"Gắn bó với nghề, mỗi người thợ điện phải chấp nhận vất vả, nhọc nhằn, thậm chí là rủi ro có thể xảy đến với mình bất cứ lúc nào..." - Đó là tâm sự của nhiều thợ điện về công việc của mình. Với họ, đơn giản đó là một nghề yêu thích, hoặc một nghề để kiếm sống, nhưng hơn ai hết, các anh hiểu rõ những vất vả, nguy hiểm của nghề cũng sẽ được người dân ghi nhận. Vì vậy, hàng ngày, hàng giờ, những người có khuôn mặt rám nắng, làn da đen xạm trong bộ quần áo màu cam ấy vẫn luôn nỗ lực, cố gắng để gắn bó với nghề, hoàn thành nhiệm vụ được giao, giúp các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, giúp người dân yên tâm sinh hoạt, sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhân viên Đội Trung gian Tràng An, Điện lực Hoa Lư (Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình) đã có 14 năm gắn bó với nghề thợ điện. Là người trực tiếp khắc phục rất nhiều sự cố về điện trên các tuyến đường, các khu du lịch, có biết bao kỷ niệm vui, buồn và cả hiểm nguy, nhưng anh Tuấn suy nghĩ sẽ vẫn trụ lại với nghề này. "Làm nghề này rất vất vả, nghề phục vụ mà. Bất kể ngày hay đêm, khi nào xảy ra sự cố là chúng tôi phải khẩn trương vác ba lô đồ nghề đến nơi ấy để khắc phục. Bởi chỉ cần đến chậm, điện lâu hoạt động trở lại là ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh, đến các hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và sinh hoạt thường nhật của người dân, đôi khi kéo theo những thiệt hại lớn về kinh tế... Vậy nên, mỗi người thợ điện, ngoài nhiệm vụ với công việc được giao còn cả trách nhiệm với cộng đồng, không để ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân..." - anh Tuấn chia sẻ thêm.
Theo anh Đinh Văn Thái, nhân viên Đội sửa chữa Điện lực thành phố Ninh Bình, nghề thợ điện cũng gần như nghề "làm dâu trăm họ". Chúng tôi luôn phải trực sẵn sàng chiến đấu, cứ nơi nào người dân báo bị mất điện là chúng tôi phải tức tốc đến ngay. Có những tình huống bất ngờ, bị ức chế mà không dám nói to, cự cãi. Rồi anh kể câu chuyện một hộ dân bị mất điện đúng lúc sát giờ con đi học và đến giờ đi làm. Không thể mở được cửa cuốn bằng điện do mất điện, gia đình điện thoại yêu cầu có thợ đến khắc phục ngay. Chỉ vài phút sau là thợ điện có mặt, nhưng vẫn bị ca thán là chậm trễ. Đặc biệt hơn, ngôi nhà kín cổng không thể vào để sửa được điện do đường dây của gia đình bị hỏng. Lúc này người thợ điện phải trèo qua tường cao, đi lên cửa phụ của gia đình để xuống sửa điện trong sự mong ngóng, lo lắng của các cháu bé sợ muộn học. Các thành viên trong gia đình sốt ruột liên tục giục giã, hỏi han bao giờ khắc phục được khiến chúng tôi cũng rối tinh lên. Chưa kể vào mùa mưa bão, cây cối, đèn đường gẫy đổ chồng lên dây điện hoặc mái tôn, biển hiệu quảng cáo rơi làm đứt đường dây, rồi dây điện cùng với cáp viễn thông chồng chéo…, chúng tôi phải tăng cường lực lượng, khẩn trương khắc phục kịp thời những sự cố và cảnh báo người dân về sự nguy hiểm, tránh xa những đoạn mạch điện bị hở hoặc cột điện có nguy cơ đổ, ngã....
Theo nhiều thợ điện, những sự cố về điện có thể xảy ra bất cứ vào thời điểm nào, mùa nào trong năm, nhưng nhiều hơn cả là mùa mưa bão và những thời điểm nắng nóng. Đối với mùa nắng nóng thì xảy ra tình trạng quá tải, cháy, nổ đường dây..., do diễn biến phức tạp của thời tiết; vào mùa mưa bão, lũ lụt thì do gió giật gẫy, đổ, đứt, ngập lụt hệ thống trụ điện, đường dây. Và dù có mùa nào, thời điểm nào thì mỗi người thợ điện luôn phải đặt ra mục tiêu cho mình phải khắc phục nhanh, hoàn thiện gấp nhưng vẫn phải đảm bảo độ an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Ông Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Điện lực Nho Quan cho biết: Là địa bàn vùng núi nên đối với mỗi người thợ điện ở huyện Nho Quan như vất vả và nhọc nhằn hơn, nhất là khi thực hiện lắp mới và khắc phục sự cố điện ở những bản vùng sâu vùng xa của huyện. Khi thực hiện những nhiệm vụ này, điều đầu tiên là họ phải phát quang cây xanh, bụi rậm để giữ khoảng cách an toàn, phải thận trọng với ong, muỗi đốt, hoặc có thể rắn cắn... Với địa hình rừng núi, nhiều đèo dốc, trong quá trình kéo dây điện, lắp máy, chôn cột... nặng hàng tạ, hàng tấn, anh em trong đội thực sự mệt và mất sức. Đấy là chưa kể chỉ cần lơ là là không may xảy ra những tai nạn khó lường trong quá trình lắp ráp, sửa chữa điện, có thể bị thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình có trên 800 cán bộ, nhân viên, trong đó có trên 300 công nhân kỹ thuật. Đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Điện lực ngoài chế độ lương, tùy vào nhiệm vụ, công việc còn có thêm các phụ cấp khác như: Thưởng vận hành an toàn điện, phụ cấp lưu động, phụ cấp xăng xe, tiền ăn ca, thưởng đột xuất do nắng nóng, mưa bão... Đời sống những người thợ điện khá ổn định do sản xuất kinh doanh của ngành Điện ngày càng phát triển. Tuy nhiên, những nhọc nhằn, vất vả của nghề luôn đồng hành cùng niềm vui khi các sự cố về điện được khắc phục, những nơi chưa có điện được các anh "đưa" ánh sáng về, mang lại niềm vui trong ánh mắt em thơ, nụ cười rạng ngời những người cao tuổi...
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh