Dự hội nghị giám sát có các đồng chí: Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Thanh Bình, TVTU, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh; lãnh đạo Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Ban Nội chính Tỉnh ủy. Tại hội nghị, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã nghe báo cáo về việc chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ của các cơ quan: Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh.
Các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận và giải trình làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát yêu cầu, nêu một số đề xuất trong việc thực hiện công tác này.
Tại hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã báo cáo khái quát với Đoàn về sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ.
Từ năm 2010, Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành Quy chế số 06-QC/TU, quy định việc phối hợp tiếp nhận, phân loại, xử lý, chuyển đơn thư KNTC giữa 6 cơ quan đầu mối: Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều quy định cụ thể khác trong thực hiện công tác này.Các giải pháp tích cực, đồng bộ đó đã góp phần tạo thuận lợi trong ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp Quốc hội đã ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Ninh Bình đối với việc triển khai việc chấp hành pháp luật trong xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ thời gian vừa qua.
Các cơ quan chức năng đã tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, cơ bản đã xử lý đúng người, đúng tội. Trong quá trình thực hiện, việc phối hợp giữa các cơ quan đã được tăng cường. Điểm nổi bật là tỉnh Ninh Bình đã bước đầu xử lý được trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra các vi phạm. Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn, công tác phát hiện còn hạn chế chưa phản ánh thật sự đầy đủ tình hình thực tế.
Đồng chí Trưởng đoàn đề nghị: trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng để tăng cường hiệu lực lãnh đạo cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngay từ trong nội bộ cấp ngành, đơn vị mình. Quan tâm tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác này để có đủ năng lực, phẩm chất hoàn thành nhiệm vụ được giao…
Đối với một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Ninh Bình, đoàn ghi nhận đầy đủ và sẽ trình lên Quốc hội, đặc biệt là việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trong công tác này.
Duy Hiền