Không khí của những ngày thu lịch sử của 75 năm về trước khi tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và niềm vui Tết Độc lập đầu tiên như những thước phim quay chậm qua lời kể của lão thành cách mạng năm nay đã bước qua tuổi 95.
Trong căn nhà đơn sơ, giản dị câu chuyện của chúng tôi về các thế hệ gia đình cụ Luyện dần dần hiện lên rõ nét. Cụ sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng Quỳnh Lưu (Nho Quan). Cha đẻ của cụ là cụ Phạm Văn Oanh (hay gọi là cụ Biểu Nhinh) là một trong những đảng viên đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. Trong quá trình hoạt động cách mạng, cụ Phạm Văn Oanh đã có những đóng góp cho phong trào cách mạng của Quỳnh Lưu nói riêng và của toàn tỉnh nói chung. Tiếp nối truyền thống của cha, anh em cụ Luyện đã tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ cụ Luyện đã theo cha, theo anh đưa thư, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Năm 1945, khi là một thiếu nữ tròn 20 tuổi, cụ Luyện đã tham gia vào hội phụ nữ cứu quốc, cùng các đội tự vệ đi phá kho thóc Nhật giành chính quyền. Những ký ức về những ngày thu lịch sử được cụ hồi tưởng lại khá rõ nét: "Trong những ngày đó, tôi nhớ rất rõ sự hy sinh của anh Lương Văn Tài. Sau khi đã phá kho thóc ở nhà phó Trạch ở thôn Sưa chia cho người dân, quần chúng nhân dân đã phá các kho thóc ở các làng khác với một khí thế sôi sục.
Đến đầu làng Lũ Phong, địch kéo đến, anh Lương Văn Tài thuyết phục kêu gọi binh lính địch "Người Việt Nam không bắn người Việt nam" nhưng địch vẫn nổ súng bắn vào anh Tài. Tôi nhớ trước khi hy sinh anh còn dặn "Hãy trả thù cho tôi". Lời nói của anh và sự hy sinh anh dũng của anh khiến cho cả đoàn người sôi sục căm thù, với vũ khí thô sơ giáo mác, đòn gánh ào xông lên đánh địch". Lúc anh hy sinh rất nhiều người trong đó có tôi đã khóc nhưng rồi tự bảo với lòng mình phải chiến đấu để xứng đáng với sự hy sinh của anh".
Bao nhiêu năm đã qua đi nhưng ký ức về những ngày tháng kháng Nhật cứu nước tiến tới giành chính quyền vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí cụ. Cụ kể ngày giành chính quyền, cả thôn, cả xã vui, phấn khởi lắm. Ngày Tết Độc lập đầu tiên, ngày 2/9/1945, tuy không được chứng kiến giây phút Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình nhưng mọi người trong làng đều biết sự kiện lịch sử này và theo dõi qua chiếc đài nhỏ của cán bộ cách mạng trong vùng lúc đó. "Vui lắm, tự hào lắm khi nghe những lời trong bản Tuyên ngôn độc lập.
Lúc đó, tôi không hiểu nhiều, chỉ biết từ bây giờ đã có cuộc sống tự do, cả nước bước sang một trang sử mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh" - Cụ Luyện xúc động nhớ lại cảm xúc ngày thu lịch sử ấy.
Cụ đã đi qua những bước ngoặt lịch sử lớn của Quỳnh Lưu, sống và chiến đấu hết mình vì một quê hương tự do, độc lập. Khi chúng tôi hỏi kỷ niệm sâu sắc nhất của cụ trong các thời kỳ, cụ bảo tất cả những hy sinh rồi những chiến công của quân và dân ta đều đã ăn sâu trong tâm trí cụ như những kỷ niệm không thể quên, bao nhiêu ngày tháng tham gia hoạt động cách mạng là bấy nhiêu kỷ niệm. Những tấm huân huy chương treo trong nhà là minh chứng sống động cho một gia đình giàu truyền thống cách mạng.
Anh trai cụ Luyện là cụ Phạm Văn Tiếu và em trai là cụ Phạm Văn Hoán cũng là những lão thành cách mạng. Những tấm huân huy chương tuy đã bị mờ đi theo thời gian nhưng những gì mà các thế hệ của gia đình cụ Luyện đã cống hiến cho mảnh đất Quỳnh Lưu nói riêng và cho phong trào cách mạng của cả tỉnh nói chung thì không một tấm huân huy chương nào có thể ghi tạc hết được.
Giữa cái nắng dịu nhẹ của mùa thu tháng 8, chúng tôi nghẹn ngào siết chặt tay cụ vì dường như bao ký ức về mùa thu lịch sử đang trào dâng trong cụ, cụ lúc cười đầy tự hào, lúc lại rưng rưng nước mắt nhớ về cha, về anh, về những người đã hy sinh.
Anh phóng viên ảnh đi cùng đoàn nói với cụ: "Bây giờ cụ có thể yên tâm nghỉ ngơi dưỡng lão được rồi vì các con cụ đều đã trưởng thành". Cụ khẽ gật đầu. Đúng là 6 người con cụ đều đã khôn lớn trưởng thành và tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Gặp người con trai cả của cụ, anh Đinh Công Phát, chúng tôi thấy cái chất "con nhà nòi cách mạng" thể hiện rõ trong từng lời nói.
Anh Phát tâm sự: "Truyền thống quê hương, truyền thống gia đình luôn là động lực, là sức mạnh giúp anh em chúng tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, sống xứng đáng với những hy sinh của thế hệ đi trước. Tuy không phải trải qua bom đạn nhiều như ông, như bác và như mẹ nhưng là một người lính cũng từng kinh qua bom đạn chiến tranh, tôi hiểu hơn hết nhiệm vụ của mình trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng quê hương".
Với cương vị của mình, khi còn công tác tại Cục Thuế tỉnh hay bây giờ đã nghỉ hưu, anh luôn sống với tâm nguyện hết lòng vì quê hương, mong góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển của tỉnh mà chính người sinh thành ra anh cách đây mấy chục năm cũng không thể tưởng tượng ra.
Được biết, con, cháu chắt của cụ Luyện đều đã trưởng thành và công tác trên nhiều lĩnh vực. Tất cả họ tuy mỗi người một việc nhưng đều dốc sức để xây dựng Ninh Bình ngày một phát triển trên từng lĩnh vực công tác. Những ngày lễ, Tết hay các dịp 30/4, 19/8, 2/9 cả đại gia đình lại quây quần về căn nhà đơn sơ, giản dị tại thành phố Ninh Bình để đoàn tụ, gặp gỡ.
Trong những dịp như thế câu chuyện về các thế hệ trong gia đình luôn được nhắc lại để con cháu khắc cốt ghi tâm, lấy đó mà rèn luyện phấn đấu. Các cháu của cụ Luyện tuy sinh ra và lớn lên trong thời bình nhưng đều chăm chú lắng nghe những câu chuyện ấy và cảm thấy tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình.
Cụ nói đùa với chúng tôi: "Nhà tôi đông con, đông cháu nên những dịp sum họp là như một buổi kể chuyện truyền thống. Tôi rất mừng là các cháu không quay lưng lại với truyền thống cách mạng của gia đình mà luôn hỏi chuyện ngày xưa mỗi khi có điều kiện về thăm bà."
Các cháu cũng hỏi cụ rất kỹ về những tấm huân huy chương treo trong nhà, những kỷ vật lưu lại của môt thời kỳ đấu tranh anh dũng kiên cường trên khu căn cứ cách mạng. Điều đó làm cho cụ Luyện vui lắm vì thế hệ hôm nay đã biết nâng niu những giá trị lịch sử và luôn muốn tìm "về nguồn" để làm điểm tựa viết tiếp những trang sử mới sao cho xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình.
Chia tay cụ trong một tâm trạng đầy xúc cảm về một gia đình với biết bao thế hệ đã đóng góp cho độc lập tự do của quê hương chúng tôi thấy tự hào biết bao khi được gặp những con người như thế, những gia đình như thế.
Quỳnh Thu