Đây thực sự là điều chưa bao giờ xuất hiện trên đồng đất Văn Phong. Bởi người nông dân nơi này chưa bao giờ nghĩ tới việc trồng khoai tây, huống hồ lại là khoai tây trái vụ. Hiện tại vẫn chưa thể nói nhiều về thành công của cây khoai tây trên đồng đất Văn Phong nhưng chính cách làm của doanh nghiệp cũng khiến cán bộ xã chúng tôi và nhiều nông dân bắt đầu thay đổi tư duy "không gì là không thể, chỉ cần có quyết tâm".
Câu chuyện về cây khoai tây trái vụ trên đồng đất Văn Phong của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã thực sự lôi cuốn chúng tôi, bởi cách làm quyết liệt và đồng thuận của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Đồng chí Bùi Văn Sáu cho biết: Thực hiện kế hoạch số 28 của UBND huyện Nho Quan về việc triển khai tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất trong nông nghiệp, Đảng ủy xã Văn Phong đã ban hành Nghị quyết số 03 về thực hiện tích tụ ruộng đất.
Trên cơ sở đó, đầu năm 2017, UBND xã đã xây dựng kế hoạch tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất trong nông nghiệp; tiến hành rà soát quy hoạch đất lúa, đất màu thành vùng liền khoảnh, thuận tiện giao thông - thủy lợi.
Xác định hệ số chênh lệch trên mỗi loại đất, bao gồm đất chuyên màu, đất 1 lúa, đất 2 lúa làm cơ sở để tính toán giá thuê đất của tập thể, hộ gia đình, cá nhân trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích của người cho thuê đất và người thuê đất...
Sau khi rà soát, xã đã quyết định tích tụ ruộng đất tại 3 thôn: Cầu Mơ, thôn Chát, thôn Đông với diện tích 13ha (tập trung tại cánh đồng Gồ Găng) và dồn 7ha ở thôn Đồng Cu. Tổng 2 khu vực này có trên 100 hộ có diện tích đất nằm trong vùng thực hiện chủ trương tích tụ.
Sau khi có quy hoạch, xã mời doanh nghiệp về khảo sát để đầu tư. Hiện nay, Công ty TNHH Phủ Thuận Thiên là doanh nghiệp đã đứng ra ký hợp đồng thuê đất với bà con tại 2 khu đồng nói trên.
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phong: Khi bắt tay vào thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, địa phương gặp không ít khó khăn bởi không phải ai cũng hiểu hết được mục đích, ý nghĩa của việc tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông nghiệp nên một số người băn khoăn, lo sợ sau này doanh nghiệp, Nhà nước không trả đất cho mình.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ chưa thống nhất về phương thức cho thuê đất..., không đồng tình chủ trương tích tụ ruộng đất. Trước thực tế trên, xã tiến hành họp dân, bàn bạc rộng rãi, dân chủ nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận đối với các hộ dân trong vùng cho thuê ruộng đất; doanh nghiệp cam kết sử đụng đúng mục đích, đảm bảo quy định của pháp luật, không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất, không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi.
Đối với các hộ có diện tích nằm trong vùng quy hoạch tích tụ nhưng không muốn cho thuê đất, xã tuyên truyền, vận động chuyển ra khỏi vùng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của người dân.
Trong quá trình thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, xã Văn Phong đặc biệt coi trọng bảo đảm quyền lợi của nhân dân.
Theo đó, xã yêu cầu các doanh nghiệp cam kết ưu tiên giải quyết việc làm cho hộ nông dân cho thuê đất. Hiện nay, các hộ dân cho thuê đất đều được doanh nghiệp tạo điều kiện giải quyết việc làm với mức thu nhập từ 140.000 - 250.000 đồng/ngày tùy vào tính chất công việc.
Bà Nguyễn Thị Lý, thôn Cầu Mơ - một trong những hộ dân nằm trong vùng tích tụ ruộng đất và đã cho doanh nghiệp thuê đất chia sẻ: Nhà tôi có 4 sào ruộng, trước đây cấy lúa năng suất bình quân được khoảng 2 tạ/sào.
Trước khi cho doanh nghiệp thuê đất, một năm ngoài việc chăm lo cho 2 vụ lúa thì tôi phải đi mò cua, bắt ốc để có thêm thu nhập. Nay nhờ có doanh nghiệp đến liên kết sản xuất, tôi và nhiều chị em trong vùng đã có thêm thu nhập từ việc làm thuê cho doanh nghiệp. Thu nhập bảo đảm, chị em cũng yên tâm hơn.
Theo ước tính sơ bộ từ đại diện doanh nghiệp Phủ Thuận Thiên- đơn vị thuê đất để trồng khoai tây trái vụ ở Văn Phong, ngay trong vụ sản xuất đầu tiên, mặc dù thời tiết không thuận lợi và hệ thống kênh mương tưới tiêu chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển của cây khoai tây nhưng nhờ áp dụng công nghệ cao, khoa học nên năng suất cây trồng vẫn đảm bảo, ước tính đạt 700kg/sào.
Hiện tại, doanh nghiệp đang tiến hành thu hoạch khoai tây, một vài kinh nghiệm sản xuất và thuê lao động đã được rút ra để thực hiện tốt hơn trong những vụ tiếp theo.
Ngoài doanh nghiệp đến thuê đất, Văn Phong còn tích cực tuyên truyền và tạo điều kiện cho người dân đăng ký tham gia tích tụ ruộng đất. Chính vì vậy, toàn xã hiện đã có 7 hộ đăng ký tham gia tích tụ ruộng đất với tổng diện tích 1,2 ha và xã đã quyết định dồn liền mảnh cho các hộ để tiện cho việc tưới tiêu, liên kết sản xuất.
Hiện nay, 7 hộ này đã liên kết sản xuất và thành lập HTX rau an toàn, theo đó, các hộ đã tiến hành cải tạo đất để trồng các loại cây rau màu sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thành công bước đầu từ thực hiện tích tụ ruộng đất, xã Văn Phong đang xây dựng kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020 có từ 56ha trở lên diện tích đất nông nghiệp được tích tụ.
Qua đó, nâng cao hiệu quả sử đụng đất nông nghiệp và phát triển bền vững, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn; nâng cao thu nhập ổn định cho các hộ gia đình có ruộng đất nhưng sản xuất kém hiệu quả.
Đồng chí Bùi Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phong khẳng định: Việc tích tụ ruộng đất đã tạo ra phương thức sản xuất phù hợp, hình thành vùng sản xuất gắn với thị trường làm cơ sở mở rộng và đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, giữa nông dân- HTX với doanh nghiệp; tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.
Đây cũng là điều kiện để xã thực hiện phương châm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang làm các lĩnh vực khác.
Mai Lan