Đồng chí Đinh Văn Công, Chủ tịch UBND xã Văn Phong cho biết: Xã Văn Phong nằm ở phía nam của huyện Nho Quan, toàn xã có 1.410 hộ với trên 5.000 nhân khẩu. Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã mới đạt được 4 tiêu chí là giáo dục, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, an ninh trật tự.
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, phải dựa vào sức dân là chính, vì vậy Văn Phong đã tuyên truyền sâu rộng nội dung chương trình xây dựng NTM tới mọi tổ chức và người dân trong xã, giải thích cho nhân dân hiểu những lợi ích của chương trình xây dựng NTM, vì vậy đã tạo được không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn xã, từ đó nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng NTM của địa phương.
Qua tuyên truyền, nhân dân đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để làm đường giao thông, dồn điền, đổi thửa, đầu tư xây dựng chỉnh trang nhà cửa. Bên cạnh đó, xã tạo điều kiện, khuyến khích nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Trong đó tập trung vào công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, phát huy thế mạnh của vùng kinh tế mũi nhọn..., góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.
Trong năm 2016, tổng sản lượng lương thực có hạt của toàn xã đạt trên 34 nghìn tấn, chăn nuôi đạt gần 38 nghìn con; toàn xã có 54 gia trại có thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 400 triệu đồng/hộ; 22 hộ sản xuất, kinh doanh ngành nghề, dịch vụ, tổng doanh thu ước đạt 5 tỷ đồng/năm.
Đồng thời, triển khai công tác dồn điền, đổi thửa; đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn xã có 9 máy làm đất và 3 máy gặt đập. Xã quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho nhân dân. Thời gian qua, xã tổ chức 8 lớp dạy nghề thêu ren, trồng nấm và may mặc cho 780 học viên trong xã, mở 11 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho 1.200 lượt người tham gia...
Năm 2016 thu nhập bình quân đầu người của xã tăng lên 29 triệu đồng/người/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 92% lao động.
Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Văn Phong đã huy động được tổng giá trị nguồn lực đạt 244.130 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 18%; vốn vay tín dụng 18,5%; vốn của doanh nghiệp 2,3%; vốn của nhân dân 61%; vốn khác chiếm 0,2%.
Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng thực hiện duy tu, sửa chữa, xây mới hệ thống điện trên địa bàn. Trong 5 năm qua đã xây mới 3 trạm biến áp; 4km đường dây hạ thế; nâng cấp, cải tạo 2 trạm biến áp; 873m đường điện hạ thế phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đồng thời quan tâm đầu tư cho công tác y tế, giáo dục. Với những cố gắng đó, đến nay xã Văn Phong đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, nổi bật như tiêu chí giao thông, tổng số đường giao thông trên địa bàn xã được nhựa hóa và bê tông hóa đạt 38,9km, đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được đến trường đạt 100%; đối với tiêu chí vệ sinh môi trường, 92% hộ dân được sử dụng nước sạch; 100% hộ dân được dùng điện; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,91%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 77,9%...
Có thể nói, sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn xã Văn Phong đã thay đổi rõ rệt, nhận thức người dân được nâng lên, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên.
Bài, ảnh: Kiều Ân - Đức Lam