Rác và xử lý rác thải đang là vấn đề bức xúc của xã hội. Rác thải có nhiều loại và tùy theo tính chất, ngành sản xuất mà người ta chia ra thành các loại rác: Rác thải hữu cơ, kim loại, xỉ, đất đá; rác thải công nghiệp, sinh hoạt, y tế… ở vùng nông thôn, người ta tính bình quân trong một ngày, một người sử dụng và thải ra môi trường từ 0,6-0,7 kg rác.
Đặc điểm của rác thải sinh hoạt ở nước ta là không được phân loại từ hộ gia đình nên thành phần rác có nhiều loại khác nhau (chất thải hữu cơ, xương, bìa, giấy, nhựa, thủy tinh, gốm sứ, kim loại, đất đá…) nên việc xử lý rác hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa triệt để. Thu gom rác vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng việc xử lý rác đã thu gom được cũng chủ yếu vẫn là chôn lấp. Nguyên nhân có nhiều, song nổi lên vẫn là hạn chế ở công nghệ xử lý và vốn đầu tư.
Là người tâm huyết và có ý thức bảo vệ môi trường, trước thực trạng nêu trên, sau nhiều ngày tháng trăn trở, tìm tòi, tham quan, học hỏi, anh Phạm Văn Quang (DNTN cơ khí Xuân Quang - Bạch Đằng, Nam Thành, thành phố Ninh Bình) đã hình thành ý tưởng về một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt. Theo đó, rác từ bãi thu gom được chuyển đến máng cào bằng máy gạt hoặc máy xúc. Máng cào có nhiệm vụ chuyển rác, xé bọc nilon và chuyển tới băng tải sơ tuyển. Tại băng tải này, các loại đất, đá cỡ lớn được loại ra nhờ người lao động, còn các loại kim loại nhờ nam châm điện hút ra. Từ băng tải sơ tuyển, rác được đưa vào máy chém và chuyển đến sàng số 1, nhựa, hợp kim ra băng tải số 3, phần còn lại theo băng tải số 4 vào lò sấy quay. Rác được đốt một phần rồi theo băng tải số 5 ra sàng số 2, phần nhựa lại được thu hồi, số còn lại theo băng tải số 6 vào máy nghiền, sau đó chuyển vào Bunke… Anh Phạm Văn Quang cho biết: Công nghệ này có thể xử lý nhanh số lượng rác phát sinh, không dùng nước nên không gây ô nhiễm nguồn nước. Lò sấy quay sử dụng gió nóng, nhiệt tuần hoàn nên không thải khói bụi ra môi trường không khí, lại tiết kiệm nhiên liệu đốt. Máy nghiền dạng ly tâm, không sàng, triệt tiêu bụi trong khu vực sản xuất. Nếu xây dựng một nhà máy xử lý rác thải công suất 200 tấn/ngày thì cần có diện tích khoảng 2-3 ha, vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, sử dụng khoảng 30 lao động, năng lượng tiêu hao khoảng 15 kw điện và 10 kg than cho 1 tấn rác. Rác sinh hoạt sau khi xử lý sẽ có 2 thành phần chính là nhựa tổng hợp có thể tái chế làm các sản phẩm khác và bột tổng hợp có thể sử dụng trong các ngành công nghiệp, nhất là phân bón.
Tuy nhiên, qua tham quan mô hình, nhiều người vẫn còn băn khoăn: Chất thải là kim loại inox thì nam châm điện sao có thể loại bỏ được? Việc xử lý khói bụi trong lò sấy quay có đảm bảo ổn định; Việc đốt rác trong đó có ni lon, chất nhựa liệu có sinh ra khí độc gây tổn hại đến sức khỏe con người; Nguồn vốn, thiết bị có đảm bảo được không…? Đây mới chỉ là ý tưởng, mô hình, nhưng đã đề cập "trúng" đến vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Thiết nghĩ, các nhà khoa học, chuyên môn, nhà quản lý cũng như tác giả cần xem xét, nghiên cứu, đánh giá, bổ sung, hoàn chỉnh và nên chăng đầu tư xây dựng mô hình nhỏ, trước khi triển khai xây dựng nhà máy ở quy mô lớn.
Đinh Chúc