Đặc điểm chung của các xã bãi ngang là nằm xa trung tâm huyện và ở gần biển nên rất khó khăn về nguồn nước sinh hoạt (không có nguồn nước ngọt và không thể đào giếng khơi được). Do vậy nhu cầu về nước sạch của người dân nơi đây là rất bức thiết. Đồng chí Trần Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết: Từ những năm 2000, nhân dân đã được hỗ trợ khoan giếng, cứ bình quân 7 hộ dân thì có một hộ được hỗ trợ, sau này do nhu cầu nên người dân đã tự bỏ tiền ra khoan giếng. Đến nay, trên 90% hộ dân ở xã Kim Trung đã có giếng khoan, 15% số hộ đã xây bể lắng lọc. Qua công tác kiểm tra cho thấy, các giếng khoan có lượng nước tốt, tuy nhiên nồng độ sắt hơi cao. Xã vận động nhân dân xử lý bằng cách bơm lắng lọc và phơi để tạp chất bay hơi hoặc xử lý bằng thuốc khử trùng. Khi chúng tôi hỏi về nước ngọt sinh hoạt, anh Lê Văn Nguyên (xóm 2, xã Kim Đông) tâm sự: Hiện tại hầu như các hộ dân đều đã có giếng khoan để dùng, có nhà tự khoan, nhà nào khó khăn thì được hỗ trợ. Chúng tôi dùng nước giếng khoan để ăn uống, giặt giũ, tưới cho cây... Nước giếng bơm lên rất trong nhưng lượng sắt nhiều, để một lúc lắng vàng ở dưới. Gần đây chúng tôi nghe thấy thông tin nguồn nước ngầm ít và một số nơi bơm nhiều có khả năng bị tụt nước nên rất lo lắng. Một số người dân ở Thị trấn Bình Minh cho biết thêm: Hiện nay Công ty Nông nghiệp Bình Minh có một máy bơm nước lớn, cung cấp nước cho nông trường và một số dân cư ở thị trấn. Mũi khoan lớn và sâu nên mỗi khi bơm nước thì làm cho một số giếng khoan của các hộ dân bị tụt nước ngầm không thể bơm được. Nhiều khi có giếng khoan nhưng người dân vẫn thiếu nước ngọt để dùng.
Đồng chí Phạm Hồng Sơn, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Các xã có địa hình gần biển nên không thể đào giếng để phục vụ sinh hoạt, mà phụ thuộc hoàn toàn vào lượng nước mưa có được hàng năm. Nên vào mùa khô người dân bị thiếu nước trầm trọng, chính vì vậy, từ những năm 1992 -1999 ba xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải đã được ưu tiên hỗ trợ một phần kinh phí để khoan giếng sâu. Sau này có Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, Đề án 15 về chương trình xóa đói giảm nghèo của UBND tỉnh có những chính sách ưu tiên xây dựng công trình cấp nước sạch cho một số xã có khó khăn. Qua công tác kiểm tra, đánh giá cho thấy, trên địa bàn các xã bãi ngang chỉ có xã Kim Mỹ đã xây dựng nhà máy cấp nước sạch tập trung từ giai đoạn trước với tổng nguồn vốn 11 tỷ đồng. Sau khi được công nhận là xã bãi ngang, dự án được điều chỉnh lại với mức vốn 14 tỷ 956 triệu đồng (trong đó Nhà nước cấp 90% vốn). Dự án được thực hiện từ tháng 12-2007, với công suất thiết kế giai đoạn I cung cấp nước sạch cho 1.000 người với 60 lít/người/ngày từ nguồn nước xử lý lấy từ sông Cà Mâu; giai đoạn II, công suất thiết kế cung cấp nước sạch cho khoảng 15.000 người, sẽ mở rộng cung cấp nước sạch cho tất cả các hộ dân trong xã Kim Mỹ và một phần các xã lân cận.
Chi cục Phát triển nông thôn và huyện Kim Sơn đã kiểm tra, rà soát lại để có chương trình hỗ trợ và ưu tiên những vùng khó khăn hơn được thực hiện trước. Với các xã Kim Đông, Kim Trung, các giếng khoan vẫn phát huy tốt, lượng nước ngầm đủ cung cấp sinh hoạt cho nhân dân. Riêng xã Kim Hải có cốt đất cao, mặt nước tĩnh thấp, khi nông trường Bình Minh bơm nước thì nước ngầm bị tụt, những hộ dân ở đây đều không thể bơm nước lên. Do vậy trong Đề án 15 của UBND tỉnh đã ưu tiên chương trình cấp nước sạch cho xã Kim Hải và Chi cục Phát triển nông thôn đang tiến hành lập dự án xây dựng trạm cấp nước sạch tập trung, nguồn nước lấy từ sông Cà Mâu. Tại xã Kim Tân, người dân cũng đang sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt và tưới tiêu, nhưng theo đánh giá lượng nước ngầm ở đây ít, nếu dùng giếng khoan to để cấp nước tập trung cho dân thì những giếng nhỏ lẻ sẽ bị mất nước, mặt khác địa bàn xã lại xa các nguồn sông, lưu lượng nước mặn nhiều. Chính vì vậy rất khó khăn khi xây dựng công trình cấp nước tập trung. Sau Kim Hải thì Kim Tân cũng là xã được ưu tiên lập dự án xây dựng nhà máy cấp nước sạch tập trung với nguồn nước dự kiến sẽ lấy từ sông Đáy.
Hương Giang