Tối 30 Tết, chỉ còn khoảng vài giờ đồng hồ nữa là đến thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới Mậu Tuất. Ngoài đường, dòng người vẫn xuôi ngược vội vã, có lẽ, ai cũng cố gắng hoàn tất mọi việc để sớm trở về nhà cùng người thân chuẩn bị mâm cúng đêm Giao thừa sao cho tươm tất.
Mặc dòng người hối hả, những nhân viên gác chắn Tổ chắn Cầu Yên (Hoa Lư) vẫn miệt mài, trách nhiệm với công việc. Tổ chắn có 6 nhân viên, đêm cuối cùng của năm là ca gác của hai nữ nhân viên Đào Thị Liễu và Nguyễn Thị Phượng. Khác với sự tấp nập ngoài phố thị, ở trong trạm gác chắn lại rất tĩnh lặng dù những khoảnh khắc cuối cùng của năm cũng gợi cho các chị nhiều cảm xúc. Chị Đào Thị Liễu, Tổ trưởng Tổ chắn Cầu Yên tâm sự, chị gắn bó với trạm gác chắn này ngót 10 năm. 10 năm ấy là 10 lần chị đón giao thừa ở trạm gác chắn. "Ai cũng muốn được sum vầy bên người thân vào thời khắc giao thừa. Song, công việc gác chắn của chúng tôi có phần đặc thù hơn. Tàu vẫn chạy thì chúng tôi còn phải làm việc. Vì vậy, việc sắm sửa, lo toan Tết nhất cho gia đình phải làm vào những thời điểm khác. Thực ra, chị em làm ở trạm gác có nhiều người quê ở xa, vì vậy, để tạo điều kiện cho chị em được đón Tết bên người thân thì chúng tôi sẵn sàng đổi ca trực cho nhau. Tuy không được về sum họp bên gia đình vào khoảnh khắc chào đón năm mới, song ở gần nhà thì cảm giác cũng bớt cô đơn hơn"- chị Liễu chia sẻ: Kể về công việc thầm lặng của mình, chị Liễu cho biết, gác chắn đường ngang- công việc tưởng chừng như đơn giản, lặp đi lặp lại nhưng trách nhiệm thì rất lớn, nó đảm bảo cho những chuyến tàu được thông suốt và an toàn, chỉ một phút lơ đễnh hậu quả xảy ra là khôn lường. Mỗi ca trực của nhân viên gác chắn kéo dài 12 tiếng liên tục, khi đã lên ban thì tuyệt đối không được rời vị trí hoặc ngủ. Thời gian dành cho công việc khá nhiều, vì vậy mà các chị luôn trân quý khoảnh khắc sum họp ít ỏi cùng gia đình mỗi ngày. Những ngày giáp Tết, các chị đã tranh thủ thời gian được nghỉ để đi mua sắm cho gia đình, đặc biệt là chuẩn bị mua quần áo mới cho bọn trẻ. Rồi lại xốn xang khi ngắm nhìn những chiếc xe chở đào, chở quất- mang hương vị của ngày xuân đi khắp nơi…
Với Nguyễn Thị Phượng thì Tết năm nay là cái Tết đầu tiên ở nhà chồng nhưng cô không được đón Tết cùng gia đình mới. Cô tâm sự: Tết đầu tiên ở nhà chồng mà em lại đón Giao thừa ở trạm chắn chị ạ. Nhưng may mắn cho em là được gia đình chồng và chồng em rất thông cảm, chia sẻ những vất vả đặc thù của nghề. Với lại, hôm trước được nghỉ, em cũng tranh thủ phụ giúp gia đình dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và mua sắm thực phẩm dành cho ngày Tết, nên hôm nay cứ yên tâm làm việc vì sự bình yên cho cung đường. Rồi Phượng bảo, thực ra, những cảm xúc chông chênh ngày cuối năm cũng thoáng qua thôi. Vì chị em đều hiểu rõ ý nghĩa công việc mình đang làm là góp phần mang lại hạnh phúc, khoảnh khắc sum vầy cho các gia đình. Gắn bó với công việc gác chắn nên chúng em cũng được rèn luyện để trở nên vững vàng hơn. Còn nhớ, những ngày đầu vào ca trực đêm, chỉ có hai nhân viên nữ với nhau em cũng sợ lắm. Đêm khuya khoắt, có những người say rượu, người "phê" ma túy gọi cửa hay phá phách cũng đủ để làm chị em sợ… hết hồn. Những lúc ấy, nhìn cách các chị lớn tuổi giải quyết tình huống em cũng thấy vững tâm. Các chị sử dụng kỹ năng "mềm", vừa nhẹ nhàng khuyên nhủ nhưng lại có sự cứng cỏi trong lời nói để các đối tượng ấy dời đi nơi khác. Những tình huống như vậy xảy ra khá thường xuyên. Chúng em cũng có sẵn số điện thoại của các đồng chí công an khu vực. Khi cần sự trợ giúp của chúng em, bất kể lúc nào, các đồng chí cũng sẵn sàng có mặt.
Trời về khuya, Trạm gác chắn Cầu Yên được đón thêm những vị khách mới, đó là những cán bộ quản lý Cung chắn do ông Vũ Anh Tuấn, Cung trưởng Cung chắn khu vực 4 đến thăm và chúc Tết sớm các chị. Cung trưởng Vũ Anh Tuấn cho biết, hiện nay Cung chắn khu vực 4 có 15 trạm gác chắn với 92 nhân viên, trong đó có trên 90% là nữ. "Công việc gác chắn đặc thù, phải gác, trực đêm là thường xuyên. Nam giới thì đỡ, chứ nữ giới thì khó khăn hơn nhiều. Họ vừa phải khéo thu xếp vẹn toàn việc nhà, vừa phải đối mặt với những thử thách khách quan mang lại. Hiểu được nỗi nhọc nhằn không tên ấy, chúng tôi thường xuyên chia sẻ, động viên và tổ chức các buổi nói chuyện, cung cấp những kỹ năng "mềm" khi phải đối diện với những tình huống khó. Những công việc thầm lặng của người "gác chắn" ấy đã góp phần đem lại bình an cho mỗi chuyến tàu.
Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng điện thoại trực ban réo rắt kêu. Chị Liễu thoăn thoắt thao tác truyền tín hiệu báo cho các trạm lân cận, nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận nhật ký thời gian tàu qua. Còn chị Phượng vội bước ra đường quan sát, kiểm tra các thiết bị ngoại trạm… sau đó quay lại nhận lệnh đóng chắn, hạ cần, kéo giàn để đón chuyến tàu mới.
Bóng con tàu xa dần, nhập nhằng rồi mất hút vào đêm tối. Đúng lúc này, tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm. Từ chiếc radio nhỏ của trạm gác vang lên lời chúc Tết của Chủ tịch nước. ở thời khắc ấy, hỏi các chị ước điều gì? Các chị nói, chúng tôi cầu mong cho một năm mới may mắn, bình an cho mọi nhà và mọi chuyến tàu.
Đào Hằng