Mặc dù, đến thời điểm này mực nước ở đây đã rút khoảng 1m nên đường 480 từ cầu Đế đến cầu Nho Quan đã thông xe, chỉ còn một số đoạn còn ngập. Riêng những con đường giao thông của xã, ở các thôn xóm thì vẫn còn ngập trong nước, phương tiện đi lại chủ yếu là những chiếc thuyền nhỏ. Trụ sở UBND xã, trạm y tế, các trường học, nhà dân vẫn bị cô lập trong nước, học sinh tiếp tục nghỉ học.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng họp tầng 2 của trụ sở, xung quanh là bao thóc của dân gửi, những bộ bàn ghế, giấy tờ, tài liệu, các trang thiết bị khác, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Lãm cho biết: Dân vùng lũ mấy ngày nay phải lo lắng chống, chạy lũ thật vất vả. Nhưng cũng thật mừng là cho đến bây giờ, người dân trong xã chạy lũ an toàn cả về tài sản, tính mạng. Có được điều này là do nhân dân đã chủ động, nghiêm túc, tích cực đối phó với lũ.
Ngay từ 17 h ngày 30/10, khi nhận được thông báo lũ, UBND xã đã thông báo cho nhân dân các thôn xóm chuẩn bị thu dọn tài sản, lương thực, gia súc, gia cầm, người già, trẻ em sơ tán lên những vị trí cao như nhà 2 tầng, khu vực cao bên cạnh núi, mặt đê, trường học.... và hướng dẫn nhân dân làm sàn tránh lũ. Xã đã huy động, tập trung mọi lực lượng, các phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ chống tràn, cử lực lượng xung kích địa phương gồm 150 người, 100 m3 cát, 1 nghìn chiếc bao bì, 4 xe công nông đầu dọc tham gia cùng với lực lượng phòng, chống lụt bão của huyện, tỉnh, các lực lượng quân đội, công an, các phương tiện hỗ trợ khác để trực tiếp chống tràn từ 1 giờ ngày 31-10. Do nước lũ lên nhanh, khả năng tràn đê rất dễ xảy ra, xã đã thông báo, thực hiện sơ tán khẩn cấp nốt những tài sản, người dân lên vị trí an toàn, thông báo để nhân dân dự phòng nguồn lương thực, nhiên liệu, chất đốt, nước, nhu yếu phẩm để chống chọi với nước lũ trong vòng 15 - 20 ngày. Tràn Đức Long - Gia Tường sau một thời gian kiên cường chống trụ đã bị nước lũ uy hiếp tràn qua, đổ bộ vào các xã. Đến 24 h ngày 31/10, mực nước đã lên ở mức cao nhất, trong xã có nơi bị ngập sâu từ 2 - 2,5 m. Đến 7 h ngày 1/11, nước mới bắt đầu rút dần.
Vì phải thường xuyên sống chung với lũ, mặc dù đã chuẩn bị tư tưởng, tinh thần sẵn sàng nhưng với người dân nơi đây thì mỗi trận lũ đến đều dữ dội. Bởi họ phải vật lộn, gồng mình chống chọi với những khó khăn về nơi ăn, chốn ở và những thiệt hại, do lũ lụt gây ra. Nhìn khuôn mặt rầu rầu của người dân trong xã trước cảnh mưa lũ, chúng tôi thấy xót xa, thấu hiểu hơn khó khăn trong sản xuất, phát triển kinh tế, của họ khi mà điều kiện phụ thuộc nhiều vào thiên tai khắc nghiệt này. Theo sơ bộ, toàn xã có 1.360 hộ dân bị ngập lụt, chiếm trên 90%; 64 ha cây đông; 80 ha nuôi trồng lúa + cá bị mất; trên 200 con gia cầm bị chết rét; trên 22 km đường giao thông nông thôn, đê chống lũ tiểu mãn, kênh mương (cấp I và II), bị vùi lấp, sạt lở, cuốn trôi, chìm trong nước. Hiện nay xã vẫn còn có những thôn bị ngập sâu, khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt, như thôn Hiền Quan I, Hiền Quan II, thôn Cổ Định, 2 thôn ngoài đê là Sơn Lũy I, Sơn Lũy II. Trực tiếp chèo thuyền đưa chúng tôi rời khỏi Trụ sở, đồng chí Chủ tịch UBND xã Đức Long như gửi thêm những trăn trở với chúng tôi rằng, hơn bao giờ hết người dân nơi đây đang cần sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân để sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Chòng chành trên con thuyền nhỏ, chúng tôi thấu hiểu được những lo toan, sự truân chuyên của người dân vùng rốn lũ.
Bài, ảnh: Hoàng Tâm