Trong chuyến làm việc mới đây tại Việt Nam, đại diện Phòng Thương mại Biella (Ý) đã cho biết, số liệu thống kê mà họ có được đã cho thấy Việt Nam đã lọt vào top 10 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Theo tứ tự xếp hạng trong top 10 nước dẫn đầu về xuất khẩu dệt may, Việt Nam hiện đang đứng sau Trung Quốc, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Mexico, Hong Kong (Trung Quốc), Bangladesh và gần bằng với Indonesia, Mỹ.
Theo số liệu của Phòng Thương mại Biella, xuất khẩu dệt may Việt Nam hiện có mức tăng trưởng 30% và dự kiến đạt 7,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2007. Dự báo, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đến năm 2010 sẽ đạt khoảng 10-12 tỷ USD là rất khả thi và đến thời điểm đó, dệt may Việt Nam sẽ sử dụng 50% nguồn nguyên phụ liệu nội địa và đến năm 2020, sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu lên 75% và kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 20-22 tỷ USD.
Ông Nguyễn Sơn - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam rất tin tưởng vào kết quả mới công bố này. Theo ông Sơn, hiện nay xuất khẩu dệt may tăng rất cao và với đà tăng trưởng này, Việt Nam là một trong những nước đạt mức tăng trưởng cao về xuất khẩu dệt may.
Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng đạt 30% là mức cao so với các nước trên thế giới. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh chính như: nước vùng Trung Mỹ, Mexico xuất khẩu đang sụt giảm mạnh do bị áp dụng quota, Thái Lan, Philipines và rất nhiều nước khác cũng sụt giảm do tình hình trong nước bất ổn. Các nước trong khu vực có nền sản xuất lớn như Bangladesh. Riêng Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng chậm lại vì nhiều lý do khác nhau, ông Sơn cho biết.
Một thuận lợi của hàng dệt may Việt Nam trong năm nay là việc nước ta gia nhập WTO, các hạn chế về quota và rào cản thương mại quốc tế được dỡ bỏ. Đây là điều kiện tốt để Việt Nam phát huy thế mạnh vì có nguồn lao động động dồi dào, tay nghề cao; có khả năng làm ra các sản phẩm phức tạp, giá trị gia tăng cao. Việt Nam cũng đang chuyển hướng từ gia công sang sản xuất chiều sâu cả thiết kế, sản xuất nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc lọt vào Top 10 thế giới cũng gây ra một số biến đổi đáng chú ý đó là Việt Nam sẽ được các đối thủ cạnh tranh quan tâm hơn, các nước sẽ tăng cường hơn sự giám sát đối với hàng hóa Việt Nam. Chúng ta sẽ trở thành đích ngắm cạnh tranh của rất nhiều đối thủ. Mức độ cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn.
Trong hoàn cảnh đó, ông Sơn cho rằng, lối đi lâu dài của DN Việt Nam là phải chú trọng tăng trưởng về chất lượng theo hướng nâng cấp tay nghề công nhân, đầu tư thiết bị, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hướng vào các đơn giá cao, các tập đoàn nổi tiếng có thương hiệu lớn của Mỹ, EU. Như thế mới tạo ra tăng trưởng về chất lượng và bền vững.
Kinh nghiệm ứng phó với cơ chế giám sát dệt may từ đầu năm đến nay mà Mỹ áp đặt đối với Việt Nam cho thấy, DN Việt Nam và các cơ quan quản lý đã rất chủ động điều tiết tăng trưởng xuất khẩu để tránh bị tiến hành điều tra chống bán phá giá. Mức tăng vào thị trường Mỹ trong 9 tháng qua chỉ ở mức hơn 20% và giá các đơn hàng không giảm đã khiến các nhà quản lý nhập khẩu Mỹ không thể gây khó cho hàng Việt Nam bằng các rào cản kỹ thuật hay kiện phá giá. Trong khi đó, DN Việt Nam ngày càng khẳng định được khả năng cung cấp chất lượng hàng hóa đối với nhà nhập khẩu Mỹ.
Tính đến cuối 2006, cả nước có khoảng 2.000 DN dệt may và đang sử dụng khoảng 2 triệu lao động, sản xuất 1,8 tỷ sản phẩm dệt may, với 65% dành cho xuất khẩu. Trong đó, các DN tập trung chủ yếu ở TP.HCM với 1.400 DN, Hà Nội và vùng phụ cận 300 DN.
Đến tháng 9/2007, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu dệt may chính thức vượt dầu thô để trở thành mặt hàng xuất khẩu dẫn đầu của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu dệt may qua 9 tháng đã đạt 5,805 tỷ USD, trong khi dầu thô mới chỉ đạt 5,781 tỷ USD. Như vậy, vị trí dẫn đầu xuất khẩu của dầu thô trong suốt những năm qua đã bị thay thế bởi dệt may. Trong năm 2008, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tiếp tục gia tăng.
Phước Hà
Việt Nam xếp thứ 10 thế giới là vị trí đã được ngành DN Việt Nam dự báo và kỳ vọng từ lâu. Từ đầu năm 2006, ngành dệt may Việt Nam lúc đó đứng thứ 16 trong số 153 nước sản xuất và xuất khẩu dệt may trên thế giới. Nhưng Hiệp hội Dệt may đã dự báo, Việt Nam có rất nhiều cơ hội và đã đề ra mục tiêu đến 2010 sẽ đứng vào Top 10 thế giới với doanh thu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD.