Ngân hàng máu cuống rốn MekoStem đi vào hoạt động
Phương pháp điều trị bệnh bằng tế bào gốc là phương pháp được xem là hữu hiệu trong tương lai và rất nhiều các cuộc nghiên cứu y khoa trên thế giới đang tập trung đẩy mạnh tính hiệu quả của phương pháp này. Việt Nam cũng kế thừa và tiếp tục nghiên cứu những thành tựu hữu ích bằng việc thành lập ngân hàng máu cuống rốn BV. Truyền máu và huyết học TP. HCM năm 2004 và đi vào hoạt động vào tháng 2 năm 2009. Ngân hàng này cũng chủ trương tiếp nhận màng lót, máu dây cuống rốn của trẻ sơ sinh nhằm bảo quản, phục vụ chữa trị bệnh về sau.
Mổ tách thành công ca song sinh dính nhau nhỏ nhất
Sáng ngày 25/02/2005, ê kíp phẫu thuật của tập thể các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM đã mổ tách rời thành công hai bé song sinh dính liền nhau nhỏ tuổi nhất và nhẹ cân nhất từ trước tới nay. Khi sinh ra, tổng cộng hai bé nặng 3,4 kg (mỗi em nặng 1,7 kg), hai em có hai lá gan trái dính nhau hoàn toàn và hai trái tim dính nhau ở mỏm. Gia đình hai em bé này là dân tộc người H'mông và đang thường trú tại huyện Đắc Nông, tỉnh Đắc Lắc.
Phát hiện sớm bất thường thần kinh ở thai nhi
Tháng 4 năm 2009, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) với từ lực 1.5 Tesla đã được Trung tâm chẩn đoán trước sinh - Bệnh viện phụ sản TƯ cùng Trung tâm chẩn đoán hình ảnh HANDIC - bệnh viện tim Hà Nội đưa vào sử dụng và mang lại hiệu quả cao trong việc phát hiện sớm bất thường thần kinh ở thai nhi. Kỹ thuật này có thể đem lại hình ảnh tối ưu nhất để không chỉ phát hiện những tổn thương thần kinh trung ương ở thai nhi mà còn phát hiện ra tổn thương rất nhỏ ở những bộ phận nội tạng khác. Tán sỏi niệu quản ở trẻ em bằng laser
Vào tháng 8 năm 2009, BV. Nhi đồng 2 TP. HCM đã triển khai thành công kỹ thuật tán sỏi niệu quản cho trẻ em bằng laser qua nội soi ngược dòng. Ưu việt của kỹ thuật tiên tiến này là ít xâm hại, cho phép tiếp cận sỏi dễ dàng và có thể điều trị hầu hết các viên sỏi ở đoạn niệu quản. Mỗi ca nội soi thực hiện chỉ khoảng 30 phút. Sau mổ, bệnh nhân nhi sẽ ít đau, không để lại sẹo và tránh được biến chứng hẹp niệu quản sau mổ. Được biết, kỹ thuật này đã được áp dụng khá phổ biến ở người lớn và lần đầu tiên được BV. Nhi đồng 2 thực hiện ở trẻ em.
Phẫu thuật thành công em bé 4 chân
Sau 1 tháng chuẩn bị, ngày 15/10/2009, một ê kíp gồm 4 bác sĩ chuyên phẫu thuật sơ sinh, 1 bác sĩ chuyên khoa mạch máu của BV. Nhi đồng 1 đã tiến hành phẫu thuật cho bé gái bị dị tật 4 chi dưới bẩm sinh. Đây cũng là kết quả của một song thai nhưng không tách rời nhau và không được phát triển toàn diện. Sau gần 6 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã trả cho cha mẹ của bé một cô gái hoàn chỉnh.
Phương pháp nối tĩnh mạch mới
Vào ngày 8/12/2009, sau 6 giờ phẫu thuật và được sự hỗ trợ của hai giáo sư người Bỉ, các bác sĩ thuộc ê kíp mổ BV. Nhi Đồng 2 đã cứu sống một bé trai 6 tháng tuổi tăng áp lực tĩnh mạch cửa theo phương pháp mới nhất. Trước đây, bệnh nhân này đã 3 lần sang Singapore điều trị huyết khối làm nghẽn tĩnh mạch cửa, dẫn đến tăng áp lực tĩnh mạch cửa, gây ứ nước và dịch trong ổ bụng, giãn mạch máu ở thực quản, hậu môn và xuất huyết tiêu hóa. Hai giáo sư Reding và Otte người Bỉ đã phát minh ra phương pháp nối tĩnh mạch ruột với di tích tĩnh mạch rốn ở gan. Sau ca phẫu thuật này, hai giáo sư cũng đã chuyển giao phương pháp phẫu thuật này cho các bác sĩ BV. Nhi đồng 2.
1,4 triệu trẻ em đã thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng
Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em Việt Nam sáng ngày 23/12/2009 PGS.TS. Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, sau 10 năm triển khai Chương trình, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em nước ta đã hạ thấp từ 38,7% xuống mức còn 19,9%, tương đương với 1,4 triệu trẻ thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Để cải thiện và nâng cao tầm vóc người Việt, trong giai đoạn tới, việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và SDD thể thấp còi là một trong những ưu tiên của Chương trình. Phẫu thuật nội soi đạt được nhiều bước tiến mới
Năm 2009, rất nhiều các ca mổ điều trị ung thư phổi và ung thư niêm mạc tử cung đã được thực hiện bằng phương pháp nội soi. Trước đây, các bệnh nhân ung thư mổ bóc tách khối u đều phải mổ mở, thời gian hồi phục lâu và hầu hết đều để lại sẹo. Riêng đối với ung thư phổi, vừa qua các bác sĩ Khoa Phẫu thuật lồng ngực-tim mạch, BVTrung ương Quân đội 108 cải tiến từ phương pháp phẫu thuật nội soi thông thường kết hợp mổ mở từ tư thế nằm 90⁰ sang 45⁰ trong phẫu thuật nội soi phổi sẽ không cần sử dụng các dụng cụ tiêu hao đắt tiền khiến cho giá thành phẫu thuật giảm hơn một nửa.
Theo SK&ĐS