PV: Xin đồng chí cho biết mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016? Đ/c Đinh Thế Thập: Cuộc Tổng điều tra lần này là nhằm thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản (sau đây gọi tắt là nông nghiệp) và nông thôn ở nước ta nhằm đáp ứng ba mục đích chính: Phục vụ đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương; phục vụ đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu khu vực nông nghiệp và nông thôn; xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp và nông thôn, phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu và làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hàng năm và các yêu cầu thống kê khác.
Cuộc Tổng điều tra lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng là phục vụ đắc lực cho Chính phủ và chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra. Tổng điều tra tiến hành thu thập 3 nhóm thông tin chủ yếu là thông tin về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thông tin về nông thôn và thông tin về cư dân nông thôn.
Như vậy, kết quả của cuộc Tổng điều tra sẽ mô tả một bức tranh tổng quát về sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn của cả nước cũng như của từng địa phương.
Thông qua kết quả cuộc Tổng điều tra, chúng ta có thể phân tích đánh giá được thực trạng nền sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản và xu hướng dịch chuyển của nó, trình độ sản xuất nông nghiệp của cả nước cũng như của từng địa phương đang ở vị trí nào, xu hướng dịch chuyển theo hướng nào; đồng thời cũng đánh giá tình hình kết cấu hạ tầng và kinh tế ở nông thôn thế nào, điều kiện sống của cư dân ở nông thôn, từ đó giúp cho Đảng, Chính phủ, các địa phương có căn cứ thực tế và khoa học để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đưa ra những quyết sách phát triển đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống dân cư ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới nói riêng trong giai đoạn tiếp theo.
Cũng thông qua kết quả cuộc Tổng điều tra giúp cho Đảng, Chính phủ, các địa phương giám sát, đánh giá xem việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chính sách phát triển của giai đoạn trước thực hiện đến đâu, từ đó rút ra những kinh nghiệm từ thực tế để kịp thời điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bổ sung lý luận được rút ra từ thực tế.
PV: Vậy, kế hoạch thực hiện cuộc Tổng điều tra của tỉnh như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Đinh Thế Thập: Thực hiện Quyết định 1225/QĐ-TTg ngày 31-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016; căn cứ Phương án Tổng điều tra ban hành kèm theo Quyết định số 334/QĐ-BKHĐT ngày 22-3-2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Ban chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cuộc Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh chi tiết từng công việc, trong từng thời gian cụ thể để từ đó triển khai thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra. Thời gian từ tháng 2-2016 và sẽ kết thúc vào tháng 10 tới.
PV: Thưa đồng chí cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản lần này có gì khác và mới so với các lần trước?
Đ/c Đinh Thế Thập: Đây là lần thứ 5 thực hiện cuộc điều tra này ( 4 lần trước vào các năm 1994, 2001, 2006, 2011). Nhìn chung, về cơ bản nội dung là giống nhau; tuy nhiên mỗi năm theo nhu cầu đòi hỏi thông tin phù hợp với tình hình thực tế nên có những điều chỉnh và bổ sung.
Cuộc Tổng điều tra năm nay có những nét mới sau: Đối với các hộ ở khu vực thành thị có tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phải đảm bảo quy mô do Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương quy định thì mới tiến hành điều tra thu thập thông tin (hộ có hoạt động trồng, thu hoạch sản phẩm cây nông nghiệp, cây hàng năm, cây lâu năm và có sử dụng đất sản xuất nông nghiệp từ 300 m2 trở lên; hộ chăn nuôi từ 1 con trâu, bò hoặc từ 2 con dê, cừu, lợn hoặc từ 30 con gia cầm trở lên; hộ có hoạt động dịch vụ nông nghiệp có ít nhất 1 lao động chuyên thực hiện các hoạt động dịch vụ trên; hộ có hoạt động trồng hoặc chăm sóc cây lâm nghiệp và có diện tích đất lâm nghiệp từ 5.000 m2 trở lên; hộ dịch vụ lâm nghiệp có ít nhất 1 lao động chuyên thực hiện các hoạt động dịch vụ trên; hộ có hoạt động nuôi trồng các loại thủy sản và có từ 300 m2 đất nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh trở lên hoặc có lồng bè nuôi thủy sản; hộ có hoạt động ươm nuôi giống thủy sản có ít nhất 1 lao động chuyên thực hiện hoạt động ươm nuôi giống thủy sản; hộ có hoạt động khai thác thủy sản và có từ 1 tàu thuyền có động cơ trở lên chuyên khai thác thủy sản; hoặc hộ có ít nhất 1 lao động chuyên khai thác thủy sản).
Điều tra thu thập thông tin kết quả hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở cả các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Bổ sung thêm thu thập thông tin đánh giá kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thực hiện thêm một số nội dung điều tra thứ cấp như: số lao động sống tập thể trong khu nhà ở cho công nhân làm việc trong khu/cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn; xã đạt các tiêu chí nông thôn mới; cánh đồng mẫu lớn; sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Đối với hộ được chọn điều tra mẫu thì sẽ thực hiện 1 loại phiếu, trong đó đã được ghép nội dung của phiếu điều tra dành cho hộ điều tra toàn bộ và nội dung phiếu điều tra chuyên sâu cho hộ mẫu (trước đây hộ được chọn mẫu phải thực hiện 2 loại phiếu khác nhau).
Công tác phúc tra đánh giá mức độ sai số của thông tin điều tra trước đây giao cho các địa phương tự tổ chức, nay công tác phúc tra do Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương sẽ thực hiện.
PV: Để cuộc Tổng điều tra thành công, theo đồng chí phải đảm bảo các yếu tố gì?
Đ/c Đinh Thế Thập: Trong các cuộc điều tra thống kê nói chung và cuộc Tổng điều tra lần này nói riêng thì kết quả cuộc điều tra có đầy đủ hay không? Có chính xác hay không? phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên có hai yếu tố chính ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều tra đó là do trình độ, năng lực của điều tra viên (người trực tiếp thu thập thông tin) và do trách nhiệm của người cung cấp thông tin (đối tượng điều tra).
Nếu điều tra viên mà không có trình độ, năng lực, hiểu biết thì sẽ rất khó trong việc đặt câu hỏi để thu thập được thông tin, không giải thích được nội dung các chỉ tiêu trong phiếu cho người cung cấp thông tin hiểu để trả lời đúng theo nội dung của cuộc điều tra yêu cầu dẫn đến kết quả không đạt yêu cầu. Nếu người cung cấp thông tin mà không hợp tác với điều tra viên hoặc khai thông tin không đúng sự thật thì cũng dẫn đến số liệu bị sai lệch.
Do đó, yêu cầu đặt ra là điều tra viên phải là những người có sức khỏe, có thời gian đủ để tham gia Tổng điều tra, có trình độ đủ để tiếp thu và thực hiện tốt các quy định trong quy trình thu thập thông tin của điều tra viên và kiểm tra của tổ trưởng; có kinh nghiệm và hiểu biết về lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nông thôn, nông dân và đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương; nhiệt tình và có trách nhiệm đối với công việc được phân công; phải tham gia đầy đủ thời gian tập huấn, nghiên cứu nắm chắc nghiệp vụ điều tra để thực hiện thống nhất trong cả nước.
Còn đối với người cung cấp thông tin cần hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra để tích cực ủng hộ, vận động mọi người dân xung quanh thấy được trách nhiệm của mình là phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho điều tra viên.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc (thực hiện)