Toàn bộ 106 ha bàn giao cho Nhà nước đều tập trung ở 2 thôn Tùy Hối và Thiện Hối, trong đó phần lớn ở thôn Tùy Hối, đất canh tác nông nghiệp ở Gia Tân hiện còn khoảng 380 ha, trong đó 2 thôn Tùy Hối và Thiện Hối còn khoảng 104 ha.
Tạo việc làm cho nông dân
Tại xã Gia Trấn, đồng chí Hà Duy Xuyên, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Từ năm 2003 đến nay xã đã bàn giao cho CCN Gián Khẩu 16 ha, đã đấu giá quyền sử dụng đất 9,33 ha, sắp tới đưa vào lập quy hoạch đô thị 19 ha nâng tổng số đất bàn giao đến hết năm 2008 là 44,33 ha. Đất thu hồi chủ yếu nằm ở thôn 1 và một phần diện tích nằm ở thôn 2". Xã Gia Xuân từ năm 2003 đến nay, đã bàn giao đất cho CCN Gián Khẩu và một số dự án khác là 106 ha, trong đó có 13 ha đất núi, 93 ha đất sản xuất nông nghiệp tập trung ở 2 thôn Miễu Giáp và Vũ Đại, sau bàn giao, hiện nay Gia Xuân còn khoảng 200 ha đất nông nghiệp.
Về lao động việc làm, đồng chí Vũ Ngọc Cơ, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân, cho biết: "Thôn Tùy Hối và Thiện Hối có khoảng 2.500 lao động trực tiếp làm nông nghiệp, đến nay đã có khoảng 300 lao động vào làm ở các doanh nghiệp trong và ngoài CCN, 300 người làm nghề thêu ren, khoảng 200 người làm nghề tăm hương, mây tre đan nay không làm nữa chuyển sang đan cót...; lao động không có việc làm ổn định khoảng 1.000 người. Riêng xã Gia Trấn diện tích đất thu hồi chỉ có 44,33 ha, nên số lao động sau thu hồi cần có việc chỉ có 709 người, trừ 200 cháu ở độ tuổi lao động còn đang đi học, còn 509 người, đến nay đã có 200 lao động vào làm công nhân trong CCN, công nhân Nhà máy gạch sông Chanh 50 người, có 3 tổ trộn bê tông thuê bằng máy thu hút 60 lao động, 100 lao động làm nghề thêu ren, còn lại là thợ xây làm thuê cho các doanh nghiệp trong CCN, buôn bán kinh doanh dịch vụ. Xã Gia Xuân có 1.710 lao động sau thu hồi đất không có việc, đến nay đã có 131 người làm vào ở CCN và các doanh nghiệp, 210 người làm nghề thêu ren, 403 người làm nghề thợ xây, lái xe, thợ mộc và dịch vụ khác, lao động làm trang trại và nông nghiệp khác là 412 người... chưa có việc làm ổn định là 391 người.
Tập trung giải bài toán thu nhập
Đảm bảo thu nhập, đời sống cho nông dân sau thu hồi đất đạt mức bằng và cao hơn trước khi thu hồi đất thực sự là bài toán khó. Để giải được bài toán này thời gian qua Đảng bộ và chính quyền 3 xã đã vận động nhân dân sử dụng có hiệu quả tiền đền bù ruộng đất vào phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện pháp lý cho nông dân đi làm ăn gần xa, phối hợp với các cơ quan tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm... Ông Nguyễn Xuân Nghị, Trưởng ban lao động TBXH xã cho biết: "Đến nay Gia Trấn đã cơ bản giải quyết xong số lao động nông nghiệp sau thu hồi đất là 709 người. Thu nhập bình quân của công nhân làm trong các doanh nghiệp từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Nghề thêu ren có thu nhập từ 500 - 700 nghìn đồng/tháng. Số lao động là thợ xây, thợ mộc làm thuê theo các hợp đồng, công việc cũng có mức thu nhập từ 50 nghìn đồng/ngày". Với Gia Xuân tình hình việc làm, thu nhập của nông dân sau thu hồi đất cũng có những nét tương tự như Gia Trấn, song có khác hơn là xã có mô hình trang trại lúa cá khá thành công, đã thu hút một lượng lớn lao động vào làm việc và đảm bảo thu nhập khá. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, kinh doanh vật liệu xây dựng và làm các ngành nghề khác nằm dọc Quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều gia đình... Có thể nói, vấn đề giải quyết việc làm, thu nhập cho người nông dân sau thu hồi đất ở 3 xã Gia Trấn, Gia Trấn, Gia Xuân đã đạt được những kết quả bước đầu, nhất là ở 2 xã Gia Trấn và Gia Xuân, song về cơ bản vẫn là do dân tự lo trên cơ sở có sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền... Giá trị thu nhập do người nông dân tự tìm kiếm việc làm ở 3 xã tập trung chủ yếu là lao động nam giới trẻ, khỏe, có tay nghề. Riêng các lớp học về thêu ren, làm tăm hương, chiếu trúc, mây tre đan do Nhà nước hỗ trợ dạy nghề cũng đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động gồm người già, phụ nữ, trung tuổi và các cháu học sinh. Tuy nhiên hiện nay, trừ nghề thêu ren, đan cót, còn lại là các nghề khác hiện khó duy trì được do không có người chuyên đứng ra lo nguyên liệu, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ngày công lại thấp nên nhiều người bỏ. Đây thực sự đang là vấn đề bức xúc về tính hiệu quả của công tác dạy nghề hiện nay, cần được các cấp, các ngành xem xét.
Thời gian tới để giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và thu nhập cho nông dân sau thu hồi đất trên địa bàn huyện Gia Viễn, cần tăng cường mở các lớp dạy nghề kết hợp với giúp đỡ nông dân sau học nghề có việc làm ổn định. Mở rộng các đối tượng vay vốn dự án giải quyết việc làm của ngân hàng chính sách xã hội, các dự án tín dụng với lãi suất thấp đến người dân trong diện thu hồi đất để họ có thêm vốn phát triển sản xuất, kinh doanh đồng thời tạo điều kiện cho người dân đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Nguyễn Chấn