Tại tỉnh Ninh Bình, đầu tháng 5/2013, BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh đã phối hợp xây dựng phương án triển khai dịch vụ để trình lên BHXH Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Theo đó, dự kiến trong tháng 8 tới sẽ triển khai thí điểm dịch vụ chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua hệ thống Bưu điện tại 30 xã, phường thuộc 8 đơn vị hành chính của tỉnh, sau đó sẽ được kiểm tra, rút kinh nghiệm để khắc phục tối đa những hạn chế của phương thức chi trả mới nhằm phục vụ tốt hơn các đối tượng hưởng trước khi mở rộng triển khai trên phạm vi toàn tỉnh.
Hiện tại, hàng tháng, BHXH chuyển toàn bộ số tiền mặt gần 150 tỷ đồng của hơn 55.000 đối tượng thụ hưởng giao cho các Đại diện chi trả đã ký hợp đồng tự lo vận chuyển đến các điểm chi trả để tiến hành chi trả. Với cách này, điều mà BHXH các cấp lo lắng nhất vẫn là công tác đảm bảo an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển trên đường, tại các điểm chi trả và lưu giữ tại nhà riêng.
Việc tổ chức công tác chi trả qua hệ thống Bưu điện sẽ giải quyết được vấn đề này cho Ngành BHXH, bởi Ngành Bưu điện có đầy đủ phương tiện vận chuyển tiền đến tận nơi chi trả, nếu cuối ngày chưa chi trả hết, tiền sẽ được vận chuyển về Bưu điện trung tâm để bảo vệ an toàn tránh việc lưu giữ tại nhà riêng như trước đây.
Và với ưu thế về cơ sở vật chất, về mạng lưới bưu cục và điểm Bưu điện Văn hóa xã rộng khắp đến cơ sở, về đội ngũ nhân viên được đào tạo, có tinh thần thái độ phục vụ văn minh, lịch sự, Ngành Bưu điện sẽ thực hiện công tác chi trả với chất lượng phục vụ tốt hơn phương thức cũ.
Tuy nhiên, khi được thông tin về cách chi trả mới, không ít đối tượng thụ hưởng là cán bộ hưu trí và người nhận trợ cấp lại tỏ ra lo lắng. Đã quen với cách nhận tiền hàng tháng tại UBND xã, phường, họ e ngại phương thức mới sẽ có ảnh hưởng nhiều đến thời gian chi trả và tính đảm bảo.
Một số người hưởng thoạt nghe về cách chi trả mới, nghe lương hưu của mình được chi trả qua đường Bưu điện, họ khá hoang mang về thời gian và địa điểm nhận tiền và đã phản ứng: Sao không chi trả theo cách cũ? Chi trả theo đường Bưu điện có phải là người nhận tiền phải đến Bưu điện để lấy? Nếu vậy thật thì khá là bất tiện vì nhà tôi ở khá xa, sức khỏe lại yếu… Việc phản ứng của người hưởng như vậy cũng là đương nhiên do họ vẫn chưa hiểu cặn kẽ về phương thức chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua hệ thống Bưu điện.
Lãnh đạo BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh thống nhất, việc chi trả qua hệ thống Bưu điện ít nhất 2 tháng đầu khi chuyển giao cho Bưu điện vẫn sẽ giữ nguyên địa điểm và thời gian như trước đây nên thời gian, địa điểm nhận tiền của đối tượng hưởng chế độ sẽ không bị ảnh hưởng; sau 2 tháng Bưu điện sẽ tổ chức khảo sát, đề xuất phương án với BHXH tỉnh để hợp lý hóa các tổ bàn, thời gian chi trả tại một tổ bàn (có thể sẽ được quy định vào một ngày nào đó cố định trong tháng không kể đó là ngày nghỉ, Lễ, Tết), địa điểm chi trả sẽ điều chuyển phù hợp từ nhà cán bộ chi trả hoặc mượn nhà dân về hội trường UBND phường/xã, nhà văn hóa phố/thôn/xóm (là các địa điểm sinh hoạt cộng đồng) và các điểm giao dịch của Bưu điện trên địa bàn, đảm bảo không xa địa điểm cũ quá 2km.
Trước khi việc thay đổi được thực hiện, Bưu điện sẽ thông báo đến người hưởng lý do phải thay đổi để nhận được sự đồng tình ủng hộ. Việc thay đổi địa điểm phải tính đến điều kiện đi lại thuận tiện cho các đối tượng hưởng. Nếu đối tượng chưa đến nhận thì Bưu điện sẽ tổ chức chi trả tại các bưu cục gần nhất và tạo điều kiện thuận lợi nhất mỗi khi người hưởng đến lĩnh tiền, đặc biệt đối với những người bị đau, ốm, người cao tuổi sức khỏe yếu không đi được đăng ký với Bưu điện sẽ chi trả tại nhà mà không thu bất kỳ khoản phí nào.
Theo quy định của ngành BHXH khi đi lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH, người hưởng phải mang theo giấy tờ tùy thân có dán ảnh; trường hợp lĩnh thay phải có giấy ủy quyền. Tuy nhiên, trước đây các đại diện chi trả đã xuê xoa bỏ qua quy định này dẫn đến ở một số tỉnh thành có hiện tượng trục lợi, chiếm dụng tiền lương hưu và trợ cấp BHXH của các đối tượng hưởng.
Khi chuyển sang chi trả qua hệ thống Bưu điện, các quy định của ngành BHXH sẽ được thực hiện đầy đủ góp phần vào việc thực hiện nghiêm các quy định, chính sách của Nhà nước đối với người hưởng làm cho công tác chi trả được công khai minh bạch.
Như vậy, việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua hệ thống Bưu điện sẽ đảm bảo được các yêu cầu về: Kiểm soát được đối tượng hưởng, trả đúng, đủ số tiền cho người nhận; tránh được các trường hợp sai sót làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng hưởng, làm thất thoát nguồn tiền chi trả của Nhà nước.
Với cách chi trả qua hệ thống Bưu điện không chỉ phát huy lợi thế cơ sở vật chất, mạng lưới của ngành Bưu điện do Nhà nước đầu tư mà còn đảm bảo được quyền lợi của người hưởng và của BHXH các cấp.
Đồng thời, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp công ích được Nhà nước thành lập, việc đưa dịch vụ chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH cho một tổ chức chuyên nghiệp cũng là một bước thực hiện cải cách hành chính theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Nguyễn Hùng Sơn
(Giám đốc Bưu điện tỉnh)