Bà Đinh Thị Thái, phố Bình Khang, phường Ninh Khánh cho rằng, việc quyết định xóa bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh dân nhân của Thủ tướng Chính phủ là hợp lý, vì hiện nay mỗi công dân đi đâu cũng phải mang theo khá nhiều loại giấy tờ, từ CMND, thẻ BHYT, bằng lái xe các loại... Đến khi cần làm một công việc gì đó thì khâu làm thủ tục cũng rất lâu, thời gian chờ đợi dài. Việc bỏ sổ hộ khẩu và CMND sẽ giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho nhiều khoản ngân sách, người dân cũng đỡ phải vất vả đi lại.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng, phố Phú Sơn, phường Nam Bình thì thông tin này đúng là sự đổi mới đột phá. Ông cho biết, gia đình ông đông con, cháu, mỗi khi có việc như làm thủ tục chuyển nhà, tách khẩu, việc đi cấp, xin, đổi sổ hộ khẩu, CMND rất mất thời gian vì nhiều thủ tục còn rườm rà, cần thêm nhiều loại giấy tờ, chứng nhận nọ kia rất vất vả. Theo ông Hùng, lẽ ra Chính phủ nên ra quyết định này sớm hơn, để theo kịp các nước tiên tiến. "Thời đại CNTT rồi nên cần phải thay đổi cho phù hợp. Một thời gian nữa, mỗi người dân chỉ cần có thẻ căn cước, mở máy tính ra là có thể biết mọi thông tin cá nhân về mình, khi thực hiện các thủ tục giao dịch, quản lý rất tiện lợi và nhanh chóng…" - ông Hùng vui vẻ cho biết thêm.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ cho việc bỏ sổ hộ khẩu và CMND thay bằng mã số định danh, nhiều người dân vẫn còn những băn khoăn, thắc mắc. Ông Nguyễn Tử Toán, xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình) cho rằng, việc không quản lý bằng sổ hộ khẩu hay CMND cũng có những bất cập, ví dụ như mỗi người chỉ có một mã định danh cá nhân, khi không may có việc gì xảy ra trên đường thì không ai biết mã căn cước của người đó là gì, lúc ấy giải quyết vấn đề như thế nào. Đấy là chưa kể, khi bỏ sổ hộ khẩu, Luật đất đai cũng sẽ phải điều chỉnh, các vấn đề, chính sách có liên quan tới hộ gia đình sẽ được nắm bắt, quản lý như thế nào?
Theo anh Đinh Trọng Khánh, phố Phong Quang, phường Nam Bình, phương án bỏ sổ hộ khẩu và CMND dường như không mấy khả quan, bởi lẽ, hệ thống máy tính ở các huyện, thành phố, đơn vị hành chính trong cả nước chưa đồng bộ. Cùng với đó là vấn đề quy hoạch đất đai cũng chưa bài bản; rồi còn các thủ tục để nhập học, thanh toán tiền điện, nước, BHYT… Rất nhiều công việc, thủ tục hành chính hiện nay còn cần đến CMND. "Theo tôi, vấn đề hiện nay là các thủ tục hành chính của chúng ta còn quá nhiều phiền hà, trước mắt cần phải giảm lược một số thủ tục không cần thiết, nâng cao trách nhiệm, tinh thần làm việc của cán bộ, công chức nhà nước, lúc đó việc quản lý các thủ tục hành chính cho công dân chắc sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn" - anh Khánh nêu ý kiến.
Được biết, với phương án được Chính phủ thông qua, các thủ tục cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy chứng minh nhân dân (9 số) đang được thực hiện tại công an cấp tỉnh, cấp huyện cũng sẽ được bãi bỏ. Theo đó, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ. Tương tự, việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn "sổ tạm trú" mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với việc bỏ "sổ hộ khẩu", các thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… cũng được bãi bỏ.
Đặc biệt, cùng với việc bãi bỏ "sổ hộ khẩu" và "giấy chứng minh nhân dân", các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân. Thậm chí trong một số tờ khai về lý lịch cá nhân, người dân sẽ không còn phải cung cấp các thông tin như ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú. Như vậy, sau khi bãi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, người dân sẽ sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cá nhân.
Về lộ trình bỏ sổ hộ khẩu giấy, Chính phủ giao Bộ Công an thực hiện dự án trong vòng 2 - 3 năm. Khi cơ sở dữ liệu quốc gia (gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ cập nhật các thông tin của công dân bao gồm: Họ tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, nơi đăng ký thường trú, chỗ ở hiện tại, mã số thuế cá nhân, số định danh cá nhân...) về dân cư hoàn thành, các bộ, ngành sẽ sử dụng nguồn tài nguyên thông tin này.
Hiện nay, để Nghị quyết 112/NQ-CP sớm đi vào cuộc sống, Bộ Công an đang khẩn trương xây dựng hệ thống dữ liệu chuẩn hóa, số hóa và lưu trữ quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương để phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công dân khi đến các cơ quan Nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: Họ tên, mã số định danh và chỗ ở. Theo lộ trình, đến đầu năm 2020, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ hoàn thiện, đưa vào vận hành khai thác.
Hạnh Chi