1. Về vai trò của Đinh Tiên Hoàng đối với sự nghiệp thống nhất quốc gia và xây dựng nước Đại Cồ Việt
Như chúng ta đều biết, năm 965, Nam Tấn vương Ngô Xương Văn qua đời, triều đình nhà Ngô do Ngô Quyền sáng lập (năm 939) tại Kinh đô Cổ Loa trở nên cực kỳ hỗn loạn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép vào năm 966: "Nam Tấn vương mất, các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm quận ấp để tự giữ... Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai".
Các sứ quân phần lớn là những người thuộc dòng dõi con cháu hoặc tướng lĩnh của nhà Ngô. Nhiều người là anh em ruột thịt, có những người có thế lực về cả quân sự, chính trị và kinh tế ở địa phương. Sau khi triều đình Cổ Loa sụp đổ, một số quan chức và công thần của triều đình nhà Ngô đã tản về đất bản bộ, biến thực ấp của mình thành giang sơn riêng và mở rộng vùng kiểm soát ra các làng xã phụ cận, xây dựng thành vùng cát cứ.
Bấy giờ ở Trung Quốc, năm 960, Triệu Khuông Dận (Tống Thái Tổ: 960-976) phế bỏ nhà Hậu Chu, lập nên Vương triều Tống. Với một quân đội tương đối hùng mạnh, Tống Thái Tổ đã dùng chiến lược "trước Nam, sau Bắc", điều quân đi chinh phạt các nước nhỏ ở phương Nam, khôi phụ sự thống nhất trong nước và nuôi tham vọng chinh phục ra nước ngoài. Từ năm 963 đến năm 979, Tống Thái Tổ đã dùng vũ lực và thủ đoạn ngoại giao lần lượt tiêu diệt và thôn tính: Nam Bình (Hồ Nam) năm 963; Hậu Thục (Tứ Xuyên) năm 965; Nam Hán (Quảng Đông) năm 971; Nam Đường (Giang Tây), năm 975; Ngô Việt (Chiết Giang) năm 978 và Bắc Hán (Sơn Đông), năm 979, thống nhất Trung Quốc.
Trong tình hình đó, thử hỏi nếu cục diện loạn 12 sứ quân kéo dài, "trong nước không có chủ", liệu vị Hoàng đế Trung Hoa Tống Thái Tổ có để cho nước ta thời bấy giờ yên hưởng nền độc lập không? Do vậy, sự xuất hiện của Đức vua Đinh Tiên Hoàng trên vũ đài chính trị và việc Người dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất quốc gia, thu non sông về một mối là điều vô cùng may mắn cho lịch sử dân tộc Việt Nam. Đúng như sử gia Lê Văn Hưu nhận định: "Đinh Tiêng Hoàng có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng Hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ..."
Theo các tác giả bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, thì kể từ An Dương Vương cho mãi tới Ngô Vương Quyền, Ngô Xương Xí, Kiều Công Hãn, Mười hai sứ quân tranh nhau khởi lên "đều chưa có thời đại nào gọi là chính thống được. Đến thời đại Đinh Tiên Hoàng, trong nước mới thống nhất. Vậy Đinh Tiên Hoàng nên liệt vào chính thống để nối tiếp với quốc thống của Hùng Vương".
Ngoài ra, Đức vua Đinh Tiên Hoàng còn xưng Hoàng đế vào năm 968, rõ ràng là có hàm ý so sánh với các Hoàng đế Trung Hoa. Việc xưng Hoàng đế của Đinh Tiên Hoàng mở ra một truyền thống cho các vị vua khác của nước ta: Vua Lý ở thế kỷ XI, vua Trần ở thế kỷ XIII, vua Lê ở thế kỷ XV, vua Nguyễn ở thế kỷ XIX... đều đã xưng đế hiệu, khẳng định vị thế độc lập, không lệ thuộc vào chính quyền phương Bắc, mà đại diện là các Hoàng đế Trung Hoa.
Năm 968, Đức vua Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt (có nghĩa: Nước Việt to lớn), được 2 năm, năm 970, Người bỏ không dùng niên hiệu của các Hoàng đế Trung Hoa nữa và đặt niên hiệu là Thái Bình. Sự kiện trọng đại này biểu hiện ý chí độc lập, tự chủ, không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc của tầng lớp đứng đầu quốc gia Việt Nam ngày đó.
2. Tầm quan trọng của Lễ hội Trường Yên trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam
Lễ hội Trường Yên (hay còn gọi là Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, Lễ hội Cờ Lau...). Ký ức dân gian vùng Cố đô Hoa Lư cho biết: Lễ hội Trường Yên đã được bắt đầu ngay từ khi Đức vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long và trên nền móng của cung điện Hoa Lư, hai ngôi đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành cũng được tạo dựng. Để có được lễ hội như hiện nay là cả một quá trình, mà trong đó có sự hòa quyện cả những yếu tố lịch sử và cả những truyền thuyết dân gian. Hình thức của Lễ hội, gồm có: Lễ rước nước, Lễ dâng hương, Lễ rước lửa, Tập trận cờ lau, Tế nữ quan, Kéo chữ, Múa rồng lân, Thổi cơm thi và những tiết mục biểu diễn, thi đấu quen thuộc đối với nhiều lễ hội truyền thống dân gian khác.
Qua đó, chúng ta thấy Lễ hội Trường Yên bao gồm 2 phần lễ và hội
- Phần lễ: là Lễ rước nước ở bến Trường Yên (sông Hoàng Long) và được tổ chức tế lễ hết sức trang nghiêm, thành kính; biểu hiện của mối liên hệ mật thiết, hữu cơ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cả cộng đồng, nó bao hàm những yếu tố: linh khí núi sông, tâm thức dân gian về cội nguồn đất nước, dân tộc, theo đạo lý: "Uống nước nhớ nguồn".
- Phần hội: là các tiết mục như diễn trò "Tập trận Cờ lau", kéo chữ, cờ tướng, múa rồng lân, thi viết chữ Nho, thi Người đẹp văn hóa Cố đô Hoa Lư...
Theo sử sách: Kể từ khi Kinh đô Hoa Lư trở thành Cố đô, thì Lễ hội Trường Yên đều được các Vương triều phong kiến Việt Nam coi như một Lễ trọng, một Quốc lễ. Đến ngày diễn ra Lễ hội Trường Yên, triều đình Thăng Long (thời Lý, Trần, Lê...), hay triều đình Huế (thời Nguyễn), đều cử các vị quan đại thần về Cố đô Hoa Lư tham dự và làm chủ tế.
Dưới triều Nguyễn (1802-1945), việc tế lễ Đức vua Đinh Tiên Hoàng trong Lễ hội Trường Yên càng được triều đình Huế hết sức coi trọng. Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì hàng năm triều đình Nguyễn tổ chức đại lễ, tế miếu Đế vương các đời, trong đó có 4 vị được xem là đặc biệt quan trọng: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương và Đinh Tiên Hoàng. Ngoài việc triều đình Huế cử vị quan đại thần về Trường Yên tế lễ, từ năm 1823, vua Minh Mệnh còn cho dựng miếu Đức vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Dương Xuân, Kinh đô Phú Xuân (Huế). Tại đây, hàng năm hai kỳ tế Xuân Thu, thường thường vua Minh Mệnh trực tiếp đến tế, lễ Đức vua Đinh Tiên Hoàng, lễ vật gồm có: cỗ Thái Lao (tức Tam sinh: trâu, dê, lợn), xôi và hoa quả... Từ đó trở đi, triều đình quy định việc tế miếu Đinh Tiên Hoàng sẽ được cử hành hàng năm vào hai kỳ Xuân-Thu để "ngưỡng trông công đức thời trước, phải nên cử hành lễ trọng thể, để giãi tỏ tấm lòng thành kính" của triều đình.
Qua đó, chúng ta thấy Lễ hội nói chung và Lễ hội Trường Yên nói riêng là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, làm giàu và phát huy giá trị nền văn hóa dân tộc. Ngày nay, đất nước Việt Nam ta đang chuyển mình mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế với khu vực và quốc tế. Đời sống vật chất và đời sống tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng cao, do đó, việc tham gia lễ hội đã trở thành một nhu cầu chính đáng, có ý nghĩa lớn lao. Những năm gần đây, Lễ hội Trường Yên có vinh dự được đón hàng vạn khách hành hương và du khách trong cả nước về dự lễ hội. Điều đó, khiến cho lãnh đạo và nhân dân tỉnh Ninh Bình nhận thức cần đầu tư trí lực và tài lực để mở rộng và nâng cấp Lễ hội Trường Yên lên một tầm mức mới.
3. Vấn đề nâng cấp Lễ hội Trường Yên thành Lễ hội cấp Nhà nước và việc lựa chọn ngày Lễ trọng cho sự kiện lịch sử trọng đại lập nước Đại Cồ Việt này đảm bảo trang trọng, đúng với ý nghĩa của một ngày lễ thiêng liêng của dân tộc.
... Như chúng ta đã biết Lễ hội truyền thống Trường Yên đã tái hiện lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng, từ thuở thơ ấu đến khi khai quang đế nghiệp. Lễ hội cũng là bài học về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Với những nghi lễ dâng hương, rước nước; tắm thần vị... diễn tích cờ lau tập trận đã thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc và ý nguyện nhất tâm phụng thờ tiên đế với tấm lòng thành kính nhất đối với người anh hùng dân tộc đã có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn về một mối, xây dựng nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở Việt Nam. Với những giá trị đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Lễ hội Trường Yên vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tuy nhiên từ xưa đến nay, ngày tổ chức lễ hội Trường Yên chưa được thống nhất cao:
Theo Từ điển lễ tục Việt Nam các vua Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn đều lấy ngày 16-8 âm lịch - ngày kỵ của vua Đinh làm ngày lễ. Đến thời Khải Định (1916-1925) lấy ngày vua Đinh đăng quang ngôi hoàng đế 10-3 âm lịch làm ngày lễ. Trong cuốn Cửu khúc bằng chữ Hán, lễ hội được tổ chức vào tháng 10 âm lịch (Thập nguyệt kỳ phúc cửu khúc nghi tiết, nghĩa là, Nghi lễ tế cửu khúc cầu phúc tháng Mười). Theo bia đá thời Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) ở đền Đinh có ghi: "Tế quan Trần Chương vâng mệnh triều đình về đền Đinh làm lễ tế vào tháng Bồ" theo nội dung ghi trên bia đá này thì dưới triều Nguyễn, triều đình đã cử tế quan về làm lễ (thực hiện theo nghi lễ quốc gia).
Như vậy, Lễ hội truyền thống Trường Yên từ năm 1940 trở về trước chỉ tổ chức trong một ngày và lấy các ngày có liên quan đến vua Đinh Tiên Hoàng để tổ chức, các nội dung tổ chức lễ hội cũng chỉ nhắc đến các sự kiện có liên quan đến vua Đinh như: múa cờ lau tập trận (tái hiện lại thuở thơ ấu khi vua Đinh còn là mục đồng, nhưng đã thể hiện vị thế của một quân vương), kéo chữ Thái Bình (niên hiệu của Nhà nước Đại Cồ Việt do Đinh Tiên Hoàng sáng lập nên), ca tế cửu khúc (xuất phát từ việc vua Đinh rất thích xem hát).
Hiện nay, nhân dân xã Trường Yên tổ chức lễ hội trong ba ngày từ ngày 8 đến ngày 10-3 âm lịch hàng năm. Với lý do, khi Lễ hội đền Hùng được tổ chức có quy mô hơn thì Lễ hội truyền thống Trường Yên đã kéo dài thêm hai ngày bằng cách khai hội trước 2 ngày (ngày mồng 8 tháng 3 âm lịch) để tránh ngày mùng 10, ngày khai hội đền Hùng. Cho dù đây là cách ứng xử tự nhiên của cộng đồng hay quy định của triều Nguyễn thì cũng đều cho thấy vai trò quan trọng mang tính quốc gia của Lễ hội Trường Yên.
Trong cuộc Tọa đàm khoa học lần này, với thời gian không dài, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng, với nỗ lực chung của mọi người, chúng ta có thể đi tới sự xác định có tính thống nhất cao về vai trò to lớn của Đức vua Đinh Tiên Hoàng đối với việc thống nhất quốc gia ở giữa thế kỷ X và sự nhất trí trong việc nâng cấp: Lễ hội Trường Yên thành Lễ hội cấp Nhà nước; lựa chọn được một ngày làm ngày Lễ trọng, ngày Lễ quốc gia, kỷ niệm dấu mốc lịch sử trọng đại đảm bảo trang trọng, đúng với ý nghĩa của một ngày lễ thiêng liêng của dân tộc./.