Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo ông Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân thông qua việc sản xuất các mặt hàng nông nghiệp theo hướng hàng hóa chứ không dừng lại ở mức tự cấp, tự túc. Chính vì thế, để thực hiện tái cơ cấu, các địa phương cần xác định được mặt hàng chủ lực của mình và gắn kết giữa sản xuất và kinh doanh. Ông Trịnh Đức Hưng phân tích: Trong quy trình tái cơ cấu nông nghiệp thì Nhà nước đóng vai trò định hướng và làm quy hoạch, tạo hành lang pháp lý; những dịch vụ công như kiểm dịch, tài chính, bảo hiểm, thị trường, khuyến nông, khuyến khích những người trẻ có học thức về nông thôn, từ đó tạo nên sự đồng thuận của nông dân.
Tuy nhiên, vai trò dẫn dắt đoàn tàu đó lại phụ thuộc vào doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp có khả năng am hiểu thị trường, năng lực tài chính để đưa vốn và công nghệ đi vào sản xuất hiệu quả; định hướng thị trường và gắn kết với người nông dân để họ làm ra sản phẩm theo thị trường, từ đó mới có thể khắc phục các điểm yếu của nông nghiệp tỉnh ta. "Một nền nông nghiệp chỉ có thể mạnh khi hình thành được chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, thu hoạch đến chế biến và làm thương mại để có thể khẳng định thương hiệu cạnh tranh ở thị trường toàn cầu"- ông Trịnh Đức Hưng khẳng định.
Thực tế cũng cho thấy, việc sản xuất nông nghiệp khi có sự tham gia của doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ hàng hóa thì mới thực sự tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm. Anh Phạm Văn Nhật, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân chăn nuôi Thành Long, xã Khánh Hải (huyện Yên Khánh) cho biết: Sau nhiều năm bươn trải với kinh tế hộ gia đình, anh đã nhận thấy vịt trời là một con nuôi có tiềm năng.
Tuy nhiên, việc chăn nuôi chỉ dừng lại quy mô nhỏ lẻ và chủ yếu gia đình mang đi tiêu thụ ở các chợ khu vực lân cận. Để phát triển ý tưởng của mình, anh đã tập hợp một số hộ trong xã đang nuôi vịt trời thành lập HTX để liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Khi quy mô HTX không đáp ứng được nhu cầu về sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường, anh Nhật đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân chăn nuôi Thành Long chịu trách nhiệm từ khâu phân phối giống, kỹ thuật chăn nuôi đến bao tiêu sản phẩm.
Với diện tích trang trại rộng hơn 2 ha, được cải tạo thành từng khu chăn nuôi với từng giai đoạn phù hợp. Tổng số đàn vịt của doanh nghiệp hiện nay lên đến 18 nghìn con, được thực hiện quy trình nuôi vịt trời khép kín, từ khâu lai tạo chọn giống, ấp nở đến việc phân loại đảm bảo nuôi theo quy trình VietGap.
Anh Nhật cũng cho biết: Doanh nghiệp của anh là một trong những đầu mối lớn nhất trong nước cung cấp sản phẩm vịt trời đặc chủng. Với sự giúp đỡ của Trung tâm Xúc tiến thương mại và ứng dụng công nghệ cao của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ tháng 7-2014, sản phẩm vịt trời của Doanh nghiệp tư nhân chăn nuôi Thành Long được đưa lên sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, được người tiêu dùng các tỉnh, thành phố phía Bắc đón nhận.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân địa phương, thời gian tới Doanh nghiệp tư nhân chăn nuôi Thành Long đang tiếp tục đầu tư mở rộng khu chăn nuôi với diện tích trên 8 ha; đồng thời đầu tư xây dựng khu giết mổ cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường.
Việc liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thời gian qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Ông Phạm Ngọc Duân, Chủ tịch UBND xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh cho biết: Nhằm kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, xã Khánh Trung đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa với Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình.
Trong vụ mùa 2015, toàn xã đã có trên 115 ha diện tích hợp đồng giữa nông dân và Công ty với giá thu mua tươi ngay tại đồng ruộng bằng với giá lúa khô ở thời điểm hiện tại. Nhờ đó, nông dân tránh được rủi ro biến động về giá do hợp đồng được ký với giá cố định ngay từ đầu vụ.
Ông Vũ Văn Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình cho biết: Doanh nghiệp phải chủ động kết nối với chính quyền, nhà khoa học và từng người dân từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm theo quy trình khép kín.
Công ty cũng thực hiện thu mua lúa tươi ngay tại đầu bờ để đảm bảo theo đúng quy trình sản xuất khép kín. Nhờ đó giá trị gia tăng của hạt gạo tăng 1,5 lần so với quy trình sản xuất truyền thống, giảm tổn thất sau thu hoạch. Khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong xuất khẩu nông sản Việt Nam. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp đạt 7.106.000 USD. Hiện nay, Công ty đang xuất khẩu các sản phẩm vào thị trường các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước Tây Âu với các sản phẩm từ dứa, ngô, lạc tiên, vải thiều, gấc, đậu tương rau lạnh...
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đáp ứng theo yêu cầu thị trường quốc tế, Công ty đã giảm bớt một dòng sản phẩm truyền thống, tập trung vào sản phẩm mà thị trường quốc tế có nhu cầu cao như: Dứa cô đặc, dứa lạnh; ngô ngọt lạnh, đóng hộp; lạc tiên purre, nước quả lạc tiên; vải lạnh IQF; gấc purre; đậu tương rau lạnh, cải bó xôi lạnh, hành lạnh, mơ lạnh...
Ông Đinh Cao Khuê, Giám đốc Công ty cho rằng vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản hiện đại đặc biệt quan trọng ở khâu chế biến và xuất khẩu, họ chính là thị trường trực tiếp của người sản xuất (nông dân, hợp tác xã, nhà sản xuất).
Họ tạo ra sản phẩm có giá trị thị trường gia tăng cao để làm tăng giá trị cho toàn bộ chuỗi giá trị nông sản, là cơ hội tăng thu nhập của các tác nhân khác trong chuỗi giá trị.
Cũng theo ông Đinh Cao Khuê, ngành nông nghiệp Ninh Bình muốn tái cơ cấu đòi hỏi phải có một quy hoạch chi tiết cho từng vùng sản xuất dựa trên thế mạnh điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu… ở mỗi địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh nên có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp trong việc chế biến, bảo quản và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Nguyễn Thơm