Xã Khánh Mậu (Yên Khánh) khi tiến hành xây dựng làng văn hóa có 14/14 xóm có nhà văn hóa thôn, tuy nhiên do các nhà văn hóa thôn được xây dựng từ trước theo tiêu chí xây dựng làng văn hóa cũ, bởi vậy khi triển khai chương trình nông thôn mới thì theo quy hoạch phải cải tạo lại. Hiện mới chỉ có 11/14 xóm hoàn thành việc xây dựng nhà văn hóa xóm gắn với khu thể thao theo tiêu chí nông thôn mới, còn 3 xóm (xóm 2, xóm 8, xóm 10) chưa hoàn thành. Lý do của việc chậm hoàn thành là do các điểm xây dựng nhà văn hóa của 3 xóm trên nằm xen trong khu dân cư, tuy có thể cải tạo lại hạng mục nhà văn hóa nhưng không thể mở rộng diện tích cho đúng chuẩn theo tiêu chí mới.
Để giải quyết vấn đề này, xã đã cấp bổ sung phần diện tích đất còn thiếu cho 3 xóm ở một nơi khác. Khó khăn là ở phần đất được cấp bổ sung để xây dựng khu thể thao không nằm cùng với điểm xây nhà văn hóa thôn, do vậy không thuận tiện cho sinh hoạt văn hóa, thể thao. Những nguyên nhân trên đã phần nào ảnh hưởng đến những nỗ lực của xã trong việc hoàn thành những mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Thôn Ráng Đông Thịnh (Thượng Hòa, Nho Quan) cũng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng gặp những khó khăn khác. Thôn có 178 hộ, 728 nhân khẩu, song vẫn còn 34 hộ nghèo, chiếm 19,3%. Số hộ nghèo của thôn như vậy cao hơn chỉ tiêu chung về chuẩn xây dựng nông thôn mới. Do có 34 hộ nghèo nên thôn vẫn chưa được công nhận là làng văn hóa. Mặt khác, thôn mới chỉ có 82% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa.
Để được công nhận làng văn hóa, thôn cần hoàn thành chỉ tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ số gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Để giảm hộ nghèo cần có một quá trình vận động lâu dài. Việc thôn, xóm chưa đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới đương nhiên tác động đến việc hoàn thành chỉ tiêu chung của xã.
Xây dựng các thiết chế văn hóa cho nông thôn mới không chỉ là việc có cơ sở vật chất văn hóa (nhà văn hóa thôn, khu thể thao, các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa) mà còn cần tuyên truyền cho người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện chương trình này. Như vậy vấn đề đặt ra là công tác vận động, tuyên truyền cần được quan tâm.
Ngoài ra, vấn đề kinh phí cũng là một khó khăn khác nữa của cơ sở trong thực hiện xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở theo chương trình nông thôn mới. Chẳng hạn để xây dựng nhà văn hóa xóm và khu thể thao, xã Khánh Mậu đã thực hiện vận động người dân tham gia theo hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Do số tiền xây dựng lớn mà điều kiện kinh tế của đa số hộ dân có hạn, bởi vậy. Các xóm đã sáng tạo khi vận động sự đóng góp của con em xa quê, thành đạt. Tuy nhiên nguồn vận động cũng chỉ đáp ứng được một phần kinh phí, không thể thay thế hoàn toàn việc huy động người dân tại chỗ. Về phía xã và huyện, do nguồn ngân sách có hạn, chỉ có thể hỗ trợ một phần cho các thôn, xóm, nên cơ bản vẫn là huy động sức dân.
Những khó khăn trên không chỉ riêng của Khánh Mậu (Yên Khánh), Thượng Hòa (Nho Quan) mà có thể còn nảy sinh nhiều xã khác trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Quá trình triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa theo chương trình nông thôn mới chắc chắn sẽ còn không ít những khó khăn nảy sinh, đòi hỏi Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, của huyện và cơ sở cần nỗ lực hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Mai Phương