một tình huống ầu ơ. Quả đánh đầu của trung vệ Junior trong một lần hiếm hoi có dịp lên tham gia tấn công đã đi vào góc cực hẹp, khiến thủ thành Mạnh Hà - chơi tập trung trong suốt trận - bị bất ngờ.
T&T HN thắng may mắn nhờ cú đánh đầu của Junior.
Quả là một trận thua có phần oan cho Thanh Hóa. Họ chiếm ưu thế cả trên khán đài lẫn sân cỏ. Họ quá hiểu đối thủ - những đứa con ra đi từ xứ sở của mình, như Trọng Hải, Sỹ Cường, Hồng Minh... Họ đã có lúc chỉ chơi bóng ở nửa sân phía bên kia và làm cho T&T HN "cóng".
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận cả cái tài lẫn cái duyên của Triệu Quang Hà kể từ khi lên V-League. T&T HN hiện là 1 trong 4 đội bất bại, là 1 trong 5 đội ghi nhiều bàn thắng nhất, và còn là đội chuyên ghi được những bàn thắng muộn.
Vị trí thứ 2 sau 4 vòng là một thành quả rực rỡ của T&T HN - với tư cách là một tân binh. Nhưng nếu so với những khoản tiền kếch xù mà bầu Hiển đổ vào làm bóng đá thì đó cũng là điều tương xứng.
Trong khi ấy, Đà Nẵng (xếp thứ 7) với 2 thắng, 2 thua, dù chỉ đứng ngang hàng với những Đồng Tháp, QK4, SLNA... nhưng chẳng hề gì. Bầu Hiển biết Hùynh Đức vẫn chưa qua giai đoạn chạy đà...
3. Trái ngược với nụ cười của các ông bầu lắm tiền nhiều của, những đội bóng nhà nghèo như Đồng Tháp, TPHCM đã bắt đầu cảm nhận được gánh nặng trên vai.
Niềm vui thắng trận của Khánh Hòa là nỗi buồn của Đồng Tháp.
Đồng Tháp đã không còn gây thêm bất ngờ, kể từ sau thất bại trên sân QK4. Nhiều người lo cho họ, bởi phàm đã gọi là "hiện tượng", đã không được đánh giá cao về bản chất thì khi vấp ngã, sẽ thật khó gượng dậy được ngay.
Thầy trò HLV Phạm Công Lộc đang rơi đúng vào tình trạng như vậy. Khánh Hòa chỉ là một đội bóng có lối chơi khó chịu, nhưng Đồng Tháp cũng không thể đỡ được đòn tại Nha Trang và thua 2 bàn trắng. Giờ là lúc "hung thần" Timothy đã trở nên hiền lành hơn vì bị bắt bài.
Khi Timothy không còn "nhả đạn", Đồng Tháp trôi dần khỏi nhóm đầu. Lúc này, họ vẫn còn đang ở vị thế an toàn (5), nhưng biết đâu sau một vài vòng nữa, họ sẽ có mặt trong nhóm cầm đèn đỏ, như TP.HCM hiện tại?
TP.HCM khởi động không đến nỗi nào, nhưng việc thiếu hụt chiều sâu lực lượng khiến những nhược điểm của họ lộ ra nhanh chóng. Trận thua mới nhất trước Đà Nẵng không phải vì đối thủ hay, mà vì họ đã tự bắn vào chân mình.
Bàn thua đến vào cuối trận, nó khiến quân của Tuấn "nhím" không thể làm gì nổi để gỡ lại. Một phần do thời gian còn quá ít, nhưng phần khác do trước đó, họ đã tự rời bỏ thế phản công chủ động để chuyển sang thế phòng thủ bị động và cầu hòa bằng cách câu giờ.
Ở V-League, có lẽ không còn đất dụng võ cho lối chơi yếm thế. TP.HCM, Đồng Tháp đang phải trả giá.
QK4 đang thăng hoa, nhưng ai dám chắc họ sẽ duy trì sự tập trung được hết cả quãng đường dài? Cả Thanh Hóa nữa, họ "cầm" trận đấu trong tay đến hơn 80 phút để làm gì, khi mà không thể kết liễu đối thủ và dính đòn hồi mã thương?
Theo VNN