Mùa xuân năm nay, Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Chúc bước sang tuổi 94. Sức khỏe của mẹ kém đi nhiều, trí nhớ không còn tròn vạnh nữa, vậy nhưng, ký ức của mẹ về những người con, nhất là hai người con trai đã nằm lại chiến trường mẹ chẳng bao giờ quên. Mẹ Chúc bảo, cái thời chiến tranh ấy, cả ngàn, cả triệu người mẹ đều làm như vậy: nén nỗi đau để động viên con lên đường tòng quân, giết giặc dù rằng ranh giới sinh-tử nơi chiến trường vô cùng mong manh. Trước ngày con trai cả là Đặng Văn Tuyên nhập ngũ, mẹ Chúc nấu cho con bữa cơm thật ngon. Cũng chẳng có gì, chỉ là niêu cơm bớt độn sắn và thêm vào mâm cơm ấy một bát canh cá, một đĩa tép mẹ mới riu được hồi chiều. Đêm, mẹ không chợp mắt được. Bao lần mẹ trở dậy, nghe tiếng gà gáy sang canh rồi lại lặng nhìn con. Mẹ dậy sớm thổi niêu cơm nếp, rang thêm mẻ muối vừng để con mang theo ăn dọc đường. Trao cho con vắt cơm với muối vừng, Mẹ nén lòng mình không để nước mắt tuôn rơi, mạnh mẽ động viên con dũng cảm lên đường. Mẹ không quên dặn dò con phải phấn đấu trở thành người con kiên trung của Tổ quốc. Tiễn con đi, nhìn bóng con khuất sau rặng tre cuối làng, mẹ đặt tay lên ngực chế ngự nhịp tim đang thổn thức.
Rồi mẹ và gia đình lại tiễn người con thứ hai là Đặng Văn Tuyền lên đường tòng quân. "Tuyền nhập ngũ khiến cả nhà bất ngờ. Vì trước đó, Tuyền không hề chia sẻ cho gia đình biết dự định của mình. Lúc đó, nó 19 tuổi đang học trường thủy sản Hải Phòng - Mẹ Chúc nhớ lại. Dù thương con còn ít tuổi, nhưng trước quyết tâm nhập ngũ của Tuyền, cả gia đình đều ủng hộ. Bao yêu thương, nhớ nhung mẹ gửi gắm vào trang thư viết vội. Mẹ bảo, ngày ấy mẹ cũng được tham gia lớp xóa mù chữ nên cũng biết viết, biết đọc. Chẳng hiểu rõ lắm về đơn vị của con, nhưng mẹ vẫn cứ viết thêm một phong thư để động viên, dặn dò con trai cả Đặng Văn Tuyên. Mẹ dặn, nếu anh em có gặp nhau ở chiến trường thì trao cho anh. Mẹ còn nhớ rất rõ, lúc lên đường, Tuyên dặn dò "thầy, u ở nhà cứ yên tâm. Con và hàng triệu thanh niên khác sẽ nhất định thắng lợi trở về". Bao ngày các con đi là bấy nhiêu thời gian mẹ đằng đẵng chờ đợi. Nỗi nhớ con hiện hữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Như một thói quen, chiều chiều mẹ lại lặng lẽ ngồi bên bậu cửa ngóng các con trở về bởi mẹ tin vào lời hứa của các anh. Nhưng đã mấy chục năm trôi qua rồi, các anh không trở về được nữa. Cũng như hàng triệu người con ưu tú khác, các con của mẹ đã dâng hiến tuổi xuân, xương, máu cho Tổ quốc hồi sinh.
Mùa xuân này Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phúc (phố Nam Phong, phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình) tròn 100 tuổi. Đợt gió lạnh tăng cường khiến cơ thể hao gầy của mẹ run run. Người mẹ từng kiên cường khi phải hứng chịu 3 nỗi đau lớn trong cuộc đời lúc 3 đứa con hy sinh nay đã phải "đầu hàng" trước cái lạnh cuối đông. Dường như đã quá quen mỗi khi có người đến thăm, mẹ Phúc luôn nói: cảm ơn quý cơ quan, cảm ơn các đoàn thể, các con đã quan tâm đến mẹ. Và mặc cho tiết trời lạnh giá, mẹ vẫn ngỏ ý muốn được ngồi dậy nói chuyện với mọi người. Nghe chúng tôi mở lời về những người con trai đã hy sinh, trên khóe mắt nhăn nheo của mẹ xuất hiện những giọt nước mắt. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến, xuân về, đại diện các cơ quan, đoàn thể lại tới thăm, tặng quà trò chuyện, phần nào bù đắp nỗi trống trải trong lòng mẹ. Những tình cảm nồng ấm ấy đã thực sự sưởi ấm được trái tim của mẹ"- mẹ Phúc xúc động nói.
Toàn tỉnh hiện có 85 Bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và 441 Mẹ được truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Đến nay, chỉ còn 92 Mẹ còn sống với độ tuổi bình quân trên 80 tuổi, do các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận phụng dưỡng. Những người mẹ mang tên, họ không giống nhau, ở các miền quê khác nhau, nhưng các mẹ lại có chung một nỗi đau, một sự vĩ đại đến bất tử. Nhiều mẹ "ba lần tiễn con đi" để rồi "ba lần khóc thầm lặng lẽ", nỗi đau cứ thế lặn vào trong. Như một mong mỏi từ thẳm sâu tiềm thức, những ngày xuân ấm, các mẹ ngày đêm vẫn lặng lẽ ngóng tin con trước thời khắc giao thừa. Dù đớn đau, mất mát, nhưng mẹ Chúc, mẹ Phúc hay tất cả những Mẹ Việt Nam anh hùng trên dải đất Việt Nam vẫn luôn tự hào bởi các con mẹ đã chiến đấu cho đất nước, mang lại hòa bình cho dân tộc. Tôi và nhiều người may mắn được hưởng hòa bình đã về sưởi ấm trái tim Mẹ trong những ngày Tết đến, xuân về. Bỗng dưng, lòng yên ấm lạ.
Đào Hằng