Về Yên Khánh hôm nay, diện mạo nông thôn mới đã và đang được hình thành với những dãy nhà cao tầng, những con đường bê tông trải rộng, những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay cùng các tuyến kênh mương được xây dựng kiên cố chạy dài tít tắp… Đó là sản phẩm của bàn tay, khối óc, của cuộc đấu trí, đấu lực giữa con người với thiên nhiên và cũng là kết quả hành trình 55 năm (1959-2014) Yên Khánh làm theo lời Bác.
Vẹn nguyên ký ức ngày gặp Bác
Trong ngôi nhà nhỏ ở xóm Yên Cư 4 (Khánh Cư), bà Phạm Thị Hạnh say sưa kể chuyện về những lần được gặp Bác và chúng tôi cũng bị "cuốn" đi theo mạch cảm xúc thiêng liêng của bà. Bà Hạnh tâm sự: "Tôi không bao giờ nghĩ rằng trong cuộc đời mình được gặp Bác Hồ, thế nhưng lại được gặp Người tới hai lần! Đó là niềm hạnh phúc và vinh dự lớn lao mà không phải ai cũng có được. Lần đầu tiên là vào năm 1959 khi Bác về thăm Khánh Cư và lần thứ 2 là vào năm 1962, khi ấy tôi được gặp Bác tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc. Ngày 15-3-1959, Bác Hồ về thăm Khánh Cư là ngày ghi dấu nhiều kỷ niệm mà chúng tôi, những nông dân Khánh Cư suốt đời không quên. Cho đến tận bây giờ, hình ảnh và lời dạy của Bác vẫn in đậm trong tâm khảm của tôi".
Dù đã bước sang tuổi 86 nhưng bà Hạnh vẫn còn minh mẫn. Kể về kỷ niệm những lần được gặp Bác, gương mặt bà lộ rõ niềm vui, niềm tự hào. Bà Hạnh xúc động nhớ lại: Buổi tối trước ngày 15-3, khi họp chi bộ thôn, chúng tôi được thông báo là ngày mai sẽ có phái đoàn cao cấp về thăm. Thế rồi sáng hôm sau, tôi thấy bà con làng trên, xóm dưới ùa ra cánh đồng Chằm để đón Bác. Người ta hô to, Hồ Chủ tịch muôn năm! Những tiếng pháo tay không ngớt. Tôi cũng vội chạy ra cánh đồng Chằm phía trước nhà mình để được tận mắt nhìn thấy Bác. Gặp Bác, tôi không nghĩ Bác lại giản dị, gần gũi, thân thương đến thế. Bác trực tiếp xắn quần, lội xuống cánh đồng Chằm động viên, thăm hỏi bà con nông dân đang cùng bộ đội làm thủy lợi. Người động viên, khen ngợi đồng bào và bộ đội rất anh dũng lao động chống hạn cứu lúa, đồng thời căn dặn đồng bào "cố gắng làm thủy lợi để lấy nước cứu hàng vạn mẫu lúa và cày cấy hết số diện tích còn lại". Những hình ảnh, cử chỉ gần gũi, lời dạy cặn kẽ, chân tình của vị lãnh tụ tối cao khiến nhiều người cảm kích, xúc động và lấy đó làm gương để noi theo.
Trở lại Yên Khánh lần này, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc qua lời kể của những người từng được gặp Bác. Thực hiện lời căn dặn của Bác, nông dân Khánh Cư nói riêng, nông dân Yên Khánh nói chung với tinh thần một người làm việc bằng hai đã quyết tâm khai hoang mở rộng đất sản xuất, thâm canh tăng vụ. "Ruộng đồng không phụ nông phu", những con đê vững chắc đã khoanh vùng, khoanh thửa tạo nên cánh đồng lúa Yên Khánh thẳng cánh cò bay. Và chính từ những cánh đồng này, hạt lúa Yên Khánh không những đẩy lùi được cái đói, cái nghèo mà còn vươn ra xuất khẩu.
Những bước chuyển tích cực trong nông nghiệp
55 năm qua, trong hành trình làm theo lời Bác, Yên Khánh đã giành nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là từ một nền sản xuất nhỏ, mang tính tự cấp, tự túc, đến nay, đã phá được thế độc canh cây lúa; hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư, đưa nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa; năng suất, sản lượng lương thực năm sau cao hơn năm trước và tăng đồng đều ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện.
Đồng chí Vũ Thiện Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Có một vấn đề về nhận thức đã được xác định từ lâu, đó là sản xuất lúa của huyện trong những năm gần đây đã đạt "kịch trần" về năng suất. Nếu không thay đổi cơ cấu mùa vụ, không giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp thì nông dân khó giàu thêm được. Do vậy, con đường phát triển nông nghiệp mà Yên Khánh đã chọn trong nhiều năm qua, đó là tăng cường đầu tư sản xuất, chú trọng bao tiêu sản phẩm nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Để đầu tư, trước hết là phải làm thay đổi nhận thức của con người. Theo đó, huyện tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở, tăng cường chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân để nông dân thích ứng, tiếp cận nhanh với những mô hình mới như: sản xuất giống lúa chất lượng cao; xây dựng cánh đồng mẫu lớn; đưa cơ giới hóa vào sản xuất; hiện đại hóa khâu thu hoạch và bao tiêu sản phẩm…
Để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Yên Khánh tập trung dồn điền, đổi thửa, gắn với chỉnh trang đồng ruộng, bình quân giảm từ 4,7 thửa/hộ xuống còn 1,3-1,7 thửa/hộ. Hạ tầng giao thông, thủy lợi không ngừng được quan tâm đầu tư. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2011-2013), toàn huyện đã nâng cấp được 875 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 131km; nạo vét 37,2km kênh mương, trục tiêu chính; xây dựng kiên cố 11,35km kênh tưới; hệ thống các công trình thủy lợi được tu bổ, nâng cấp đảm bảo khả năng tưới tiêu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời phong trào đưa cơ giới hóa vào sản xuất được đẩy mạnh, đến nay toàn huyện có 117 máy gặt đập liên hợp, 130 máy thu hoạch nông sản cùng nhiều máy sấy, diện tích thu hoạch bằng máy đạt trên 42%, nhờ đó thu nhập của người dân được nâng lên từ 15-20%. Khi ruộng đã được dồn lại, không chỉ thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất mà nông dân có điều kiện đầu tư phát triển mô hình trang trại sản xuất tổng hợp lúa - cá - vịt. Đến nay, toàn huyện có 232 mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Nhờ có các quyết sách đúng đắn và kịp thời, Yên Khánh đã từng bước khai thác các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đưa huyện trở thành đơn vị đứng đầu trong tỉnh về sản xuất lúa chất lượng cao và xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, Yên Khánh đã nâng hệ số sử dụng đất từ 1 vụ lên 3 vụ/năm với tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện đạt trên 21 nghìn ha, trong đó diện tích lúa đạt 15 nghìn ha (diện tích lúa chất lượng cao đạt trên 10.249 ha, chiếm 66,42% diện tích lúa toàn huyện). Năm 2013, mô hình cánh đồng mẫu lớn đạt 1.000 ha; mô hình gieo sạ đạt 2.600 ha (tăng 2.250 ha so với năm 2010). Sản xuất lương thực không những đủ ăn mà còn tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 92 nghìn tấn/năm. Từng bước thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đến nay nhiều mặt hàng nông sản của huyện đã được bao tiêu sản phẩm như: ngô ngọt, bí xanh, khoai tây, dưa bao tử, cây trạch tả… Yên Khánh còn được biết đến với nghề sản xuất và chế biến nấm. Hiện nay, toàn huyện có 14 trang trại nấm với quy mô trên 2.000 m2 lán, trại với tổng sản lượng nấm tươi hàng năm đạt từ 2.000-2.500 tấn các loại. Nếu như năm 2008 giá trị 1 ha canh tác mới đạt 69 triệu đồng thì đến năm 2013 đã đạt 113 triệu đồng.
Sau 55 năm kể từ ngày Bác Hồ về thăm, thực hiện lời dạy của Người, Yên Khánh đã và đang tạo ra những bước chuyển tích cực trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, cuối năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 5,22%, giảm 3,22% so với năm 2012. Những kết quả trên là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Khánh tiếp tục phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Mai Lan