Không may mắn có một cơ thể lành lặn như bao người khác nhưng những người phụ nữ khuyết tật đã mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh để viết lên những câu chuyện cổ tích cho chính cuộc đời mình. Họ đã làm được những điều mà không phải người bình thường nào cũng có thể thành công.
Viết tiếp những giấc mơ
Bị khuyết tật bẩm sinh, chị Phạm Thị Hà ở huyện Yên Khánh luôn mặc cảm với khiếm khuyết của cơ thể. Sự mặc cảm ấy từng là trở ngại để Hà không muốn đến trường và ngại hòa đồng với chúng bạn. "Cho đến một ngày, tôi cảm thấy cuộc sống của mình thật tẻ nhạt, lẽ nào cứ mãi sống nhờ sự bao bọc, động viên của gia đình? Bố mẹ rồi sẽ già đi và không thể ở cùng tôi mãi, nếu không tự đứng lên làm chủ cuộc sống thì cuộc đời của tôi sẽ đi về đâu? Tôi bắt đầu tìm tòi qua sách báo, qua mạng internet những thông tin về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật. Đặc biệt, tôi tìm kiếm những tấm gương về nghị lực của những người khuyết tật… để làm động lực cho sự phấn đấu của mình"- Chị Hà nhớ lại.
Chị Hà đã tìm đến những người phụ nữ cùng cảnh ngộ để làm nơi chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống. Dần dần, chị Hà tập hợp được 7 chị em khuyết tật ở huyện Yên Khánh và thành phố Ninh Bình để cùng tham gia trao đổi, giao lưu, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Từ đó, đã thúc đẩy nhóm thực hiện ý tưởng thành lập một chi hội người khuyết tật nữ của tỉnh Ninh Bình để có thể tập hợp nhiều chị em khuyết tật cùng sinh hoạt trong một "mái nhà chung".
Được sự hỗ trợ của Hội Người khuyết tật tỉnh, Chi hội được thành lập, chị Phạm Thị Hà được bầu làm Chi hội trưởng. Các thành viên trong Chi hội tự nguyện đóng góp, tổ chức sinh hoạt thường kỳ và thăm hỏi, động viên gia đình người khuyết tật gặp khó khăn. Chi hội cũng thường xuyên được Hội Người khuyết tật tỉnh tạo điều kiện tham gia các hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý và hoạt động Hội.
Đặc biệt, với vai trò là Chi hội trưởng, chị Phạm Thị Hà còn thành lập HTX Ước vọng xanh để quy tụ và tạo sinh kế cho những người cùng cảnh ngộ. Chị Hà chia sẻ thêm: Đối với người khuyết tật, việc mưu sinh là nỗi nhọc nhằn không thể đong đếm. Nhưng bằng khát vọng vươn lên khẳng định bản thân mình, chúng tôi đã thử sức với những nghề mỹ nghệ như làm chiếu gỗ, đệm ghế, mũ giấy… Tuy nhiên, do khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ nên chúng tôi không còn thực hiện nữa.
Hiện nay, công việc chính của các thành viên trong HTX là sản xuất và phân phối chổi đót. Mỗi tháng, chúng tôi sản xuất và phân phối hơn 2 nghìn sản phẩm, mang lại thu nhập cho người lao động từ 600 nghìn đồng đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Có những hội viên bị khuyết một tay, một chân nhưng vẫn có thể làm nghề với mức thu nhập từ 600 - 800 nghìn đồng/người/tháng. Khoản thu nhập tuy chưa cao nhưng lại có ý nghĩa rất lớn, giúp người khuyết tật cải thiện đời sống, bớt lệ thuộc vào gia đình.
Đối với người bình thường, vươn lên bằng hai bàn tay trắng vốn chẳng dễ dàng gì, đối với một người phụ nữ khuyết tật thì đó là cả một thách thức lớn, nhưng chị Đinh Thị Yến, xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) đã làm được điều kỳ diệu đó. Giờ, chị Yến đã là chủ một xưởng may mặc, tạo việc làm cho hàng chục người cùng cảnh và người nghèo khác ở địa phương.
Ngắm nghía khu nhà xưởng rộng chưa đầy 100m2, chị Yến ánh lên niềm hạnh phúc. Đây không chỉ là thành quả của bản thân sau gần 30 năm cố gắng mà với chị đây còn là nơi tạo sinh kế, là cơm áo, là hi vọng của bao người cùng cảnh khác.
"Vốn là một đứa trẻ khỏe mạnh, sau một trận sốt, tôi bị liệt toàn thân. Được gia đình tích cực chạy chữa, cơ thể gần bình phục, duy chỉ một bên chân là liệt. Để có nghề giúp bản thân mưu sinh, 18 tuổi tôi bắt đầu học nghề may. Không có nhiều khách đâu, vì thời ấy đời sống của bà con còn khó khăn lắm. Vì vậy, hàng may của tôi chủ yếu là sửa chữa quần áo. Dẫu chưa thể sống được bằng nghề, nhưng tôi vẫn bám trụ vì đây là nghề phù hợp nhất với sức khỏe của tôi. Mặc khác, khi lao động thì tôi càng thêm lạc quan vào cuộc sống. Tôi yêu và lập gia đình khi vừa tròn đôi mươi. Chồng tôi là người khỏe mạnh bình thường, vì vậy chúng tôi gặp khá nhiều rào cản khi đến với nhau. Nhưng vượt qua tất cả, chúng tôi đã sống những tháng năm hạnh phúc. Giờ tôi đã có cháu ngoại rồi"- Chị Yến xúc động.
Chị Đinh Thị Yến có cuộc sống hạnh phúc.
Để có thể sống tốt được bằng nghề, chị Yến không ngừng học tập, nâng cao tay nghề, đổi mới mẫu mã. Chị Yến còn là người may quần áo dân tộc rất đẹp, được khách hàng yêu thích, tin tưởng. Không dừng lại ở đó, năm 2020, với sự hỗ trợ từ một dự án, chị Yến đã thành lập xưởng may mặc Cúc Phương.
Hiện nay, xưởng may đang giải quyết việc làm cho 15 người thợ, họ là người nghèo, người khuyết tật hoặc thân nhân của người khuyết tật. Diện tích nhà xưởng rộng 60m2 do xã hỗ trợ mặt bằng, thân nhân người khuyết tật hỗ trợ ngày công xây dựng xưởng và máy móc được tài trợ... Xưởng may mặc Cúc Phương trở thành niềm hi vọng của nhiều người khuyết tật, người nghèo trong xã. Mỗi tháng, người lao động của xưởng may hoàn thành từ 10-15 nghìn sản phẩm. Đơn hàng đều đặn, người lao động được đảm bảo việc làm với mức thu nhập từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Chị Yến nhớ lại những ngày đầu xưởng mới hoạt động thì bộn bề khó khăn. Có người khiếm khuyết về nhận thức, có người lại bị câm, điếc… nên việc dạy nghề, truyền đạt ý tưởng, kỹ thuật cho họ rất khó khăn. Mới đầu, xưởng chỉ dám nhận số lượng sản phẩm ít, thậm chí phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần cho đến khi đạt yêu cầu của đơn vị đặt hàng mới thôi.
"Để gắn bó, đồng hành cùng người khuyết tật đòi hỏi phải có sự kiên trì thực sự. Tôi cũng phải học thêm ngôn ngữ ký hiệu của người câm, điếc để có thể giao tiếp tốt hơn với họ. Những nỗ lực đó của chúng tôi đều đã được đền đáp, giờ những người thợ của tôi đều rất lành nghề, có thể nhận đơn hàng số lượng lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao"- chị Yến cho biết.
Từ cuối năm 2022, tình hình hoạt động của xưởng may gặp nhiều khó khăn vì không có đơn hàng. Để cố gắng duy trì việc làm cho người lao động, chị Đinh Thị Yến nỗ lực đi tìm đơn hàng nhỏ, lẻ ở thị trường nội địa. Đồng thời, chị xoay sở nguồn tiền lưu động để trả công đúng hạn cho người lao động. Nhờ đó, người lao động vẫn tiếp tục đồng hành, gắn bó với xưởng may. Qua Tết Nguyên đán, tình hình đã có nhiều khởi sắc. Hiện nay xưởng may của chị Yến đã nhận được các đơn hàng lên tới hàng nghìn sản phẩm, đủ để duy trì việc làm cho người lao động trong vài tháng.