Trước năm 968, đất nước rơi vào cảnh loạn li và cát cứ. Cuộc chiến của 12 sứ quân kéo dài liên miên, nhằm tiêu diệt và thôn tính lẫn nhau, gây nên bao chết chóc đau thương. Trước hiện tình ấy, Đinh Bộ Lĩnh đã dấy binh ở động Hoa Lư, phất cao cờ nghĩa, tập hợp, chiêu tụ những nghĩa sĩ, tướng tài, rèn binh luyện cán, chuẩn bị binh khí, quân lương, lo tính kế dẹp giặc, lần lượt đánh đâu thắng đó, dẹp tan 12 sứ quân, thống nhất giang sơn lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt, đây là Nhà nước tập quyền đầu tiên của nền phong kiến tự chủ. Thấy Hoa Lư là vùng đất núi non trùng điệp, hiểm trở, có lợi thế về giao thông thủy bộ, tiến lên có thể công, lui về có thế thủ, cảnh quan lại ngoạn mục, kỳ vĩ ông chọn mảnh đất này đặt Kinh đô và lên ngôi Hoàng đế. Bây giờ đến đền Đinh, đọc lại đôi câu đối, vẫn thấy khí phách và lòng tự tôn dân tộc âm vang trong từng ý từng lời.
Cố Việt quốc đương Tống khai bảo
Hoa Lư đô thị Hán Tràng An
Khi tạm dịch nghĩa của câu đối trên, ý tưởng của sự so sánh ấy đã thành niềm tự hào của nghìn năm tiếp theo mà ông cha ta đã tiếp tục tạo dựng. Cái văn nghĩa ấy đã khẳng định như một lời tuyên cáo: Nước Đại Việt sánh ngang tầm với nhà Tống, Kinh đô Hoa Lư ngang hàng với Kinh đô Tràng An của nhà Tống.
Cố đô Hoa Lư phần lớn nằm trên diện tích xã Trường Yên, huyện Hoa Lư bây giờ. Dựa vào thế núi hiểm trở, vua quan chỉ phải đắp 10 đoạn thành nối các núi với nhau, tạo thành khu thành nội và thành ngoại. Hệ thống đền đài, cung điện được xây nối tiếp nhau, núi dựng bốn xung quanh vừa kì vĩ, vừa huyền ảo.
Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi, tiếp tục sự nghiệp của vua Đinh, thành trì tiếp tục xây dựng to đẹp và khang trang hơn. Bắt đầu từ năm 984 cho xây điện Bách Thảo Tuế, lợp ngói bạc, cột điện dát vàng ở ngay chân núi. Bốn bên Đông Tây Tả Hữu đều xây các điện lớn, bên Đông là điện Phong Lưu, bên Tây là điện Tử Hoa, bên Tả là điện Bồng Lai, bên Hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó làm điện Trường Xuân, làm lầu Đại Vân, dựng điện Long Lộc. Đến thời Lý (năm 1010), Lý Công Uẩn sau khi xem xét địa thế Đại La, thấy đất Đại La " ở giữa Đông Tây Nam Bắc, tiện hình thế núi sau, sông trước, xứng đáng là Thượng đô của muôn đời" và để hợp với xu thế tiến lên của Đại Việt, ông đã bày tỏ khát vọng " Đóng nơi trung tâm, mưu toan việc lớn cho muôn đời con cháu mai sau" và khi trăm quan, quần thần nhất trí, tháng 7 năm đó, đã rời đô ra Thăng Long.
Trải qua 42 năm tồn tại (986- 1010), với sự tiếp nối của 3 triều đại Đinh- Lê- Lý, đặc biệt là sự hiện diện của triều Đinh Lê, như một mốc son chói ngời trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tuy chỉ đi qua hơn 4 thập kỷ, kinh đô Hoa Lư mãi trường tồn, chẳng bao giờ nhạt phai trong lòng dân tộc, đất nước và ngày nay đã trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa vào loại tầm cỡ được đặc biệt quan tâm.
Qui mô của khu di tích khá rộng trên dưới 4 km2, ngoài Trường Yên còn nằm rải rác một số nơi ở 2 xã Ninh Mĩ, Ninh Hòa. Một số di tích gắn bó mật thiết tới di tích Đinh Lê như động Thiên Tôn, Hoa Sơn, đền thờ công chúa Phất Kim, Gềnh Tháp, núi Cột Cờ, động An Tiêm. Thông qua các đợt khảo cổ trong nhiều năm đã phát hiện nhiều dấu tích của công trình kiến trúc như tường thành, cột đá khắc kinh phật, gạch lát có trang trí hoa văn, vết tích của nền móng cung điện, ngói ống có phủ riềm, gạch đất nung, chì lưới (cũng bằng đất nung).
Trải trên ngàn năm, qua biến cải thăng trầm, sức tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh qua bao triều đại cung điện, đền đài không còn nguyên vẹn nữa. Dấu tích xưa chỉ còn là vết xa mờ. Tri ân đối với các triều đại trên, đền thờ vua Đinh, vua Lê được mô phỏng lại nguyên bản được xây đi xây lại mấy lần.
Hai ngôi đền còn lại đến ngày nay, được xây dựng vào thế kỷ XVII, duy chỉ còn lại cột kinh Nhất Trụ được dựng vào thế kỷ thứ X. Với lối kiến trúc " nội công, ngoại quốc", lối vào theo hình chữ Vương, các công trình đăng đối theo đường chính đạo, là nét độc đáo của đền thờ Đinh Lê. Từ Ngọ Môn Quan đi vào sân Rồng, giữa là sập Long Sàng bằng đá, trong là 2 con Nghê tạc bằng đá xanh nguyên khối, có đủ các nghi môn nội ngoại, nhà vọng, nhà khải thánh…
Đền có 3 tòa gọi là Bái đường, Thiên hương, Chính cung, tòa chính cung thờ vua, thờ công đồng và các quan. Sập rồng có chạm rồng mẹ, rồng con, tôm cá, một số loài thủy tộc vừa tượng trưng cho quyền uy, vừa thể hiện không khí thanh bình, độc lập. Ngoài ra còn nhiều mảng điêu khắc tài hoa, đầy trí tuệ của kiến trúc uyên bác và siêu phàm. Riêng đền vua Lê, phần điêu khắc của thời hậu Lê có phần phong phú về mảng đề tài thể hiện như cá hóa long, hổ chầu, long hổ hội ngộ…
Đã bao năm tháng đi qua, song cố đô Hoa Lư đã thành địa chỉ không chỉ đối với du khách trong và ngoài tỉnh mà đã vượt ra ngoài biên giới, đến với du khách trên nhiều châu lục. Không biết từ bao giờ, người ta gọi Hoa Lư là " Vịnh Hạ Long cạn" với non sông cẩm tú, hang động kì ảo, tạo cho thiên nhiên ở đây thành một bức tranh thủy mặc, có sức thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch mỗi năm. Đến đây để tri ân, thưởng ngoạn cho tâm linh mỗi con người thêm thanh thản, vững tin vào ngày mai đất nước, con đường đi lên của một dân tộc luôn bách chiến, bách thắng.
Lê Liêu