Vụ mùa này, gia đình bà Nguyễn Thị Na ở thôn Phượng Lâm cấy 2 sào lúa nếp cái hoa vàng. Tuy là vụ đầu tiên gieo cấy song hiệu quả mang lại khiến bà Na khá bất ngờ. Bà cho biết: Qua vụ đầu gieo cấy, tôi thấy giống lúa này khá thích hợp với đặc điểm thổ nhưỡng nơi đây.
Qua theo dõi trong thời gian sinh trưởng, cây ít gặp sâu bệnh, lúa tốt và tỷ lệ lép thấp. Vụ này, năng suất lúa của gia đình tôi trung bình đạt 1,5-1,7 tạ/sào, trừ chi phí thu lãi gần 3 triệu đồng/sào, cao gấp gần 3 lần so với giống lúa thường. Đây cũng là vụ đầu tiên gia đình ông Phan Thanh Nga, thôn Phú Lâm gieo cấy giống lúa nếp cái hoa vàng.
Ông rất phấn khởi cho biết, vụ mùa năm nay gia đình ông gieo cấy giống lúa nếp cái hoa vàng là một quyết định đúng đắn. Lúa vừa đạt năng suất cao, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các giống lúa trước đây. Tuy vậy, ông vẫn cảm thấy tiếc nuối bởi vụ này mới chỉ cấy 7 sào.
Ông quả quyết: Cứ thế này, năm sau tôi sẽ mở rộng diện tích, thay thế hẳn giống lúa cũ, chỉ cấy mỗi giống lúa nếp cái hoa vàng thôi.
Vụ mùa năm nay, xã Văn Phú gieo cấy trên 40 ha lúa nếp cái hoa vàng. Để thuận tiện cho việc chăm sóc cũng như thu hoạch, xã đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung tại xứ đồng Bảy.
Ông Bùi Thế Công, Giám đốc HTX Văn Phú cho biết: Xứ đồng Bảy của xã Văn Phú thường gặp khó khăn trong sản xuất vụ mùa bởi nguồn nước tưới tiêu phải phụ thuộc vào tự nhiên.
Đã nhiều năm nay, bà con nông dân gieo cấy trên xứ đồng này chỉ biết trông chờ vào mạch nước ngầm từ rừng Quốc gia Cúc Phương hay những trận mưa thất thường. Năm được năm mất khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Bởi vậy, nhiều hộ dân có ruộng ở đây tìm cách gieo trồng hoa màu khác nhưng kết quả không như mong muốn. Nhận thấy nếp cái hoa vàng là giống lúa chịu hạn cuối vụ tương đối tốt, lại thêm khả năng kháng sâu bệnh, chính quyền xã đã vận động nhân dân đưa giống lúa trên vào canh tác thử nghiệm trên xứ đồng Bảy. Do thực hiện đúng lịch gieo cấy, đúng kỹ thuật nên ngay từ vụ đầu, giống lúa nếp cái hoa vàng đã cho năng suất và giá trị kinh tế cao.
Theo ông Công, nếp được gọi là "nếp cái hoa vàng" do khi lúa trổ đòng, phấn hoa có màu vàng chứ không trắng như các loại lúa khác. Giống lúa nếp cái hoa vàng chỉ được cấy ở vụ mùa, là giống cây phản ứng với ánh sáng ngắn nên chỉ phù hợp với trà mùa muộn.
Đây là giống lúa có khả năng chống chịu với một số điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên như chịu phèn, chịu chua và trũng khá tốt. Khả năng kháng bệnh đạo ôn hay khô vằn tốt, duy chỉ có bệnh bạc lá và sâu đục thân là phải đặc biệt chú ý và phun thuốc phòng trừ kịp thời, nếu không sẽ bị nhiễm nặng, ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Đồng chí Đinh Văn Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phú cho biết: Giống nếp cái hoa vàng này được cán bộ xã tìm mua tại Hải Dương. Do thời gian sinh trưởng dài ngày lại được gieo trồng ở chân ruộng cao nên chất lượng gạo thơm, dẻo và ngon hơn so với những giống nếp khác, đặc biệt là giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với lúa thường.
Thời điểm này, bà con trong xã đang huy động nhân lực ra đồng thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt 42 tạ/ha. Sau khi công tác thu hoạch được hoàn tất, xã sẽ triển khai đánh giá năng suất và hiệu quả kinh tế của giống lúa, năm tới, xã sẽ mở rộng diện tích gieo cấy.
Tuy vậy, giống như nhiều địa phương khác của huyện Nho Quan, sản xuất nông nghiệp tại Văn Phú bị hạn chế bởi nguồn nước phải phụ thuộc vào tự nhiên do địa hình hiểm trở, việc xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng gặp nhiều khó khăn. Mong rằng, các cấp, các ngành quan tâm, giúp xã tháo gỡ khó khăn này.
Từ kết quả vụ gieo cấy đầu tiên cho thấy, nếp cái hoa vàng là giống lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Đây có thể là một hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp tại Văn Phú, để người nông dân nâng cao thu nhập, tăng giá trị kinh tế trên 1 ha đất canh tác, góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới cho địa phương.
Bài, ảnh: Thái Học