Ngành ngân hàng tích cực triển khai Ngay sau khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành được ban hành, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh cùng với lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và UBND huyện Kim Sơn đã làm việc, tiếp cận khách hàng có nhu cầu vay vốn Ngân hàng đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt hải sản xa bờ.
Đồng thời tuyên truyền các chính sách, hướng dẫn làm rõ những ý kiến của khách hàng về chính sách tín dụng, nguyên tắc và điều kiện, trình tự, thủ tục hồ sơ vay vốn ngân hàng.
Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thuơng mại nghiêm túc thực hiện, chủ động tiếp cận khách hàng để xem xét, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục, hồ sơ.
Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên tổ chức hội nghị với giám đốc các chi nhánh Ngân hàng thương mại để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục và thẩm định hồ sơ vay vốn.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng giao trách nhiệm cụ thể cho từng chi nhánh có trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý hồ sơ vay vốn của một khách hàng.
Đến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn các chủ tàu tiếp tục bổ sung, hoàn thành các thủ tục hồ sơ dự án, hồ sơ vay vốn. Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình đã tiếp nhận hồ sơ vay vốn của chủ tàu Trần Văn Diệm ở huyện Kim Sơn.
Chi nhánh đang tích cực thẩm định giá trị dự toán con tàu đóng mới của đơn vị thẩm định giá, chỉnh sửa bổ sung một số nội dung của hồ sơ dự án làm cơ sở để Ngân hàng thẩm định hồ sơ vay vốn.
Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Ninh Bình cũng đã tiếp nhận hồ sơ vay vốn và đang tiến hành thẩm định xem xét phương án vay vốn của chủ tàu Nguyễn Văn Dụng. Chi nhánh Ngân hàng Công thương Ninh Bình và Tam Điệp cũng đã tiếp nhận hồ sơ của chủ tàu Trần Viết Hải.
Riêng đối với Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Tam Điệp thì đến nay chủ tàu vẫn chưa cung cấp cho chi nhánh các giấy tờ cần thiết như: Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án đóng tàu, phương án sản xuất, kinh doanh, phương án trả nợ; hợp đồng đóng mới giữa chủ tàu và đơn vị thi công đóng tàu; dự toán đóng tàu và mua sắm máy móc, ngư cụ phục vụ đánh bắt hải sản; thiết kế đóng tàu được phê duyệt bởi cơ quan đăng kiểm; hợp đồng giám sát ký giữa cơ quan đăng kiểm với chủ tàu hoặc cơ sở đóng tàu; chứng minh được phần vốn tự có đủ theo quy định.
Nhưng ngư dân còn nhiều trở ngại
Sau 2 năm tích cực triển khai, hợp đồng tín dụng đầu tiên đã được ký kết giữa Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT chi nhánh Ninh Bình và chủ tàu Trần Văn Diệm (Kim Sơn). Con tàu này được kết cấu bằng vỏ thép nghề lưới rê có chiều dài 29,5m, rộng 7,4m, cao 3,1m; trọng tải 238 tấn; sử dụng 2 động cơ Yan-mar có tổng công suất 1055 CV; lưới khai thác của tàu có chiều dài 14 hải lý.
Tàu có khả năng hoạt động trên biển từ 30 - 50 ngày với sức chứa 14 thuyền viên, tàu có thể chịu đựng được sóng gió cấp 9. Tàu được trang bị các thiết bị hàng hải hiện đại, có khả năng nhận dạng định vị, phối hợp với các trạm duyên hải.
Tuy nhiên, khi triển khai Nghị định 67, nhiều chi nhánh ngân hàng đã có chung nhận xét là ngư dân thờ ơ với dự án. Lãnh đạo một Chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho biết: Nhiều lần phía ngân hàng chủ động hẹn làm việc với chủ tàu nhưng do chủ tàu làm ăn xa nên thiếu sự quan tâm và không mấy mặn mà với dự án này.
Tìm hiểu nguyên nhân chúng tôi được biết, một trong những căn cứ để ngư dân được vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ là các chủ tàu cá phải chứng minh được hoạt động có hiệu quả.
Tuy nhiên, tại Kim Sơn hiện có khoảng trên 1 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực khai thác hải sản, nhưng chủ yếu là đánh bắt ven bờ.
Mặt khác, người lao động trong lĩnh vực này chủ yếu đi làm thuê cho các chủ tàu ở các tỉnh khác hoặc làm nghề thợ lặn, nuôi trồng thủy sản ở địa phương, hầu như chưa có kinh nghiệm điều hành, quản lý kinh tế một con tàu lớn.
Cũng theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngư dân muốn vay vốn ưu đãi để đóng tàu phải bỏ ra 30% vốn đối ứng (với tàu gỗ) hoặc 5% (với tàu vỏ thép). Đây là quy định cần thiết nhằm sàng lọc những chủ tàu có năng lực, đồng thời làm tăng trách nhiệm của chủ tàu với đồng vốn vay. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những trở ngại chính của ngư dân trong tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67.
Về vấn đề này, lãnh đạo địa phương cũng như phía Sở Nông nghiệp & PTNT cũng thừa nhận, ngư dân rất hồ hởi khi nghe nói về việc vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, vì nghĩ được Chính phủ tài trợ cho vay đóng tàu. Song khi nghe ngân hàng hướng dẫn, biết đây là vốn vay thương mại và đòi hỏi phải có vốn đối ứng thì họ đã chùn chân.
Thừa nhận tình trạng trên, một chủ tàu xin vay vốn chia sẻ: Rất nhiều ngư dân trong vùng muốn vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, song số hộ đủ điều kiện không nhiều, vì không phải ai cũng có vài tỷ đồng làm vốn đối ứng. Bên cạnh đó, chủ tàu chứng minh được năng lực tài sản và nguồn vốn tự có tham gia dự án rất khó khăn.
Ngoài ra, hầu hết chủ tàu ở Ninh Bình đều thiếu kinh nghiệm về quản lý tài chính nên khi lập các dự án vay vốn thì phương án sản xuất, kinh doanh sơ sài, thiếu nội dung không có cơ sở để thẩm định hiệu quả và khả năng hoàn trả vốn vay.
Được biết, ngoài thiếu vốn đối ứng, nhiều hộ dân không muốn đăng ký vay vốn đóng tàu theo chương trình này, bởi Nghị định 67 yêu cầu khắt khe về mẫu tàu, máy tàu. Hiện toàn tỉnh chỉ có 6 tàu đánh bắt xa bờ có công suất máy từ 110 - 450 mã lực.
Trong khi đó một trong những điều kiện cứng để ngư dân được hưởng hỗ trợ là tàu phải có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp & PTNT có đưa ra 21 mẫu tàu nhưng do mỗi chủ tàu lại có một kinh nghiệm riêng, ngư trường đặc thù riêng nên ngư dân muốn đóng tàu phù hợp với mỗi hoàn cảnh nên việc đóng tàu sẽ kéo dài thời gian do điều chỉnh thiết kế hoặc đơn vị thiết kế lại không có trong danh sách các công ty thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép theo Quyết định của Bộ Nông nghiệp & PTNT.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng có thể khẳng định nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67, nhiều ngư dân đã thực hiện được ước mong đóng được con tàu công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi bám biển.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết thời gian tới Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp & PTNT, huyện Kim Sơn tăng cường tuyên truyền để người dân nắm rõ về nội dung, quy định, quy trình, hồ sơ, thủ tục, từ đó lựa chọn nhóm chính sách phù hợp với điều kiện thực tế.
Bảo Yến