Đó là thời khắc huy hoàng của lịch sử dân tộc 70 năm về trước để bây giờ mỗi người Việt Nam như vẫn còn thấy khi nhắc đến mùa thu huyền thoại ấy. Dọc theo đường khởi nghĩa từ chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu đến chợ Me (Gia Viễn) rồi thành phố Ninh Bình, gặp gỡ những nhân chứng lịch sử đã từng tham gia trực tiếp vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, hai mùa thu xưa và nay như quyện hòa trong nghĩ suy của chúng tôi. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi trong hành trình về nguồn dọc đường khởi nghĩa là chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu, nơi còn khá nhiều gia đình có người là lão thành cách mạng mà cả cuộc đời họ đã cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của quê hương. Chúng tôi đã có một câu chuyện đầy xúc động với cụ Lương Văn Tại, người trực tiếp tham gia phong trào kháng Nhật, giành chính quyền tại Quỳnh Lưu. Trong câu chuyện với chúng tôi, cụ Tại không giấu nổi xúc động khi nhắc đến sự hy sinh của anh trai mình trong cao trào kháng Nhật cứu nước, phá kho thóc chia cho dân nghèo. Lúc đó cụ Tại cũng đang làm nhiệm vụ tại đội tự vệ Lũ Phong. Cụ kể với chúng tôi: Sau khi đã phá kho thóc ở nhà phó Trạch ở thôn Sưa chia cho người dân, quần chúng nhân dân đã phá các kho thóc ở các làng khác với một khí thế sôi sục. Đến đầu làng Lũ Phong, địch kéo đến, anh Tài thuyết phục kêu gọi binh lính địch "Người Việt Nam không bắn người Việt nam" nhưng địch vẫn nổ súng bắn vào anh Tài. Tôi nhớ trước khi hy sinh anh còn dặn "Hãy trả thù cho tôi". Lời nói và sự hy sinh anh dũng của anh khiến cho cả đoàn người sôi sục căm thù, với vũ khí thô sơ giáo mác, đòn gánh ào ào xông lên đánh địch. Lúc anh trai hy sinh, tôi đã khóc nhưng rồi tự bảo với lòng mình phải chiến đấu để xứng đáng với sự hy sinh của anh. Cụ Tại cho biết, cuộc nổi dậy phá kho thóc Nhật tại Quỳnh Lưu đã giành được thắng lợi, cứu hàng vạn người khỏi cảnh chết đói, phong trào cách mạng được nâng lên, tinh thần đấu tranh của nhân dân được đẩy cao, tạo những tiền đề cần thiết, sẵn sàng chuẩn bị cho việc giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Rồi cụ say sưa kể về chuyện kháng Nhật, chuyện giành chính quyền tại Quỳnh Lưu năm xưa. Cụ bảo cuộc sống bây giờ đổi thay gấp trăm gấp nghìn lần ngày xưa. Quỳnh Lưu hôm nay sau 70 năm kể từ ngày thu lịch sử ấy, những cái tên Vườn Hồ, Đồi Riềng, Đồi Son, Đồi Đô vẫn còn vang vọng tiếng súng đánh Nhật năm nào. Chỉ có khác là những con đường nhỏ lầy lội khi xưa đã được thay thế bằng những con đường bê tông thẳng tắp. Ngay tại Đồi Đô nơi các chiến sỹ năm xưa chiến đấu anh dũng nay lừng lững đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ để các anh dõi theo sự phát triển đổi mới của quê hương. Cũng tại nơi đây, nhiều công trình như nhà văn hóa xã, sân vận động, trụ sở ủy ban...đã được xây dựng khang trang.
Về chợ Me (thị trấn Me- Gia Viễn) trong những ngày thu lịch sử giữa buổi chợ phiên đang tấp nập người mua, người bán, cụ Đoàn Minh Tân, lão thành cách mạng ở thôn Bích sơn, xã Gia Vân nhấp chén chè nóng, cùng chúng tôi ôn lại trang sử hào hùng của địa điểm được coi là giành chính quyền đầu tiên trong tỉnh: Cách đây 70 năm, vào đúng phiên chợ Me 12-7 âm lịch (tức ngày 19-8), lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và quần chúng cách mạng từ khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, Lỗi Sơn, Ngọc Động, Sinh Dược… đã kéo lên huyện lỵ. Từng tốp 5- 7 người đi lẫn vào dòng người đổ về chợ Me. Khi lực lượng đã tập hợp đông đủ, lệnh tấn công chiếm huyện lỵ được phát ra. Lực lượng cách mạng phát loa kêu gọi nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong thời gian ngắn, do có sự chuẩn bị chu đáo và sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy nên cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng giành thắng lợi. Từ chợ Me, lực lượng tham gia khởi nghĩa đã tỏa về các làng, xã biểu dương lực lượng. Cụ Tân xúc động: Lúc đó tôi là người trực tiếp tham gia vào đoàn người vào chiếm huyện lị. Sáng ngày 19-8 ta đã làm chủ huyện lỵ, cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ, quần chúng nhân dân đi chợ Me kéo đến dự mít tinh rất đông. Tin khởi nghĩa giành chính quyền huyện Gia Viễn thắng lợi lan nhanh khắp tỉnh, nhân dân vô cùng phấn khởi. Ngay chiều 19-8-1945, một số thanh niên yêu nước ở thị trấn Nho Quan đã cùng với quần chúng trương cờ đỏ sao vàng, thuyết phục lính bảo an, quân Nhật án binh bất động, binh lính trong trại hạ súng đầu hàng. Quân khởi nghĩa đã tịch thu hơn 20 khẩu súng đưa về chiến khu. Sáng ngày 20-8-1945, Tỉnh ủy cử cán bộ Việt Minh về Nho Quan huy động nhân dân thị trấn và các xã lân cận kéo về giành chính quyền huyện, tổ chức mít tinh tuyên bố: Nho Quan hoàn toàn giải phóng. Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Gia Viễn, Nho Quan làm nức lòng nhân dân cả tỉnh.
Điểm dừng chân cuối cùng theo dọc đường khởi nghĩa của chúng tôi là thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình), nơi đã ghi lại một dấu mốc quan trọng trong lịch sử bằng sự kiện xóa bỏ chính quyền tay sai cấp tỉnh, kêu gọi quần chúng ủng hộ Việt Minh, giữ gìn trật tự. Theo dòng cảm xúc của khí phách hào hùng kháng Nhật nơi chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu rồi đến thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại thị trấn Me, chúng tôi tìm đến nhà cụ Trương Thị Quý (Phường Thanh Bình), lão thành cách mạng 87 tuổi đời, 67 tuổi Đảng, đã tham gia trong đội quân cách mạng giành chính quyền tỉnh lỵ tại thị xã Ninh Bình. Trong câu chuyện với chúng tôi, ký ức của ngày 20-8-1945 trong cụ như hiển hiện rõ từng phút, từng giây "Đó là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi. Ngày hôm đó khi huyện trưởng Gia Khánh đầu hàng trước sức mạnh như vũ bão của quần chúng cách mạng, mỗi người chúng tôi ai cũng hân hoan, náo nức trong không khí chiến thắng. Tôi cảm thấy tự hào hơn bao giờ hết khi chính mình được tham gia vào cuộc giành chính quyền tỉnh lỵ, xóa bỏ chính quyền tay sai cấp tỉnh". Bây giờ cụ Quý thỉnh thoảng vẫn hay đi dạo trên những con đường quen thuộc của thị xã Ninh Bình ngày xưa để ôn lại những kỷ niệm cũ và chứng kiến sự đổi thay của quê hương từng ngày từng giờ. Cụ nói với chúng tôi: Thị xã đã thay đổi rất nhiều so với ngày xưa, diện tích mở rộng hơn chục lần, đường phố khang trang, sạch đẹp, nhiều ngôi nhà cao tầng, nhiều công trình xây dựng được mọc lên, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao...
Theo dòng cảm xúc của mùa thu huyền thoại 1945, chúng tôi đã gặp những con người đã sống và chiến đấu trong giai đoạn lịch sử hào hùng, ghi lại những đổi thay trên mỗi vùng quê để thấy rằng lịch sử không bao giờ cũ. Nó sẽ mãi mãi thổi vào thế hệ hiện tại ngọn lửa hoài bão và khát khao bỏng cháy dựng xây quê hương ngày một giàu đẹp.
Quỳnh Thu