Do địa hình đất đai không bằng phẳng, 1 nửa là vùng đồi núi, một nửa là vùng chiêm trũng, hàng năm nguồn nước của hồ Yên Quang, hồ Thường Sung và nước từ rừng Cúc Phương tràn qua nên về mùa mưa địa bàn xã thường hay bị úng lụt. Một thực tế đang đặt ra cho xã là: Với hai tuyến đê Hữu Ngạn và Năm Căn với tổng chiều dài trên 7 km, có 6 cống qua đê, 2 trạm bơm (trạm bơm Rồng đã cũ không còn khả năng hoạt động nên bị tháo rời, còn trạm bơm Muôi khả năng chống úng hạn chế). Các tuyến hồ, đập nhỏ do xã quản lý hầu hết bờ đập còn thấp và yếu, kênh tiêu chưa đảm bảo nên dễ bị tràn, vỡ, gây ngập úng đó là các đập Xuân Viên, hồ Bồng Lai và kênh tiêu lũ N12. Chỉ có hồ Yên Quang có trữ lượng nước lớn, do độ chênh cao so mặt ruộng và khu dân cư, có 4 đập được xây dựng nâng cấp nên khá chắc chắn.
Xác định được khó khăn đó, Văn Phương đã xác định công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai là một nhiệm vụ cấp thiết và được quan tâm. Đồng chí Đinh Xuân Diện - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phương cho biết: Nhiều năm qua, Văn Phương hường xuyên phải chịu hậu quả do mưa lũ, nên việc chủ động PCLB xã đặc biệt quan tâm.Với phương châm "chủ động phòng, tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả", trong đó lấy phòng, tránh là chính, nên ngay từ đầu năm, Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai xã đã tổng kết rút kinh nghiệm khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác PCLB, đối phó với thiên tai năm 2008 và chủ động xây dựng các phương án PCLB năm 2009.Xã đã quyết định lập ra 3 tiểu phân ban đó là tiểu phân ban Hữu Ngạn, tiểu phân ban Năm Căn và tiểu phân ban hậu cần. Mỗi phân ban có những nhiệm vụ cụ thể như: phân ban hữu Ngạn thường trực tại hội trường thôn Sui, phụ trách tuyến đê hữu Ngạn thuộc địa bàn xã quản lý dài 3 km và 2 khu dân cư thôn Sui và thôn Bến (334 hộ, với 1.470 khẩu).
Phân ban Năm Căn thường trực tại trụ sở UBND xã Văn Phương, phụ trách từ đầu hồ Yên Quang 4 đến đầu đê Rồng dài 4 km và tuyến đê gạt lũ từ cầu Bông đến cống Xuân Viên dài 2,5 km, gồm 5 thôn với 661 hộ, 2.757 khẩu. Tiểu ban hậu cần phụ trách công tác hậu cần và trực tại UBND xã. Công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" được xã chuẩn bị đầy đủ. Đến nay xã đã chuẩn bị đủ hơn 1.000 bao tải, trên 500 cọc tre, gần 200 m3 đất đá dự trữ được đưa đến các vị trí xung yếu như: cống Rồng, cống Ông Chu, cống Ông Tiếp, cống đập tràn, cống Bồng Lai cùng nhiều các vật dụng hỗ trợ để xử lý các tình huống hộ đê và tìm kiếm cứu nạn khi bão lũ xảy ra. Ngoài ra, xã còn thành lập lực lượng hộ đê tại chỗ với số lượng 80 người. Mỗi thôn có một lực lượng từ 10 - 15 người, chủ yếu là thanh niên sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống cấp thiết xảy ra. Tất cả lực lượng xung kích luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có quy chế hoạt động và được tập huấn nghiệp vụ cứu hộ để ứng cứu kịp thời các tình huống, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại do bão lũ gây ra.
Bài, ảnh: Đức Lam