Có hoàn cảnh như nhiều thanh niên trong tỉnh, anh Lê Văn Tiên, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn đã từng có giai đoạn khó khăn trong việc xây dựng kinh tế gia đình. Nhưng nhờ sự cần cù, chịu khó, anh Tiên tìm ra mô hình phát triển kinh tế phù hợp.
Năm 2016, được sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là xã Gia Phương và Sở Nông nghiệp&PTNT, anh đầu tư trồng rau an toàn trong nhà lưới. Mô hình phát huy hiệu quả tương đối tốt, mỗi năm anh cung ứng ra thị trường 45 tấn rau củ. Sản phẩm chủ yếu được bán tại các cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành phố lân cận. Sau khi trừ chi phí có lãi khoảng 300-400 triệu đồng.
Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng, nhà lưới bắt đầu xuống cấp và không còn phù hợp để đảm bảo sản xuất rau theo phương pháp hữu cơ. Do đó, anh Tiên có dự định đầu tư đổi mới công nghệ bằng nhà vòm màng kính và hệ thống tưới tự động. Theo anh, nhà vòm màng kính có nhiều ưu điểm hơn nhà lưới đơn giản vì dạng vòm nên thoát nước mưa tốt; có kết cấu chắc chắn hơn, ít bị tác động của mưa bão; độ thông thoáng cao hơn, giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt…
Tuy nhiên, anh lại gặp khó khăn về nguồn vốn vì chi phí đầu tư khá cao. May mắn năm 2019 được vay 200 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi theo Đề án "Hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình", cùng nguồn vốn của gia đình, anh Tiên đã đầu tư lắp đặt 3.000 m2 nhà vòm màng kính và đang bắt đầu sản xuất những lứa rau, củ, quả đầu tiên. Dự định trong thời gian tiếp theo, anh Tiên sẽ đầu tư đổi mới hết hệ thống nhà lưới đơn giản trước đây bằng nhà vòm.
Ngoài ra, anh Tiên còn thực hiện khôi phục giống cua và ốc nhồi địa phương theo phương thức nuôi tự nhiên. "Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH giúp tôi có điều kiện đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất. Mô hình đang phát huy hiệu quả tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình"- anh Lê Văn Tiên nói.
Được biết, để giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, những năm qua, tổ chức Đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ bằng nhiều hình thức thiết thực như: tập huấn trang bị kiến thức về khởi nghiệp; hình thành ý tưởng và cách thức triển khai; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất... Đặc biệt là thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn vay với lãi suất ưu đãi.
Tính đến hết năm 2018, Đoàn thanh niên đã cho vay hơn 2,8 tỷ đồng cho 45 dự án từ nguồn Quỹ giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn. Qua nguồn vốn này, nhiều thanh niên trong tỉnh có điều kiện xây dựng mô hình phát triển kinh tế, mở rộng quy mô, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng thanh niên có nhu cầu về vốn để phát triển kinh tế là rất lớn, trong khi vốn Quỹ giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn ít.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án và HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 về việc quy định chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đề án bắt đầu triển khai từ năm 2019 theo phương thức ngân sách tỉnh bố trí kinh phí chuyển Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay ủy thác theo quy định hiện hành. Trong đó, năm 2019 và năm 2020 bố trí 10 tỷ đồng (mỗi năm 5 tỷ đồng), từ năm 2021 sẽ căn cứ vào tình hình của địa phương để tỉnh quyết định.
Ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Ninh Bình cho biết: Thực hiện Đề án "Hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình", từ đầu năm đến nay Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai chương trình tới tất cả các đoàn viên, thanh niên đang có nhu cầu vay vốn trên địa bàn tỉnh.
Tính đến hết tháng 9 năm 2019, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân hết 5 tỷ đồng theo kế hoạch với 63 dự án được vay vốn từ 50 triệu đến 400 triệu đồng. Các dự án đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và bước đầu có hiệu quả. Nguồn vốn chính sách của tỉnh đã hỗ trợ thiết thực cho các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công, tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại khu vực nông thôn.
Giáng Hương