Đồng chí Trần Đức Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết, những ngày mới thành lập cả xã chỉ có vài chục hộ gia đình sống rải rác, tạm bợ, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Nhưng đến hôm nay dân số của Kim Đông đã tăng lên gấp vài chục lần so với những năm đầu thành lập với 800 hộ, gần 4.000 khẩu. Cũng giống như nhiều địa phương khác ở huyện Kim Sơn, số dân theo đạo Công giáo ở Kim Đông chiếm trên 40%.
Với đặc thù là vùng đất mặn không phù hợp với cây lúa và các cây rau màu khác, vì vậy sau một thời gian trồng lúa kém hiệu quả, Kim Đông mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm cho thấy kinh tế thủy hải sản là mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất của Kim Đông nên chính quyền xã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa mô hình kinh tế này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Giai đoạn từ 2001-2005, xã chuyển toàn bộ diện tích 1.036 mẫu đất trồng lúa, cói kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản. Để phục vụ kinh tế thủy hải sản, xã tổ chức đào đắp, nạo vét gần 20 nghìn m3 đất, thiết kế, xây dựng 97 kênh mương và 45 cống nội đồng để tưới tiêu cho các ao đầm. Ước tính tổng kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 1,5 tỷ đồng, chủ yếu là do nhân dân đóng góp. Một số loại thủy hải sản được đưa vào nuôi thả tại các ao, đầm địa phương là tôm càng xanh, tôm sú, cua xanh.
Từ năm 2002-2005 giá trị sản xuất thủy hải sản đạt khoảng 60 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay xã đang phối hợp với Trung tâm VAC VINA tổ chức nuôi thử nghiêm cá rô phi đơn tính, bước đầu cho hiệu quả khả quan và đang từng bước mở ra một hướng mới trong việc thực hiện mô hình nuôi luân canh trên địa bàn, tránh tình trạng để ao đầm "nghỉ". Ngoài nguồn thu nhập từ phát triển kinh tế thủy hải sản nhân dân địa phương còn tham gia làm dịch vụ thương mại và chế biến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói.
Cán bộ y tế xã khám sức khỏe cho nhân dân.
Kim Đông từ một vùng đất mở đầy nắng và gió nay đã trở thành một vùng đất trù phú, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Những năm đầu mới thành lập bình quân thu nhập của xã mới chỉ đạt 9 triệu đồng/ha/năm, bình quân thu nhập đầu người đạt 1,5 triệu đồng/người/năm thì giờ đây sau 10 năm, bình quân thu nhập của xã đã đạt 60 triệu đồng/ha/năm và thu nhập đầu người đạt gần 6 triệu đồng/người/năm.
Cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, diện mạo miền quê ven biển Kim Đông cũng đang từng ngày khởi sắc. Những ngôi trường nối tiếp nhau được xây dựng đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương. Trạm y tế xã vừa hoàn thành sẽ phục vụ tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nếu như cách đây 10 năm ở Kim Đông việc làm đường giao thông còn nhiều khó khăn thì hôm nay đến Kim Đông chúng tôi được tận mắt chứng kiến và đi trên những con đường bê tông phẳng lì, rộng rãi nối dài giữa làng trên, xóm dưới.
So với nhiều địa phương khác trong tỉnh thì Kim Đông vẫn còn là một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao do nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là do gặp thời thiết không thuận lợi dẫn đến thất thu trong nuôi trồng thủy hải sản. Để Kim Đông nhanh chóng thoát khỏi tình trạng tiềm năng thì dồi dào mà tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao như hiện nay thì giải pháp mà Đảng bộ xã đưa ra là tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo một cách đồng bộ, nâng cao đời sống nhân dân, trở thành nơi "đất lành chim đậu".
Kim Duyên