38 tuổi, anh Nguyễn Văn Hậu, xã Gia Thủy (huyện Nho Quan) đã là chủ một công ty may mặc ăn nên làm ra, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Nhìn lại chặng đường đã đi qua với quá nhiều thử thách, chông gai, anh Hậu cho rằng, chỉ cần có mục tiêu, có niềm tin và bền bỉ cố gắng sẽ thành công.
Về quê khởi nghiệp
Năm Canh Tý sắp qua. Cái lạnh giá hanh hao dần được thay thế bằng những làn mưa xuân giăng mắc. Chị Nguyễn Thị Bền, xã Gia Thủy (huyện Nho Quan) đi làm những buổi cuối cùng của năm với niềm vui lâng lâng, khó tả. Số tiền thưởng Tết mà công ty trao tặng hôm nay, chị Bền dự định sẽ sắm sửa quần áo mới cho con trẻ, biếu bố mẹ đôi bên chút quà… Điều mà dù có muốn lắm, nhưng nhiều năm qua chị vẫn chưa thực hiện được bởi cuộc sống còn quá khó khăn.
"Để có tiền nuôi con ăn học, ngoài làm ruộng, vợ chồng tôi thường xuyên phải đi làm ăn xa. Có những năm giáp Tết mới được về nhà, nhưng cuộc sống vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Năm vừa rồi tôi được Công ty May Vương Anh nhận vào làm. Từ một người nông dân chỉ biết đến đồng ruộng, nay tôi đã trở thành công nhân rồi. Khi mới vào làm, tôi được Công ty dạy nghề và bố trí việc làm phù hợp với mức lương ổn định. Đặc biệt là tôi vẫn có thể chăm sóc, dạy dỗ các con hằng ngày bởi được làm việc gần nhà. Cuộc sống vì thế mà được cải thiện rất nhiều về kinh tế và hạnh phúc gia đình. Năm nay, cả gia đình tôi sẽ đón một cái Tết đầm ấm, hạnh phúc nhất"- chị Bền xúc động chia sẻ.
Hàng trăm lao động nông thôn ở xã Gia Thủy, trong đó có nhiều người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đã được bố trí việc làm nhờ vào sự năng động, dám nghĩ dám làm của giám đốc trẻ Nguyễn Văn Hậu - một người con của quê hương Gia Thủy.
Chúng tôi gặp Nguyễn Văn Hậu tại nhà riêng vào một ngày cuối tháng Chạp. Anh chững chạc hơn nhiều so với cái tuổi 38. Với tác phong hoạt bát, thần thái tự tin anh Hậu dễ chiếm được thiện cảm của người mới gặp. Tôi nói: "Anh đúng là chân dung một ông chủ trẻ". Anh chỉ cười, nụ cười hiền khô: "Tôi tự thấy mình là một người tham công tiếc việc thôi. Thời gian với tôi lúc nào cũng ngắn ngủi, trong khi những việc muốn hoàn thành thì còn quá nhiều. Bởi vậy, muốn làm được nhiều việc thì phải… tăng tốc thôi". Cứ miệt mài như vậy, đạt được thành công này, anh Hậu lại tiếp tục đặt ra mục tiêu cho chặng đường tiếp theo. Nhưng như anh nói, chừng ấy thôi vẫn chưa đủ để anh báo đáp ân tình mảnh đất nơi mình sinh ra này. Nếu đại dịch COVID-19 đi qua, Công ty mở rộng sản xuất thì sẽ có thêm nhiều lao động địa phương nữa có việc làm với mức thu nhập đảm bảo được cuộc sống.
Bên ấm trà nóng, anh Hậu trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe về chặng đường anh đã đi qua. Anh được sinh ra trong một gia đình khó khăn ở xã Gia Thủy. Bố mất sớm, một mình mẹ anh tần tảo nuôi 6 anh, chị, em ăn học. Học hết THPT, anh Hậu rẽ ngang đi làm. "Đó là một quyết định khiến mẹ tôi đau lòng. Nhưng tôi không thể "bào mòn" sức khỏe của mẹ mãi được. Tôi phải đi làm để đỡ đần mẹ về kinh tế. Tôi sẽ học những kiến thức cần thiết từ trường đời. Tôi nói với mẹ như thế trước khi rời nhà để vào miền Nam."- anh Hậu kể.
Năm 2000, vào Nam với hai bàn tay trắng, thứ duy nhất mà anh Hậu có, đó là khát vọng lập nghiệp nơi đất khách. Nhưng lập nghiệp bằng con đường nào thì anh Hậu chưa thể nghĩ ra. Trước mắt, để có tiền sinh hoạt, anh Hậu xin đi làm công nhân cho một công ty may mặc. Đi làm rồi, anh Hậu mới nhận thấy đây là lĩnh vực rất tiềm năng. Anh đặt ra mục tiêu tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng để một ngày nào đó tự mở một xưởng may cho riêng mình. Nhưng cuộc sống không đơn giản chỉ có thế, không thể cứ mơ ước là sẽ thành hiện thực.
Anh Nguyễn Văn Hậu (áo trắng) trao đổi với công nhân về chuyên môn.
Năm 2005, với số tiền hơn 100 triệu đồng chắt bóp được, anh Hậu chung vốn đầu tư cùng với một người bạn bỗng chốc… bốc hơi. Biết bị lừa, nhưng anh cho rằng mình đã mua được một bài học. Anh thanh thản bắt tay gây dựng lại từ đầu, chậm hơn nhưng chắc chắn hơn. Để có thể lập nghiệp bằng nghề may mặc, anh Hậu vừa làm vừa học thêm kỹ thuật may. Khi tay nghề đã điêu luyện, được công ty cất nhắc lên vị trí trưởng phòng thì anh Hậu quyết định xin nghỉ việc để về quê, đó là năm 2009.
Với số tiền tích cóp được, anh Hậu vay mượn thêm anh em và ngân hàng để mua đất xây dựng nhà xưởng, thành lập Công ty May Vương Anh. Đi vào hoạt động, công việc chính của anh Hậu là tìm kiếm các đơn hàng gia công cho công ty khác, bởi ở thời điểm ấy, anh chưa có bạn hàng. Làm gia công, đương nhiên không có lãi, mức lương mà người lao động được hưởng cũng thấp. Trong khi đó, với trình độ tay nghề đồng đều, công nhân của Công ty hoàn toàn có thể hoàn thiện được sản phẩm đúng theo yêu cầu của đối tác. Bởi vậy, anh Hậu nỗ lực để tìm kiếm bạn hàng, mang về những hợp đồng bạc tỷ. Cứ như thế, bằng uy tín, dần dần, Công ty May Vương Anh có chỗ đứng vững trên thị trường.
Năm 2017, anh Hậu lại dành toàn bộ vốn, đầu tư 11 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất và nâng cấp các dây chuyền sản xuất đạt chuẩn công nghệ cao. Từ thời điểm này, sản phẩm của Công ty chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc với sản lượng mỗi tháng xuất khẩu từ 40-50 nghìn sản phẩm. Doanh thu hằng năm đạt từ 15-20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động, chủ yếu là lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2020, cũng như nhiều doanh nghiệp dệt may khác, Công ty May Vương Anh cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Để đảm bảo việc làm cho người lao động, anh Hậu xoay sở tìm kiếm các đơn hàng ngắn để có dòng vốn lưu động trả lương cho công nhân. Vì thế, người lao động vẫn có việc làm mặc dù thu nhập thấp hơn so với thời điểm trước. Tuy nhiên, đa số người lao động đều chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua chặng đường khó.
Chia sẻ về những dự định trước thềm năm mới, anh Nguyễn Văn Hậu cho biết: Chắc sẽ còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng tôi tin rằng mình sẽ vượt qua. Theo tìm hiểu, toàn xã hiện có trên 6 nghìn nhân khẩu, trong đó có trên 3 nghìn người trong độ tuổi lao động. Số lao động làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ trên 90%. Như vậy, đời sống của bà con phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, sẽ còn nhiều khó khăn. Với trách nhiệm của một người con của quê hương Gia Thủy, tôi sẽ cố gắng để tạo được việc làm nhiều hơn nữa cho người dân quê tôi, góp phần chia sẻ gánh nặng an sinh xã hội với địa phương.