Phóng viên: Thưa bác sĩ, những ngày gần đây, công dân tỉnh Ninh Bình trở về ăn Tết từ nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có cả các tỉnh có dịch. Vậy có thể hiểu những trường hợp nào phải cách ly tại nhà hay khu cách ly tập trung?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Theo quy định, những trường hợp là F1 sẽ được đưa đi cách ly tập trung. Các trường hợp F2, F3 thực hiện cách ly tại nhà và nơi lưu trú. Đồng thời, những người về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội có ổ dịch, các địa bàn bị phong tỏa đều phải cách ly tập trung.
Cụ thể là, những người về từ địa phương có dịch nhưng chưa giãn cách xã hội thì được tự theo dõi sức khỏe ở nhà. Người từng có mặt vào thời gian mà F0 đã đến ở các địa điểm do Bộ Y tế thông báo đều phải khai báo cho cơ quan y tế địa phương và được cách ly tập trung hoặc tại nhà theo quy định.
Các trường hợp khác đều phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà và liên hệ với y tế địa phương khi có các triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực... để được tư vấn, hướng dẫn.
Cùng với các biện pháp cách ly tại cơ sở y tế, các biện pháp cách ly tại khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà và nơi lưu trú cần được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, từ đó mới ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Phóng viên: Vậy bác sĩ có thể nói rõ hơn về những địa phương, khu vực, địa điểm thuộc diện giãn cách xã hội hoặc phong tỏa để người dân nắm được và tự giác thực hiện?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Theo thông báo của Bộ Y tế, tính đến sáng 3/2, cả nước ghi nhận 310 ca nhiễm tại cộng đồng, ở 10 tỉnh, thành phố, gồm Hải Dương (226), Quảng Ninh (38), Hà Nội (21), Gia Lai (132), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), Bình Dương (4), TP. HCM, Hải Phòng, Bắc Giang, mỗi nơi có 1 ca.
Tính đến ngày 2/2, các địa phương thuộc diện giãn cách xã hội hoặc phong tỏa gồm: Tại tỉnh Quảng Ninh, có 2 địa phương cấp huyện là thị xã Đông Triều và huyện Vân Đồn. Trong đó, có 14 xã đang bị phong tỏa. Tại Hải Dương, có 6/12 đơn vị cấp huyện của tỉnh Hải Dương xuất hiện dịch bệnh, với trên 200 bệnh nhân, có hàng trăm nghìn người dân bị phong tỏa. Tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh từ ngày 28/1. Vì vậy, tất cả những ai trở về từ thành phố Chí Linh, thuộc tỉnh Hải Dương đều phải cách ly tập trung. Những người về Ninh Bình từ các địa phương khác thuộc tỉnh Hải Dương phải khai báo y tế để được tư vấn xem thuộc diện phải cách ly tại nhà hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà và nơi lưu trú.
Tại Hà Nội, mặc dù chưa có khu vực nào thực hiện giãn cách xã hội sau khi ghi nhận trên 20 ca bệnh, nhưng có 9 khu vực đang bị phong tỏa, bao gồm: Ngõ 86 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy; Thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh; Tòa nhà T6, khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng; Ngõ 92 đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy; Ngõ 49 phố Dịch Vọng, quận Cầu Giấy; Trường Tiểu học Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm; Nhà máy Z153, huyện Đông Anh; Trường Đại học FPT, huyện Thạch Thất; Chung cư Dream Land, quận Nam Từ Liêm.
Tại Hải Phòng, Bệnh viện Phụ sản tỉnh đang bị phong tỏa. Còn tại tỉnh Bình Dương, Đại học Thủ Dầu Một, một số tuyến đường, hẻm của phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, đã bị phong tỏa sau khi nữ sinh viên dương tính với SARS-CoV-2. Đồng thời, tỉnh Gia Lai đến nay đã phát hiện thêm các ca dương tính, khu vực xuất hiện các ca nhiễm đã mở rộng thêm 2 huyện, thành phố nữa. Trong đó, 2 vùng ghi nhận ca dương tính mới là thành phố Pleiku (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai) và huyện Phú Thiện (xã Ia Peng). 3 vùng còn lại đã được ghi nhận từ 3 ngày qua là thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa và huyện Krông Pa. Nhiều địa phương cấp xã ở tỉnh này hiện đã thực hiện giãn cách xã hội, một số khu vực bị phong tỏa.
Phóng viên: Tính đến chiều ngày 3/2, tỉnh Ninh Bình đang thực hiện cách ly, giám sát 2.114 trường hợp. Trong đó, 4 trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, có 184 trường hợp được cách ly tập trung. Số còn lại là 1.926 người được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà và nơi lưu trú? Vậy các trường hợp cách ly y tế hiện nay phải thực hiện trong bao nhiêu ngày, 14 hay 21 ngày, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Ngoài những trường hợp F1, những công người dân trở về Ninh Bình từ địa phương đang giãn cách xã hội có ổ dịch, hoặc địa bàn đang bị phong tỏa... cũng sẽ được đưa đi cách ly tập trung.
Theo quy định của Bộ Y tế, trong thực hiện tổng thể các biện pháp, thì biện pháp cách ly y tế trong vòng 14 ngày là đặc biệt quan trọng đối với những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh, trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch của các nước có dịch, đi qua vùng dịch....
Như vậy, hiện nay, chúng ta vẫn đang thực hiện quy định cách ly y tế trong vòng 14 ngày (trừ các địa phương có ca bệnh xác định thì thực hiện cách ly y tế trong vòng 21 ngày tại Văn bản số 22 ngày 31/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19).
Việc quản lý triệt để nguồn lây nhiễm chính là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Do đó, ngành Y tế Ninh Bình tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương, đơn vị tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện sớm và cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp có yếu tố dịch tễ và các ca nghi ngờ, mắc bệnh.
Đồng thời, các cơ sở y tế tổ chức các hình thức cách ly triệt để, đúng theo quy định để ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan ra cộng đồng... Việc giám sát chặt chẽ đối tượng, cách ly y tế kịp thời được xem là chìa khóa thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời điểm hiện nay.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ.
Hạnh Chi (thực hiện)