Qua giám sát cho thấy, các địa phương đã nỗ lực trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Song, kết quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Số lao động có nhu cầu học nghề đã được hỗ trợ đào tạo nghề mới đạt 37,5%, số lao động được hỗ trợ về việc làm cũng mới đạt tỷ lệ 51,5% so với tổng số lao động cần hỗ trợ việc làm.
Theo báo cáo của UBND thành phố Ninh Bình, việc triển khai kế hoạch dạy nghề và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi thời gian qua đã được thành phố coi trọng, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Song trên thực tế, đến thời điểm tháng 3/2008, số lao động đã được hỗ trợ đào tạo nghề mới đạt tỷ lệ 55,02%, số lao động đã được hỗ trợ giải quyết việc làm đạt 69,06%.
Với vị trí là trung tâm kinh tế của tỉnh, có nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn, vì sao lao động của thành phố vẫn thiếu việc làm?
Trả lời câu hỏi này, ông Dương Đức Khanh, Trưởng phòng Nội vụ thành phố cho biết: Một trong những nguyên nhân do cơ chế, chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động chưa được quan tâm đúng mức, có nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng người lao động. Về phía người lao động, nhiều người không muốn tiếp cận với công việc mới, thu nhập bình quân do doanh nghiệp trả cho người lao động quá thấp so với nhu cầu cuộc sống hiện tại, dẫn đến người lao động chưa yên tâm gắn bó với nghề.
Một nguyên nhân nữa là nhiều lao động trong diện thu hồi đất sau khi nhận tiền bồi thường tập trung vào mua sắm đồ dùng, trang thiết bị gia đình, không đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Thực trạng đó dẫn đến tỷ lệ lao động sau thu hồi đất thiếu việc làm còn chiếm tỷ lệ hơn 30%.
Sách hạch lái xe tại Trung tâm đào tạo lái xe Thành Nam. Ảnh: Đức Lam
Tại huyện Gia Viễn, qua giám sát cho thấy, khó khăn trong dạy nghề, giải quyết việc làm lại ở phía người lao động. Với địa bàn rộng, có nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, đây là một thuận lợi lớn đối với địa phương trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm. Tính đến 31/3/2008, đã có 1.065 lao động thuộc các xã có đất bị thu hồi vào làm việc tại Cụm công nghiệp Gián Khẩu.
Một số doanh nghiệp còn có sáng kiến "giữ chân" người lao động bằng cách hằng tháng hỗ trợ thêm cho mỗi công nhân 50.000 đồng tiền thuê nhà ở. Song người lao động vẫn chưa thiết tha, mặn mà với doanh nghiệp. Một phần cho trình độ kỹ thuật, tay nghề của nhiều lao động còn hạn chế, lao động chưa có tác phong làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Phần nữa do mức thu nhập bình quân của người lao động làm tại một số doanh nghiệp như may, chế biến thực phẩm thấp nên có tình trạng lao động bỏ việc hoặc nghỉ việc tùy tiện làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Do vậy, một trong những nghịch lý đặt ra là số lao động có việc làm sau thu hồi đất mới chiếm tỷ lệ hơn 30% trong tổng số lao động cần việc làm, trong khi đó các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn thiếu lao động. Tìm hiểu ở một số địa phương khác có diện tích đất thu hồi lớn như huyện Hoa Lư, thị xã Tam Điệp, tỷ lệ lao động sau thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo, dạy nghề cũng chỉ đạt trên 50%.
Còn nhiều "căn nguyên" nữa dẫn tới công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đó là do mạng lưới các cơ sở dạy nghề của tỉnh hiện còn nhỏ bé, lạc hậu nên việc dạy các nghề kỹ thuật số lượng còn ít, chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu lao động kỹ thuật của các doanh nghiệp.
Mối quan hệ của UBND các huyện với các doanh nghiệp đóng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp thường xuyên; một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết trong việc tiếp nhận lao động địa phương vào làm việc, chưa có mối quan hệ gắn bó với địa phương để thực hiện quyền và nghĩa vụ mỗi bên. Một số dự án thu hồi đất thực hiện việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người dân có đất bị thu hồi chậm và thụ động, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân bị thu hồi đất.
Hiện tại số lao động sau thu hồi đất chưa được hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn rất lớn, có 13.687 người có nhu cầu học nghề nhưng chưa được hỗ trợ đào tạo nghề, 12.886 người có nhu cầu về việc làm nhưng chưa được hỗ trợ giải quyết việc làm. Từ thực tế công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất trong thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất các kiến nghị, đề xuất với các cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện. Trước hết các cấp, các ngành có liên quan cần triển khai thực hiện đúng tiến độ Đề án số 08/ĐA-UBND ngày 31/3/2008 của UBND tỉnh về đào tạo nghề tỉnh Ninh Bình đến năm 2010, định hướng đến năm 2015.
Các cơ quan chức năng như Sở lao động - thương binh và xã hội, Ban quản lý khu công nghiệp, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu nhu cầu sử dụng lao động; phối hợp với các trường dạy nghề của Trung ương đóng tại địa phương để liên kết tổ chức đào tạo nghề theo địa chỉ, theo nhu cầu.
Như vậy, để đảm bảo cho công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi có hiệu quả và chất lượng, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của từng địa phương và từng người dân trong diện có đất bị thu hồi.
Minh Châu