Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hết sức quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí một phần hoặc toàn bộ mức đóng tham gia BHYT của một số đối tượng như cận nghèo, học sinh, sinh viên, người cao tuổi từ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi. Nhằm mục đích thống kê chính xác tình hình dân số, xác định số người đang tham gia BHYT thuộc các nhóm đối tượng, số người chưa tham gia BHYT theo địa bàn xã, phường, thị trấn để có giải pháp phát triển đối tượng; tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật BHYT, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để đạt mục tiêu đến năm 2020 số người tham gia BHYT trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 80%, ngày 25-9-2015, liên ngành Sở Y tế - BHXH tỉnh đã ký Kế hoạch 665/LN-SYT-BHXH tổ chức, triển khai việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT. Đây là giải pháp quan trọng hướng tới lộ trình thực hiện BHYT toàn dân.
Giải pháp "gỡ khó" trong thực hiện Luật BHYT sửa đổi
Năm 2015 là năm đầu triển khai, thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13-6-2014 của Quốc hội và Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15-11-2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật BHYT nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt chú trọng tới đối tượng thuộc diện vận động tham gia, tham gia theo hộ gia đình, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Tuy nhiên, qua gần 1 năm triển khai còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện như thời gian đầu việc lập hồ sơ, biểu mẫu, thủ tục tham gia ban đầu yêu cầu phải chứng minh các thành viên trong gia đình đã có thẻ, phô tô một số loại giấy tờ như thẻ với người có thẻ, phô tô hộ khẩu làm căn cứ kiểm tra. Việc quy định những người đã tham gia BHYT những năm trước, đến năm 2015 muốn tiếp tục tham gia BHYT tự đóng (trường hợp tái tục) có thể tự tham gia, nhưng đối với những thành viên mới còn lại trong gia đình muốn tham gia BHYT yêu cầu phải 100% thành viên tham gia; đến tháng 1-2016 khi cả gia đình tham gia BHYT, người tái tục mới được tham gia, như thế rất khó trong phát triển đối tượng tham gia BHYT diện vận động…
Qua thời gian triển khai nhận thấy những bất cập đó, trong khi chờ Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT, sau khi xin ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã ban hành một số văn bản cụ thể hóa những thủ tục như kê khai tham gia BHYT hộ gia đình quy định trách nhiệm thuộc về xã, người tham gia và cơ quan BHXH huyện kiểm tra, rà soát việc kê khai, thực hiện. Với đặc điểm là một tỉnh nông nghiệp, toàn tỉnh có một số lượng lớn người dân đi học tập, lao động và tham gia BHYT ở tỉnh ngoài nhưng chưa báo cắt hộ khẩu nên chưa thể thống kê chính xác tỷ lệ người dân có thẻ BHYT. Do đó, chưa có bước đột phá trong phát triển, mở rộng đối tượng, người dân chưa thực sự hiểu được lợi ích khi tham gia BHYT, tỷ lệ người tham gia BHYT diện vận động còn thấp. Đồng thời chưa thể thống kê chính xác tình hình dân số, xác định số người đang tham gia BHYT thuộc các nhóm đối tượng, số người chưa tham gia BHYT theo địa bàn xã, phường, thị trấn để có giải pháp phát triển đối tượng. Tính đến tháng 8-2015, toàn tỉnh có 640.818 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 68,5% dân số tham gia, trong đó tham gia BHYT diện vận động 63.847 người, chiếm 26%; toàn tỉnh còn khoảng 300 nghìn người chưa có thẻ BHYT.
Chuẩn hóa BHYT hộ gia đình
Thực hiện Quyết định 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, đến năm 2020, Ninh Bình có trên 80,4% dân số tham gia BHYT. Riêng mục tiêu cụ thể đến hết năm 2015 tỉnh Ninh Bình phát triển 70% dân số tham gia BHYT (tương đương phát triển thêm 14.000 người) thì việc hoàn thành mục tiêu cũng cần có cú hích mạnh và các giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh tới cơ sở. Đồng chí Đinh Khánh Thục, Trưởng phòng Thu BHXH tỉnh cho biết: Nhằm thực hiện thành công lộ trình của Chính phủ, đẩy nhanh các chỉ tiêu thực hiện BHYT toàn dân, BHXH tỉnh giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia theo 3 nhóm đối tượng thuộc các doanh nghiệp, người tự đóng BHYT theo hộ gia đình và chỉ tiêu phát triển BHYT học sinh, sinh viên. Trong đó, việc chuẩn hóa BHYT theo hộ gia đình cần đặc biệt quan tâm.
Thời gian vừa qua, BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn đơn giản hóa thủ tục tham gia BHYT hộ gia đình, tuy nhiên những hướng dẫn đó chỉ là giải pháp tạm thời xử lý những vướng mắc trong giai đoạn chuyển giao thực hiện Luật BHYT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Đến ngày 25-9-2015, liên ngành Sở Y tế - BHXH tỉnh đã ký Kế hoạch 665/LN-SYT-BHXH tổ chức, triển khai việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT. Đây là giải pháp quan trọng để có thể thống kê chính xác tình hình dân số, xác định số người đang tham gia BHYT thuộc các nhóm đối tượng, số người chưa tham gia BHYT theo địa bàn xã, phường, thị trấn để có giải pháp phát triển đối tượng; tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật BHYT, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Quy trình được thực hiện với sự tham gia của các tổ dân phố, UBND xã, phường, thị trấn, BHXH cấp huyện, thành phố, đại lý thu BHYT, trong đó trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân được quy định rõ ràng, hộ gia đình có trách nhiệm kê khai đầy đủ, chính xác toàn bộ thành viên trong hộ gia đình vào mẫu (mẫu DK01) làm cơ sở quản lý, theo dõi người tham gia BHYT. Danh sách này được các trưởng thôn tiếp nhận tại hộ gia đình và bàn giao cho UBND xã. Từ các bản kê khai đó, UBND xã cử cán bộ tổng hợp, rà soát và nhập thông tin danh sách người thuộc hộ gia đình; phân loại đối tượng theo danh sách người đang tham gia theo nhóm đối tượng (mẫu DK02); người chưa tham gia BHYT (mẫu DK03) rồi chuyển cho BHXH cấp huyện. Trên cơ sở này, cơ quan BHXH phân loại, đối chiếu với các cơ quan quản lý đối tượng xác nhận (trong 3 ngày) danh sách người tham gia BHYT; chuyển danh sách người chưa tham gia cho đại lý thu để làm căn cứ vận động tham gia.
Cần sự đồng thuận cao của nhân dân
Đồng chí Đinh Khánh Thục, Trưởng phòng Thu BHXH tỉnh cho biết thêm: Đây là chính sách lớn, tác động tới nhiều người, đặc biệt Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có nhiều điểm mới, cần sự tham gia tích cực của cả cộng đồng, đặc biệt sự hưởng ứng cao của nhân dân tham gia đảm bảo quyền, lợi ích con người về chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, tỉnh ta với 935 nghìn người, việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT là công việc hết sức phức tạp, khó khăn. Thuận lợi của việc triển khai Kế hoạch liên ngành 665 về việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn, xóm, phố.
Với 7 mẫu kê khai phục vụ công việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT từ gia đình đến hoàn thiện biên bản giao nhận danh sách kê khai hộ gia đình giữa chính quyền địa phương và BHXH, để đảm bảo việc kê khai chính xác, các biểu mẫu được ghi chú rõ ràng, các tiêu chí trong các biểu mẫu đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với nhận thức và mặt bằng dân trí nói chung hiện nay. Đồng thời, ở mỗi cấp thôn, xóm, phố sẽ thành lập tổ từ 3-5 người để đi thực hiện kê khai, lập danh sách tại hộ gia đình, sau đó giao cho cán bộ tổng hợp cấp xã tổng hợp, phân loại người tham gia chuyển cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải được chú trọng. Việc tuyên truyền phải tiến hành thường xuyên, sâu rộng trong nhân dân hiểu được quyền lợi, cách thức tham gia, tính cộng đồng, chia sẻ của chính sách BHYT để người dân hiểu, đồng tình trong việc tham gia BHYT theo hộ gia đình, có như thế chính sách BHYT mới thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao nhất.
Bài, ảnh: Tiến Minh