Nhóm lại lửa cho lò gốm cổ
Không khó khăn để chúng tôi tìm được nhà nghệ nhân Phạm Văn Vang, bởi gọi là làng nghề nhưng thôn Bạch Liên bây giờ chỉ duy nhất có một hộ gia đình đang duy trì nghề nên khi hỏi thăm ai cũng biết.
Người ta nói anh Vang là "truyền nhân" của làng nghề Bồ Bát quả không sai. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về làng nghề gốm Bồ Bát anh trở nên linh hoạt hẳn. Theo như tài liệu và câu chuyện của anh thì nghề làm gốm Bồ Bát đã có trên 3.000 năm.
Vào thế kỷ thứ 9, thứ 10, những sản phẩm của làng gốm Bồ Bát rất được thịnh hành, những người thợ tài hoa của làng đã sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp như gạch đất nung "Đại Việt quốc quân thành chuyên" - loại gạch chuyên dùng để xây thành. Bên cạnh đó là những sản phẩm gốm tinh xảo như đầu rồng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng... Những sản phẩm của làng gốm Bồ Bát vinh dự được cung tiến vua Đinh nên làng từ đó có tên là Bát Cống.
Tuy nhiên vào năm 1010, những nghệ nhân giỏi của làng nghề đã theo triều đình nhà Lý dời đô về Thăng Long và định cư ở vùng ven sông Hồng, nơi có vùng đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và tạo nên làng gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng ngày nay.
Ngay đình làng Bát Tràng còn đôi câu đối ghi dấu việc chuyển cư này: "Bồ di thủ nghệ khai Đình vũ/ Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần". Có nghĩa là: Đem nghề nghiệp từ làng Bồ Bát ra đây để xây dựng đình miếu. Lòng dân thành kính tựa hương lan, dâng lên cúng thánh thần.).
Sau khi những nghệ nhân giỏi theo triều đình rời ra đất Thăng Long lập phường làm gốm mới, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống, dần dần những người ở lại chủ yếu cấy lúa, làm ruộng để sinh sống và lãng quên đi cái nghề từng hưng thịnh một thời. Nghề gốm sứ Bồ Bát đã bị "thất truyền" từ đó.
Và hơn một ngàn năm sau chính tại nơi đây đã xuất hiện một người con ưu tú với tình yêu quê hương đã nhóm lại ngọn lửa lò gốm cổ vốn đã nguội tắt, làm sống lại thương hiệu gốm cổ Bồ Bát lừng danh một thời. Vốn là con cháu của dòng họ Phạm, một dòng họ đang sinh sống và làm gốm tại Bát Tràng, cậu thiếu niên Phạm Văn Vang, năm 18 tuổi thay vì theo con đường học vấn như các bạn, anh khăn gói lên Bát Tràng để tầm sư học đạo, quyết tâm phục dựng lại làng nghề.
Biết được ý định của anh, người thầy dạy nghề cho anh đã không giữ bí quyết mà tận tình chỉ bảo. Qua 3 năm học nghề với sự cần cù chịu khó cộng hưởng với niềm đam mê và sự tài hoa ấn chứa trong tâm hồn người con quê hương Bồ Bát, anh đã nhanh chóng học được nghề gốm truyền thống.
Khi đã tự tin vào tay nghề của mình, anh thuê được lò riêng ngay tại Bát Tràng và tự chế tác các tác phẩm mang thương hiệu Bồ Bát để đi giới thiệu sản phẩm và mở được 150 địa điểm ký hợp đồng mua hàng và giới thiệu sản phẩm tại thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Loay hoay mở rộng làng nghề
Được sự ủng hộ của gia đình và người dân làng Bạch Liên, năm 2003 anh Vang đã quyết định về quê lập nghiệp và xây dựng được xưởng sản xuất gốm rộng hơn 300 mét vuông với hơn 20 thợ làm gốm tại chính gia đình của mình. Sau khi tìm hiểu kỹ về thị trường, anh Vang bàn với vợ vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng để đầu tư vào xưởng gốm, đồng thời anh tuyển 10 thanh niên gửi ra Bát Tràng học nghề để có nhân lực phục vụ sản xuất cho xưởng.
Đến năm 2009, khi sản phẩm gốm của anh đã có chỗ đứng, để có thêm người làm, anh Vang mở lớp dạy nghề và trực tiếp đứng ra giảng dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc ngay tại xưởng cho hơn 50 công nhân.
Sau hơn 10 năm dựng lại nghề gốm của cha ông, thương hiệu của gốm Bồ Bát dần được người tiêu dùng trong nước biết đến. Đặc biệt sản phẩm gốm Bồ Bát đã được tỉnh Ninh Bình chọn đi dự hội chợ triển lãm "Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội" chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào tháng 10 năm 2010, bản thân anh Vang được UBND tỉnh tặng danh hiệu Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ Ninh Bình năm 2013, nhiều năm liền sản phẩm của Doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát được Bộ Công thương vinh danh trong Lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia.
Mặc dù chặng đường hơn 10 năm không phải là ngắn nhưng sự thành công của nghệ nhân Phạm Văn Vang khi đưa nghề về nơi đã sinh ra nó vẫn đang dừng ở mức độ. Việc mở rộng quy mô làng nghề còn nhiều khó khăn. Khi chúng tôi đến thăm, xưởng gốm của anh vẫn sản xuất ngay tại nhà, gần khu dân cư.
Do đó, rất chật chội, đường sá đi lại nhỏ hẹp, xe cơ giới không vào được và đặc biệt là vấn đề môi trường; sản phẩm làm ra không có nơi để trưng bày giới thiệu...
Mong muốn của anh Vang là có được mặt bằng rộng rãi xa khu dân cư để thuận lợi cho sản xuất mặc dù đã được các ngành chấp thuận nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao thực địa. Bên cạnh đó, với quy mô nhỏ, lại là ngành thủ công mỹ nghệ nên việc thế chấp vay vốn ngân hàng với anh Vang hơn 10 năm qua vẫn là bài toán không có lời giải.
Chị Trang, vợ anh Vang giãi bày: "Chúng tôi chỉ làm nghề thôi chứ về năng lực quản lý doanh nghiệp, năng lực tài chính chúng tôi chưa được tiếp cận nhiều, nên còn không ít bỡ ngỡ". Quả đúng như vậy bởi vợ chồng anh vừa làm giám đốc, kế toán, vừa là nghệ nhân làm trực tiếp, vừa dạy nghề và kiêm luôn giao hàng, lái xe...Tôi đã bắt gặp hình ảnh 2 người trẻ lái chiếc xe tải nhỏ đi đổ hàng giữa trưa hè nhễ nhại mồ hôi...
Nhắc đến việc phát triển làng nghề với quy mô lớn, giọng anh Vang như trùng hẳn xuống. "Mặc dù rất tâm huyết với nghề cổ truyền và mong muốn đưa nghề gốm trở thành nghề chính của làng Bạch Liên như vốn có, tuy nhiên "một cây làm chẳng lên non...", thành công của tôi còn đang ở mức có giới hạn.
Nếu muốn nghề gốm phát triển với quy mô lớn cần phải có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền tạo điều kiện về vốn, mặt bằng...có chính sách thu hút đầu tư các doanh nghiệp, các hộ sản xuất có đủ năng lực tham gia vào các công đoạn của sản xuất và bao tiêu sản phẩm như các làng nghề gốm nổi tiếng khác", anh Vang chia sẻ.
Rời làng Bạch Liên, chúng tôi mang theo một câu hỏi lớn. Tính từ thời điểm anh Vang đưa nghề về làng đã hơn10 năm nhưng đến bây giờ làng nghề vẫn chỉ có duy nhất một hộ gia đình làm, nhiều người dân vẫn chưa mặn mà với nghề cổ truyền. Phải chăng sự vào cuộc của các cấp, các ngành còn đang dừng lại ở những chính sách chung với các làng nghề khác chứ chưa có chính sách đặc thù cho làng nghề gốm Bồ Bát?.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm