Mới 7h sáng mà từng đoàn xe chở các đại biểu tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đổ về Nhà văn hóa trung tâm tỉnh dự buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tiết trời cuối xuân se lạnh nhưng ai cũng thấy ấm áp bởi hơi ấm tình đồng chí, đồng đội được thể hiện qua những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay, vỗ vai, ôm xiết nhau thật chặt của những người lính thuộc những thế hệ khác nhau, ở nhiều vùng quê khác nhau cùng dự gặp mặt.
Mang trên mình bộ quân phục xanh quen thuộc, ông Lê Trung Văn, Chủ tịch Hội CCB huyện Nho Quan phấn khởi chia sẻ: Mỗi dịp 30/4 về, những CCB như chúng tôi lại nôn nao nhớ về một thời tuổi xuân và khói lửa đã qua. Ký ức mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch quân sự lại ùa về, và trong niềm vui chiến thắng, niềm vui đoàn tụ ấy không khỏi chạnh lòng trước những đồng đội đã ngã xuống, đã hi sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Là người lính được tham gia chiến đấu giải phóng cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng từ năm 1969-1971, năm 1972, ông Văn cùng đơn vị chuyển về chiến trường Quảng Trị cho đến khi hiệp định Pari được ký kết và năm 1975 được cùng đồng đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông Văn bồi hồi nhớ lại: "Tôi nhớ như in ngày 29/4/1975, cách đây 40 năm, đơn vị tôi được lệnh đánh cứ điểm Bến Cát - Lai Khê, mở đường cho đơn vị bạn tiến quân đánh vào Sài Gòn. Chỉ còn mấy tiếng nữa là miền Nam hoàn toàn được giải phóng nhưng trong trận đánh cuối cùng, vẫn còn những đồng đội phải ngã xuống khi chưa thể thực hiện được những ước mơ giản dị, nhỏ bé: lấy vợ sinh con, được đi học tiếp, sửa lại mái nhà tranh cho cha mẹ ở vùng quê nghèo…
May mắn hơn nhiều đồng đội, CCB Lê Trung Văn được lành lặn trở về. 68 tuổi đời, gần 50 năm tuổi Đảng, gần cả cuộc đời gắn bó, phục vụ trong quân đội, ông luôn tự hào là mình đã nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, học hỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ trọn lời thề với Đảng, niềm tin với Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông luôn tự răn mình, may mắn hơn nhiều đồng đội, được trở về, có vợ có con, được sống trong hòa bình, đời sống ngày một nâng cao, nên phải sống sao cho xứng đáng.
Khi được quân đội cho nghỉ hưu, từ năm 1990 đến nay, được Đảng tín nhiệm, nhân dân yêu quý, đồng đội tin tưởng, ông tiếp tục tham gia Hội CCB huyện, cùng với đồng chí, đồng đội tiếp tục nhiệm vụ xây dựng Đảng, bảo vệ chính quyền, chế độ XHCN, nỗ lực và đoàn kết cùng nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ…, thực hiện cho bằng được tâm nguyện "khi chiến đấu thì dũng cảm kiên cường, khi về đời thường thì không bao giờ tầm thường"…
Đối với CCB Đặng Khắc Thịnh, hiện là Chủ tịch Hội CCB thị xã Tam Điệp, thì 40 năm trước, ngày 30/4/1975 mang một kỷ niệm đáng nhớ. Đó là suốt chiều và đêm 30/4/1975, cả Trung đoàn 141 Sư đoàn 312 truy kích địch qua Bầu Bàng đến Lai Khê, Bến Cát dưới trời nắng như đổ lửa. Đến trưa ngày 1/5/1975 có mặt tại Sở Chỉ huy Sư đoàn 5 Ngụy, chứng kiến cuộc tháo chạy hỗn loạn, run sợ của quân Ngụy, chúng bỏ lại súng ống, quần áo, quân trang ngổn ngang trên đường và chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 Ngụy phải tự sát tại Sở chỉ huy.
CCB Đặng Khắc Thịnh cho biết: Đời người lính có biết bao chiến dịch, trận đánh với rất nhiều những kỷ niệm vui buồn, gian khổ không thể nào quên, nhưng chiến dịch Hồ Chí Minh mãi để lại trong ông những kỷ niệm sâu sắc, đẹp nhất, hào hùng nhất. Đó là kỷ niệm ngày đầu vào chiến dịch, kỷ niệm về một cuộc hành quân thần tốc về thời gian, rộng lớn về không gian, vĩ đại về lực lượng và vũ khí, phương tiện, với khí thế hào hùng và một niềm tin toàn thắng. Có lẽ trong lịch sử quân đội ta, chưa bao giờ có một cuộc hành quân quy mô, oai hùng đến thế, thần tốc đến vậy.
Một cuộc hành quân xuyên Đông Dương, từ Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa sang Tây Trường Sơn, đến Đồng Xoài, tỉnh Bình Dương với chiều dài trên 1.700 km. Đội hình của Sư đoàn 312 nói riêng, Quân đoàn I nói chung, sau 12 ngày đêm hành quân cơ giới đã có mặt ở khu vực tập kết Đồng Xoài, tỉnh Bình Dương, đảm bảo bí mật, an toàn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tấn công từ hướng bắc và đông bắc Sài Gòn. Đội hình Sư đoàn 312 của ông, riêng xe tải Zin 130 chở quân đã có hàng nghìn xe, các xe cách nhau 20-30m, mỗi xe 2 lái chạy liên tục từ 18-20 giờ/ngày; đường Tây Trường Sơn mùa khô đất đỏ Bazan, xe nghiền đất tơi như bột, có đoạn đất bụi ngập bánh xe, hàng nghìn xe như dòng sông bụi khổng lồ, cuộn chảy ra mặt trận, tất cả cho ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Tay nắm chặt một người đồng đội từng cùng chiến đấu trong Sư đoàn 312, CCB Đặng Khắc Thịnh bùi ngùi: Chính tôi cũng chẳng tin nổi mình còn sống được sau bao trận đánh ác liệt, từ chiến trường Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng - Lào, chiến dịch 139, chiến dịch Z ở thượng Lào cho đến chiến dịch 1972 ở Quảng Trị, toàn là những trận đánh lớn, ác liệt, trong đó có biết bao đồng đội đã hi sinh, bị thương nặng phải chuyển về tuyến sau.
Và rồi ông lại lạc quan nói về cuộc sống hôm nay, cho rằng, dù thời gian không nhiều nhưng những buổi gặp mặt, hội ngộ như ngày hôm nay không chỉ là dịp để những người đồng chí, đồng đội ôn lại những kỷ niệm thời chiến năm xưa mà còn là dịp để những người lính hôm nay khi trở về cuộc sống đời thường, được phân công công tác trong các tổ chức chính trị, xã hội hay tham gia phát triển kinh tế tại địa phương được hàn huyên, tâm sự, sẻ chia về công việc, gia đình, hỏi thăm con, cháu, động viên nhau vượt qua bệnh tật, những khó khăn trong cuộc sống, giữ vững bản lĩnh người lính cụ Hồ, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Trong không khí bồi hồi, xúc động của buổi gặp mặt các đại biểu tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh đã trân trọng biểu dương và tri ân những hi sinh, cống hiến to lớn của các Anh hùng LLVT, các CCB, khẳng định, các CCB đã cống hiến quãng đời tuổi trẻ thanh xuân đẹp nhất, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, thiếu thốn... để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước.
Với tinh thần chiến thắng ngày 30/4, nối tiếp truyền thống "Bộ đội cụ Hồ", xác định CCB là lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm trong đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục đặt niềm tin vào sự vững mạnh và những kết quả mà cán bộ, hội viên cựu chiến binh trong toàn tỉnh đã đạt được, tiếp tục là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Mỹ Hạnh