Nghề thêu Văn Lâm - cha truyền coi nối
Không mất nhiều thời gian để tìm được nhà cụ Chu Văn Lượng - một cây đại thụ của làng nghề thêu Văn Lâm. Bước vào tuổi 84, râu tóc đã bạc phơ, tấm lưng còng xuống, nhưng cặp mắt cụ vẫn còn khá tinh nhanh. Ngày ngày, mưa cũng như nắng, ăn cơm xong cụ chỉ nghỉ khoảng 15 phút là lại ngồi bên khung thêu. Nếu không cầm được kim, nghĩa là người đã ốm. Thấy chúng tôi vào, cụ Lượng dừng tay thêu, pha nước mời khách. Trong gian nhà cấp 4 được làm cách đây vài chục năm, đồ đạc không có gì đắt tiền, chúng tôi chợt nhận ra tấm bằng công nhận nghệ nhân làng nghề mà cụ Chu Văn Lượng vừa được Hiệp hội làng nghề Việt Nam trao tặng hồi tháng 11/2007. Đối với cụ Lượng, đây là phần thưởng danh giá cho những nỗ lực mà cụ đã dành cả cuộc đời gìn giữ, phát huy giá trị làng nghề. Cụ kể: Nghề thêu Văn Lâm đã có cách đây gần chục thế kỷ. Trước đây sản phẩm của làng nghề Văn Lâm chủ yếu phục vụ nhu cầu của triều đình hoặc trang trí đình, chùa. Tuy nhiên, ở mỗi thời kỳ lịch sử, nghề thêu cũng có bước thăng, trầm, nhưng chưa bao giờ tàn lụi. Những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, dưới bom rơi đạn nổ, người dân Văn Lâm vẫn mang khung thêu xuống hầm, thắp đèn dầu để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, làm đẹp cho đời... Ngày nay, trước xu thế hội nhập, nghề thêu Văn Lâm càng có cơ hội để phát triển. Sản phẩm của làng nghề không chỉ phục vụ khách du lịch đến tham quan Tam Cốc - Bích Động mà còn đến với khắp mọi miền đất nước, vượt biên giới đến với bạn bè 5 châu. ở Văn Lâm, nghề thêu đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho mỗi gia đình, vì vậy mọi người từ già, trẻ, trai, gái ai cũng biết thêu. Nhiều người còn trở thành "thầy" đi truyền nghề cho các địa phương, giúp giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các gia đình.
Bản thân cụ Lượng cũng đã dầy công đào tạo nên những tay thợ lành nghề, để rồi hôm nay họ đã trở thành những ông chủ, góp phần đưa nghề thêu đứng vững trong cơ chế thị trường. Trò chuyện với cụ Lượng, chúng tôi còn được biết: Vì muốn gìn giữ nghề của cha ông, cụ đã biên soạn một cuốn cẩm nang nghề thêu. Trong đó có phần hướng dẫn hết sức cơ bản, như cách căng khung thêu, tư thế ngồi thêu; kỹ thuật rua, ren cơ bản, cách pha màu chỉ... Theo cụ Lượng, học nghề thêu không khó nhưng để làm được những sản phẩm đẹp, có tính nghệ thuật cao đòi hỏi người làm nghề phải có tâm hồn và tình yêu nghề.
Nghệ nhân Chu Văn Lượng truyền nghề thêu cho con, cháu. Ảnh: Đức Lam
Hướng đến du lịch làng nghề
Làng nghề Văn Lâm có lợi thế nằm trọn trong Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, thuộc địa bàn xã Ninh Hải (Hoa Lư). Những năm gần đây, với định hướng phát triển kinh tế du lịch của tỉnh, sự đầu tư, giúp đỡ từ Trung ương đến địa phương, Tam Cốc - Bích Động đã trở thành điểm đến hấp dẫn. Mỗi năm nơi đây đón tiếp hàng triệu lượt khách du lịch, trong đó khách nước ngoài chiếm tỷ lệ đáng kể. Đến với Tam Cốc - Bích Động, du khách sẽ được đến với quần thể thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, được làm quen với những con người mộc mạc, hiếu khách, đặc biệt sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng sản phẩm của làng nghề Văn Lâm. Từ những tấm ga trải giường, đôi gối cưới, rèm cửa, khay đĩa trang trí phòng khách, tranh treo tường... đều được người dân Văn Lâm thêu tay, hết sức tỉ mỉ và tinh tế. Hiện nay, Văn Lâm đã có gần chục doanh nghiệp tư nhân, chuyên tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm thêu, xuất sang các nước Pháp, Nhật, Italia... Có doanh nghiệp đạt giá trị xuất khẩu mỗi năm hàng triệu USD, như Valatacô, Yến Nhi, An Lộc... Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chủ những doanh nghiệp này đều là người thôn Văn Lâm. Cách đây chục năm họ đã lặn lội vào Sài Gòn, ra Hà Nội tìm kiếm đối tác, mở hướng đi mới cho làng nghề. Đến nay, khi thị trường của nghề thêu Văn Lâm đã ổn định, họ quay về quê hương làm ăn, sinh sống, tiếp tục sự nghiệp.
Ông Vũ Thanh Luân, Trưởng BCH làng nghề tâm sự: Tài hoa làng nghề Văn Lâm đã được nhiều người biết đến, nhưng thu nhập từ nghề thêu vẫn chưa đủ nuôi sống gia đình. Vì vậy hầu hết các hộ vẫn phải cấy lúa, buôn bán vặt, chở đò. Đây cũng chính là điều khiến cho những người trong BCH làng nghề phải suy nghĩ, làm sao gắn kết sự phát triển của làng nghề với phát triển du lịch. Du khách đến với Tam Cốc - Bích Động cũng là đến với làng nghề Văn Lâm. Ông Luân cho rằng: Lâu nay người ta mới chỉ chú ý đến khai thác du lịch chứ chưa có nhiều hoạt động để quảng bá rộng rãi làng nghề, biến hoạt động của làng nghề trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, đem lại thu nhập trực tiếp cho các hộ.
Mới đây BCH làng nghề đã xây dựng được đề án duy trì và phát triển nghề thêu Văn Lâm. Theo đề án, làng nghề Văn Lâm sẽ phải xây dựng lại đền thờ tổ nghề, xây dựng cổng làng và Trung tâm dịch vụ giới thiệu, bán sản phẩm. Hàng năm, vào ngày giỗ tổ, làng nghề sẽ tổ chức thi tay nghề nhằm báo công với tổ tiên và tôn vinh thợ giỏi. Tại khu vực bến thuyền, khách du lịch sẽ tận mắt chứng kiến những tay thợ nam, nữ, già, trẻ đang ngồi thêu. Đi sâu vào trong làng, mỗi gia đình cũng sẽ là một điểm tham quan cho du khách. Tại đây, du khách có thể ăn, nghỉ, tập làm hàng thêu với sự hướng dẫn của chủ nhà... Đó là hình ảnh của làng nghề Văn Lâm trong tương lai, nhưng để thực hiện được điều đó chỉ có lòng nhiệt tình thôi chưa đủ, mà cần có sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương và hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tin rằng, khi đề án du lịch làng nghề được triển khai, ngoài ý nghĩa bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, Văn Lâm cũng sẽ quảng bá được hình ảnh của mình rộng rãi hơn nữa, đem lại lợi ích về kinh tế, văn hóa, tinh thần cho nhân dân Văn Lâm nói riêng và Ninh Bình nói chung.
Hà Trang