Dự và làm việc với đoàn có các đồng chí: Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Phương, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; Ban Dân vận Tỉnh ủy; Sở Nội vụ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tư pháp; Công an tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh.
Qua công tác quản lý của UBND tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức tôn giáo là Công giáo và Phật giáo với tổng số 234.204 tín đồ, chiếm 25,57% dân số của tỉnh, 1.023 cơ sở tín ngưỡng...
Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tăng cường hoạt động, củng cố đức tin, đào tạo chức sắc, xây sửa, nâng cấp nơi thờ tự. Nội dung hoạt động đã bám sát giáo luật, hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật. Các tín đồ tôn giáo đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, giảm nghèo, nhân đạo, từ thiện... tại địa phương.
Thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn các cơ sở tín ngưỡng tổ chức các hoạt động theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đến đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp, các chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh công tác phối hợp tham mưu giải quyết các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của các ngành có liên quan.
Hiện nay, toàn tỉnh có 389 cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo của tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong việc nắm tình hình, tham mưu, đề xuất giải quyết nội dung công việc liên quan đến tôn giáo cơ bản đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã đề nghị với đoàn khảo sát một số vấn đề: Đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho phù hợp với tình hình tôn giáo và công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo trong tình hình mới; Quan tâm đầu tư các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào theo đạo còn khó khăn; tham mưu cho Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước ở các cấp theo hướng chuyên nghiệp...
Để phục vụ cho việc thẩm tra dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cùng các sở, ngành dự buổi làm việc đã trao đổi các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định công tác quản lý Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh những năm qua được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, đảm bảo người dân được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng theo quy định của pháp luật. 10 năm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Ninh Bình không để xảy ra đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tôn giáo.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt. Qua đó góp phần đảm bảo an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Về những đề xuất, ý kiến của tỉnh và các ngành có liên quan, đồng chí đã tiếp thu, giải đáp, đoàn khảo sát sẽ tổng hợp, phục vụ cho việc thẩm tra dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Bùi Diệu