Niềm vui ngày chiến thắng
Trong ký ức của những người lính đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ thì ngày 30/4/1975 gắn liền với niềm tự hào, niềm vui và cả những giọt nước mắt. Nhân kỷ niệm 44 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với cựu chiến binh Đỗ Xuân Núi, người trực tiếp tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để cùng ôn lại những kỷ niệm một thời khói lửa đầy hào hùng, oanh liệt. Ông Núi nhập ngũ tháng 12/1970, lúc đó ông mới chỉ 17 tuổi, vào trung đoàn 675, sư đoàn 351, Bộ Tư lệnh pháo binh.
Sau 6 tháng tham gia huấn luyện chiến đấu về pháo binh, tháng 10/1970, ông và đồng đội nhận nhiệm vụ kéo pháo từ Sơn Tây (Hà Nội) vào chi viện lực lượng cho chiến trường Tây Nguyên. Khi hành quân qua dãy Trường Sơn huyền thoại, ông Núi ví đây là "con đường sinh tử", bởi ngoài sự tấn công dữ dội bằng các đợt công kích B52 của kẻ thù thì căn bệnh sốt rét rừng khiến những người lính phải đối diện với muôn vàn gian khổ. Sau 3 tháng hành quân ròng rã với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, sư đoàn đã bảo vệ được vũ khí chiến đấu, kịp thời tham gia vào chiến dịch và giải phóng tỉnh Kon Tum.
Năm 1973, đại đội của ông được tăng cường về Sư đoàn 2, Quân khu 5 nhận nhiệm vụ chiến đấu cùng lực lượng bộ binh tại tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 4/1974, ông Núi nhận lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị lại tiếp tục kéo pháo cùng với Quân đoàn 3 hành quân vào Bình Định huấn luyện pháo binh. Trong vỏn vẹn 15 ngày rèn luyện, ông luôn động viên, khích lệ tinh thần đồng đội tập trung cao độ cho chiến dịch sắp tới. Lúc này, ông Núi là trung đội phó của Tiểu đoàn 12, Lữ đoàn 52 Bộ binh Quân khu 5. Với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa", kết thúc đợt huấn luyện, Lữ đoàn hành quân ngày đêm không ngừng nghỉ, vừa đi vừa chiến đấu trên khắp các chiến trường. Tháng 4/1975, quân ta tiến công Sài Gòn từ hướng Tây Bắc, phá tan tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn, lần lượt đánh chiếm và làm chủ các mục tiêu: Đồng Dù, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Ngày 30/4, đơn vị của ông Núi đã trực tiếp kéo pháo vào Dinh Độc Lập, hướng những mũi tấn công dồn dập khiến địch vội vã treo cờ đầu hàng, góp phần mang lại chiến thắng oai hùng cho quân đội ta, viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc. Nói về thời khắc lịch sử khi non sông thu về một mối, người lính năm xưa vẫn không giấu nổi niềm vui sướng, tự hào bởi mình cũng góp một phần xương máu làm nên chiến thắng huyền thoại của cả dân tộc. Ông nói: Tôi thấy mình may mắn khi có mặt ở thời khắc lịch sử của dân tộc. Lúc đó ai cũng vỡ òa trong tin vui chiến thắng, quên hết nhọc nhằn, gian khổ mấy mươi năm.
Còn cựu chiến binh Nguyễn Văn Bon ở xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình thì vào khoảnh khắc lịch sử đó, ông nghẹn ngào thắp lên bàn thờ người anh trai liệt sỹ nén hương thơm, thông báo rằng: "Đất nước đã thống nhất, em hãy yên lòng." Giọt nước mắt của 44 năm trước là giọt nước mắt tự hào về người anh đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, góp một phần xương máu vì hòa bình thống nhất của đất nước; là giọt nước mắt tiếc thương vì anh trai không được chứng kiến niềm vui đại thắng của dân tộc; là giọt nước mắt tưởng nhớ những đồng đội đã từng vào sinh ra tử, sống chết có nhau. Chính vì vậy, mỗi dịp 30/4 ông đều làm chuyến hành trình về nguồn, thăm lại Dinh Độc Lập một thời huyền thoại,. Có những năm, ông lại về với thành cổ Quảng Trị, với dòng sông Thạch Hãn, với nghĩa trang Đồng Lộc để tri ân, thăm lại đồng đội cũ. Tất cả họ đều góp phần làm nên niềm vui chiến thắng năm 1975 năm xưa và tạo động lực cho những cựu chiến binh như ông luôn nỗ lực vượt khó trong thời bình, xứng đáng với danh hiệu "Bộ đội cụ Hồ".
Viết tiếp những trang sử hào hùng
Trò chuyện với đồng chí Lương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh chúng tôi biết nhiều hơn những câu chuyện vượt khó của những người lính năm xưa, những tấm gương sáng cả thời bình và thời chiến, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc. Theo Đại tá Lương Văn Tuấn: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm với tốc độ thần kỳ "một ngày bằng 20 năm". Ta càng đánh càng mạnh, thể hiện sâu sắc tài thao lược, nghệ thuật chỉ đạo chiến lược xuất sắc của Đảng ta, nhất là trong việc tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, đó là sự thành công do kết hợp đúng đắn của tổng tiến công và nổi dậy. Chiến thắng đó là chiến thắng của cả dân tộc, niềm vui đó là niềm vui của đất nước khi non sông thu về một mối.
Chính vì vậy, những người CCB như ông luôn nỗ lực và mong muốn thế hệ trẻ hãy viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của một thời oanh liệt bằng những việc làm, hành động cụ thể. Thời gian qua, các cấp hội CCB trong tỉnh đã phát động và triển khai có hiệu quả phong trào "Cựu chiến binh gương mẫu", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", duy trì và nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo"; tích cực tham gia bảo vệ môi trường; động viên cựu chiến binh nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo bền vững; tham gia tích cực và có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục góp phần giáo dục truyền thống và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ. Đến cuối năm 2018, toàn Hội đã giảm được 239 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,11%.
ùng với đó, hoạt động nghĩa tình được đẩy mạnh. Các cấp Hội đã phối hợp sửa chữa 54 nhà, làm mới 48 nhà, ủng hộ ngày công lao động và hàng trăm triệu đồng cho các gia đình có khó khăn về nhà ở. Hội tiếp tục vận động cựu chiến binh, cựu quân nhân gương mẫu thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong năm có 75 hộ gia đình CCB tham gia hiến gần 2.400m2 đất, phá dỡ tường rào, cây cối để xây dựng các công trình và làm đường giao thông nông thôn, đóng góp trên 8.400 ngày công lao động và ủng hộ gần 560 triệu đồng... Các cấp hội CCB trong tỉnh cũng đã tham gia tích cực vào hoạt động giáo dục truyền thống, lý tưởng cho thanh niên thông qua các diễn đàn, các buổi nói chuyện gặp gỡ các nhân chứng lịch sử để "truyền lửa" cho thế hệ trẻ, để niềm vui chiến thắng được nối dài mãi bằng những hành động, việc làm cụ thể của thanh niên.
Khi tôi đặt bút viết bài này, ca khúc "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" vang lên trên tivi. Có cảm giác như niềm vui chiến thắng từ khoảnh khắc lịch sử 30/4/1975 vẫn còn vang vọng đến bây giờ. Những trang sử mới đã, đang và sẽ tiếp tục còn được viết tiếp để niềm vui thống nhất ngày càng trọn vẹn.
Quỳnh Thu